Độc đáo nhà đất
Nhà trình tường là công trình kiến trúc rất phổ biến ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Đó là những ngôi nhà của người dân tộc được làm bằng đất, thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở miền núi, mỗi căn nhà thường sẽ là nơi ở của một gia đình. Nhà trình tường có khả năng “điều hòa” rất tốt, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Để tạo nên những ngôi nhà trình tường độc đáo ấy, đồng bào thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Cùng với tường đất, mái lợp bằng ngói hoặc tranh giúp ngôi nhà điều hòa nhiệt độ suốt trong năm. Trong đất phải có sỏi nhỏ để tạo độ cứng với mục đích chịu các tác động từ bên ngoài. Loại đất này có độ dẻo dai nhất định để tạo sự kết dính lớn.
Nhìn từ xa, xóm Nà Rẻo - Tam Hợp xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đẹp như một bức tranh, nổi bật trên nền xanh của cây cối là những nếp nhà trình tường màu vàng đơn sơ nép mình vào núi rừng xanh thẳm. Cụ Bàn Thị Chông, 88 tuổi, ngồi bên hiên nhà trình tường của mình chậm rãi kể: Nhà của cụ xây dựng từ năm 1965. Học các cụ thời xưa, người dân nơi đây xây dựng một ngôi nhà trình tường vừa để ở vừa chống được sương mù, cái lạnh cắt da của mùa đông trên núi, vào mùa hè mát mẻ, lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ.
Nét độc đáo trong kiến trúc ngôi nhà trình tường Nà Rẻo của người Dao Tiền tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có ba gian, hai cửa, gồm: một cửa chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra chuồng trâu, chuồng lợn phía sau. Ngoài ra, còn làm thêm 2 cửa sổ ở bên trái, bên phải lối ra vào và một cửa sổ ở gian bếp. Ba gian nhà được sắp xếp theo mô hình gian bên trái dùng để đặt buồng ngủ của gia chủ; gian bên phải là buồng ngủ của con cái (thường có cửa buồng kín đáo); gian giữa thường rộng hơn hai gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, bày bàn ghế tiếp khách, một số gia đình đặt thêm 1 - 2 giường dành cho khách. Bên trong nhà còn làm thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song với tường chính. Sau bức tường phụ này chính là khu vực bếp. Nhà trình tường nào cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm. Trên bếp luôn có gác bếp nhỏ chứa lương thực, thực phẩm để khói bếp hạn chế được sâu mọt, ẩm mốc.
Theo cụ Bàn Thị Chông, đặc biệt, khu bếp của người Dao Tiền có cửa sổ nhỏ hình vuông. Người dân Dao Tiền vốn sống chan hòa chia sẻ với nhau, cửa sổ nhỏ đó giúp cho hàng xóm dễ dàng san sẻ thức ăn cho nhau giữa các gian bếp mà không phải chạy qua nhà nhau.
Điểm khác biệt nhà trình tường của người Dao Tiền có thể thấy ở xóm Nà Rẻo - Tam Hợp là dãy nhà xây dựng liền nhau từ 5 - 7 nhà cùng sinh sống, không có nhà trình tường riêng lẻ. Một ngôi nhà trình tường nhìn thì đơn giản nhưng lại mất nhiều công sức vì phải cẩn thận từ khâu làm móng nhà. Móng nhà được đào sâu khoảng 1 mét rồi kè bằng đá kết hợp với chất kết dính là đất trộn nhuyễn lên cao hơn mặt sân khoảng 40 - 60cm. Vì vậy, trong dòng họ, các anh em thường cùng nhau bàn bạc, chuẩn bị vật liệu và cùng nhau xây dựng những ngôi nhà liền kề nhau, chung tường, vừa tạo được độ vững chắc vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cộng đồng người Dao Tiền.
Cụ Bàn Thị Chông bên ngôi nhà trình tường niên đại gần 60 năm của mình. |
Làm du lịch từ nhà trình tường
Trải qua thời gian hàng chục năm, trăm năm, nhiều ngôi nhà trình tường của người dân tộc Dao Tiền xuống cấp. Nhiều gia đình đã thay thế nhà đất truyền thống bằng nhà gạch, bê tông. Lo ngại sự biến mất của kiến trúc cổ cũng như bản sắc dân tộc bị mai một, chính quyền xã Thành Công, huyện Nguyên Bình đã tuyên truyền, động viên người dân giữ gìn được nét kiến trúc nhà trình từ xa xưa để lại. Trước mắt, tỉnh, huyện đầu tư nguồn vốn, kinh phí để hỗ trợ người dân tu bổ 10 ngôi nhà trình tường tại Nà Rẻo - Tam Hợp.
Ông Đào Nguyên Phong - Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho hay, 10 ngôi nhà đang trong quá trình tu bổ theo kiến trúc trình tường nguyên gốc, dự kiến khoảng 2 tháng nữa thì hoàn tất. Không chỉ tu bổ nhà trình tường, chính quyền và bà con nơi đây còn đưa chuồng gia súc cách xa nhà, dọn dẹp phòng ở và bếp ngăn nắp, trang trí đường làng, ngõ xóm khang trang, trồng thêm các loài hoa rừng tạo cảnh quan hòa với thiên nhiên.
Du khách rất thích tham quan kiến trúc những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương cổ kính và khám phá cuộc sống thường nhật của đồng bào dân tộc Dao Tiền. Bởi vậy, xóm Nà Rẻo - Tam Hợp đang trên bước đường trở thành điểm du lịch cộng đồng.
Trong lúc chờ tu bổ ngôi nhà trình tường của mình cho tươm tất, bà con trong xóm đang tích cực học các kỹ năng tiếp đón du khách, nâng cao cách nấu ăn món ăn dân tộc Dao Tiền, thành lập tổ văn nghệ “cây nhà, lá vườn” biểu diễn ngay sân nhà trình tường và trình diễn với trang phục truyền thống, làm miến dong hay tìm những bài thuốc người Dao bằng thảo dược để phục vụ du khách.
Du lịch cộng đồng với kiến trúc nhà trình tường là điểm nhấn để đón du khách trải nghiệm tại Nà Rẻo, không chỉ góp phần tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc Dao Tiền mà còn tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập bà con, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách về với non nước Cao Bằng.