36 tác phẩm về Hà Nội của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vừa được trưng bày tại Viện Goethe 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của cố hoạ sĩ. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Bùi Thanh Phương, con trai của danh họa Bùi Xuân Phái.
* Được biết Natasha, vợ của cố họa sĩ Vũ Dân Tân đã gặp anh và đặt vấn đề tổ chức một cuộc triển lãm tranh vẽ của Bùi Thanh Phương ở thập niên 80, 90. Nhưng hình như anh không muốn Natasha trưng bày những bức tranh này trong cuộc triển lãm mà cô đang lên chương trình cho nó?
- Natasha đã đến chơi và nói chuyện về dự định muốn làm một cuộc triển lãm trong bộ sưu tập tranh của các họa sĩ Việt Nam mà Natasha sưu tập được từ những thập niên 80, 90 ở thế kỷ trước, trong đó có một số tranh tôi vẽ trong giai đoạn này.
Không phải lúc nào quan điểm nghệ thuật cũng đúng, nhất là khi người ta còn trẻ, ở một góc độ nào đó, có cái gì hơi hiếu thắng và ngông nghênh. Tuổi trẻ đượm mờ nhiều cảm xúc, vừa chủ quan, vừa hạn chế về trải nghiệm mà lại đầy tự tin. Bây giờ, tôi đã kinh qua bao nhiêu khó khăn vấp váp, đã xây dựng cho mình một chừng mực điềm đạm trong cá tính, trong cách sống chứ không còn “hoắng” lên như tuổi trẻ. Tranh của tôi thời ấy khác bây giờ. Thời ấy mình hồn nhiên, mình vẽ hoàn toàn là cuộc chơi, cũng có bán nhưng với giá rất rẻ.
Nói chung, khi xem lại số tranh mình vẽ từ thủa đầu bước vào cuộc hành trình trên con đường hội họa, tôi đã không hài lòng. Nhưng nó đã thuộc sở hữu của Natasha, nếu tôi còn giữ thì chắc sẽ xóa trắng rồi. Tôi nói với Natasha rằng, nó chỉ có giá trị mang dấu vết của một thời đã qua, bây giờ Phương vẽ khác. Tôi nghĩ khi người họa sĩ còn sống, họ có quyền bày tỏ chính kiến về những tác phẩm của mình và họ có thể đồng ý hay không chuyện tham gia vào một cuộc triển lãm bày trước công chúng.
* Có vẻ như khi nhắc đến Bùi Thanh Phương thì người ta vẫn thấy những hoạt động liên quan đến di sản của cụ Phái nổi bật hơn là hình dung về một phong cách hội họa độc đáo của cá nhân Bùi Thanh Phương. Anh có chạnh lòng không?
- Vấn đề của mình, tôi tạm gác sang một bên, không muốn chạm đến. Cái quan trọng cần được phổ biến bây giờ là di sản hội họa của cụ Phái, tôi coi đó là trách nhiệm lớn lao của mình. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó tôi cũng phải dừng lại thôi, chứ không thể suốt cuộc đời mình phải đóng vai một MC giới thiệu về cụ Phái.
Có người trêu, bây giờ tôi đã trở thành “ngôi sao truyền hình”, thực ra, vì tôi đã xem đó là công việc, là trách nhiệm nên buộc phải cố gắng thôi, đem những gì mình biết về cụ Phái để chia sẻ với mọi người. Hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu thấu đáo về Bùi Xuân Phái. Tôi hỏi bạn, ngoài tôi ra bây giờ còn ai là người thấu hiểu, và nắm giữ được nhiều những câu chuyện về Bùi Xuân Phái?
Tôi tự hào là hậu duệ của danh họa họ Bùi, nhưng tôi ý thức được rằng không bao giờ nên vênh váo với thành tựu của người khác, ông Phái thân sinh ra tôi, nhưng ở góc độ nghệ thuật thì ông vẫn là “người khác” đối với tôi chứ.
Tôi có một niềm tin khá “ngông” (nhưng chỉ âm thầm trong tâm trí thôi nhé) rằng sẽ có lúc nào đó người ta nói về tôi, người ta sẽ nghĩ đến Bùi Xuân Phái. Chứ không phải như bây giờ, nói về Bùi Xuân Phái chán chê rồi họ mới kéo tôi vào một chút. Tình trạng này nếu kéo dài mãi, quả thật mình cũng không tránh được những mặc cảm và thương tổn của người nghệ sĩ.
* Nói về trị giá tranh Bùi Xuân Phái ở Việt Nam và trên thế giới, anh có thể cho biết bức có giá cao nhất đến thời điểm này là bức nào?
- Tranh đắt nhất của Bùi Xuân Phái đến thời thời điểm này là bức “Hà Nội năm 46” thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn, có khách đã trả tới 200.000 USD mà tới giờ người sở hữu vẫn chưa bán. Tôi nghĩ trong tương lai nó có thể sẽ lên đến giá cao hơn nữa. Đó là một bức tranh mà Bùi Xuân Phái vẽ rất chăm chút.
Thông thường, cụ vẽ càng nhanh càng đẹp nhưng những bức vẽ nhanh đó chưa thể gọi là tuyệt phẩm, chưa khiến người ta lùi xa tiến gần chiêm ngưỡng và đắm mình trong thưởng ngoạn. Người ta đang săn tìm các chủ sở hữu những bức tranh “lăn ra ốm” của cụ Phái. Vì trong nhật kí của mình, cụ Phái có ghi lại là “hôm nay mình dốc hết sức, vắt kiệt sức lực để hoàn thành xong một tác phẩm, bây giờ thấy trong người ngây ngây sốt, sắp sửa lăn ra ốm”.
Thời cụ Phái, cứ cách một vài năm lại có một cuộc triển lãm hoặc toàn quốc hoặc ở Hà Nội. Ông tập trung thời gian để vẽ cho triển lãm chứ không phải vẽ chơi như vẽ chèo, phố. “Lăn ra ốm” ấy không nằm ở chèo, ở phố. Mỗi khi cụ lôi cái toan to trắng ra sân để vẽ một tác phẩm đáp ứng kịp thời vào cuộc triển lãm trước công chúng thì trách nhiệm và ý thức công dân được đặt lên hàng đầu, được thể hiện ở mỗi bức “lăn ra ốm” ấy.
Cần phải nói thêm, có triển lãm của Bùi Xuân Phái, báo chí đưa tin là 60 bức tranh của ông được trưng bày, công chúng hồ hởi đến xem nhưng thực ra đó chỉ là những nháp minh họa bé bằng 3, 4 ngón tay. Cái đó nếu gọi là bức tranh là sai mà phải gọi là di bút, ký họa, giá trị của nó không cao lắm, nếu có bán thì cũng rất rẻ.
Vì thế mà nhiều người hiểu lầm giá tranh cụ Phái không bằng tranh của các họa sĩ đương thời. Tôi nghĩ giá tranh thời nào cũng vậy, nó nằm ngoài giá trị nghệ thuật. Người xem không nên nghe giá tranh để mà xem tranh mà hãy nhìn vào chính bức tranh, bằng cái nhìn của người hiểu biết. Nhiều họa sĩ trẻ hay khủng bố người yếu bóng vía bằng cái giá rất cao, người mộ điệu không quan tâm đến cái giá anh ta nói, mà nhìn thẳng vào tác phẩm của anh ta là hiểu được ngay anh ta đang ở đâu.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Thu Hồng (thực hiện)