Nơi để trở về

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vài thập niên trở lại đây, gia đình Việt đã dần thay đổi từ gia đình truyền thống ba, bốn thế hệ cùng dưới một mái nhà sang những gia đình nhỏ độc lập. Nhưng dù ở thời nào, gia đình vẫn là nơi chốn trở về quan trọng với mỗi người…

Gia đình là giá trị quan trọng hàng đầu

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa, nhà nghiên cứu tâm lý, hôn nhân gia đình cho rằng, từ xa xưa, mỗi gia đình sống chung rất nhiều thế hệ, từ ông bà, bố mẹ, con cái đến cháu chắt. Tinh thần đoàn kết ấy chính là nguồn cội để tạo ra một gia đình hạnh phúc. Theo chuyên gia, hiện nay, những gia đình cũ đã “chuyển mình”, nhường chỗ cho những gia đình hạt nhân: chỉ có vợ chồng và con cái còn nhỏ. Nói một cách khác, gia đình Việt trong xã hội hiện đại đang có chiều hướng thu nhỏ lại, khác nhiều so với thời ông bà.

Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia.

Trong gia đình Việt Nam truyền thống, bữa cơm gia đình là một hình ảnh điển hình nhất, thể hiện tính cộng đồng, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Thời xưa đói kém, nhiều nhà chỉ ăn một bữa cơm, bữa cháo, nhưng tất cả các thành viên đều có mặt đông đủ, để chia sẻ và gặp mặt nhau sau một ngày vất vả.

Còn cuộc sống của một gia đình hiện đại ngày nay là sáng đưa con đến lớp, bố mẹ đi làm, chiều về đón con, giao lưu, hội họp, làm thêm giờ, học thêm... liên miên, những bữa cơm gia đình dần thưa vắng. Hình ảnh cả gia đình ngồi vui vẻ quanh mâm cơm đã trở nên hiếm hoi; bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi cũng không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận việc, con đi học hoặc đi làm...

Tuy những nếp nhà có nhiều đổi thay thì với người Việt gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó là sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo…

Một nghiên cứu chỉ ra, cùng với việc coi trọng giá trị gia đình, các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của người Việt Nam vẫn nghiêng về các giá trị truyền thống nhưng đang có xu hướng dịch chuyển sang các giá trị mang tính cá nhân và hiện đại. Có thể thấy, tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời của người dân được khảo sát ưu tiên các phẩm chất về tư cách, đạo đức hơn là các tiêu chuẩn về ngoại hình hay tiêu chuẩn về kinh tế.

Tiêu chuẩn đầu tiên của lựa chọn bạn đời là người đó “có tư cách đạo đức tốt” (chiếm 66,7%), tiếp theo là tiêu chuẩn “biết cách ứng xử” (chiếm 45%), tiêu chuẩn “khỏe mạnh” đứng thứ 3 trong các tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời (chiếm 36,1%). Các tiêu chuẩn liên quan đến điều kiện kinh tế, vật chất được lựa chọn nhưng với tỷ lệ thấp, như biết cách làm ăn (chiếm 28,6%), có nghề nghiệp ổn định (chiếm 12,9%).

Trong các nhóm tiêu chí lựa chọn bạn đời hiện nay, tiêu chí tình yêu được người trả lời đề cập đến cao nhất. Điều này nói lên rằng những giá trị về tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời đã có sự chuyển đổi rõ nét từ giá trị truyền thống sang các giá trị hiện đại. Khi cá nhân được giải phóng thì yếu tố tình cảm và sự tự do lựa chọn hôn nhân được đề cao.

Cùng với những thay đổi lớn trong kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, nghiên cứu cho thấy 38,5% người trả lời chấp nhận sống độc thân. Tỷ lệ này cho thấy nhóm người vẫn theo khuôn mẫu truyền thống trong kết hôn tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng không mang tính gần như tuyệt đối như trong xã hội truyền thống trước đây.

Nhà là nơi yêu thương để trở về. (Ảnh minh họa)

Nhà là nơi yêu thương để trở về. (Ảnh minh họa)

Nơi yêu thương để trở về

Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An (nghiên cứu sinh ĐH Suranaree, Thái Lan) cho rằng: “Ngày nay, không chỉ con cái tôn trọng, biết ơn bố mẹ đã chăm sóc, giáo dưỡng mình mà chính bố mẹ cũng cần tôn trọng con trên tinh thần lắng nghe, hiểu và chấp nhận những khác biệt về sở thích, tính cách, tình cảm, lựa chọn của con. Sự tôn trọng này còn có hiếu đạo, con có hiếu với bố mẹ sẽ biết tôn trọng và chia sẻ… Có thể nói đây là hệ giá trị trong các mối quan hệ gia đình mà chung quy nằm ở chữ “hòa”. Khi tất cả cùng hòa hợp sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, gắn kết các thành viên một cách khăng khít”.

Ở chiều ngược lại, anh David Morris (giảng viên tiếng Anh) bày tỏ: “Tôi nghĩ một trong những thử thách đáng kể với việc gìn giữ văn hóa, sự ấm cúng trong gia đình Việt hiện nay chính là công việc. Nhiều người Việt đặt công việc trên cả gia đình, dành nhiều thời gian làm việc hơn cho gia đình. Tôi còn thấy nhiều người Việt sau giờ làm thích dành thời gian rảnh cho bạn bè, đồng nghiệp hay các hoạt động ngoại giao.

Việc thiếu thời gian cùng nhau, không cùng ăn bữa cơm gia đình dễ góp phần khiến mối quan hệ trong nhà thêm nguội lạnh. Với tôi, điều cần phải làm là nỗ lực để có khoảng thời gian chất lượng dành cho gia đình, tìm kiếm những hoạt động có thể làm cùng nhau. Các bạn phải luôn có tâm thế ưu tiên gia đình trên công việc hay việc ngoại giao. Rất nhiều cha mẹ cố gắng đi làm kiếm thật nhiều tiền và điều này phần nào lại làm nhạt nhòa mối quan hệ thiêng liêng giữa họ với con cái, lấy đi sự ấm cúng cần thiết ở một gia đình Việt truyền thống”…

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa khẳng định, thực tế, gia đình Việt Nam hiện nay đang “dở mới, dở cũ”. Chuyên gia lấy ví dụ về chuyện sinh con trai, con gái trong gia đình. Vợ chồng không còn quá quan trọng chuyện sinh con trai hay con gái. Nhưng thực tế, trong việc thừa kế tài sản, con trai vẫn được phần nhiều hơn, con gái đi lấy chồng sẽ có phần thiệt thòi.

Hay chuyện nam nữ bình đẳng trong xã hội hiện đại nhưng trên thực tế, nhiều chàng trai vẫn không thích đi ở rể vì sợ bị cho là hèn kém. Cái mới và cái cũ vẫn còn tồn tại đan xen trong mỗi gia đình hiện đại. Chính tư tưởng cũ mới giằng xé này đã làm cho nhiều gia đình lục đục, mâu thuẫn, phản bội, bạo hành, tranh chấp tài sản dẫn tới những hệ lụy khó lường.

Đơn cử vụ việc 3 người con gái vì tranh chấp đất đai mà nhẫn tâm dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên. Để rồi sau đó, 2 người qua đời, 3 người còn lại trở thành nạn nhân với những nỗi đau không thể nói bằng lời.

Thế nhưng, thực tế, nhiều gia đình chuyển sang kinh tế thị trường vẫn sống hòa thuận, yêu thương như chuyện ông Đỗ Văn Hương (47 tuổi, Hà Nội) tự tay chăm sóc mẹ già 95 tuổi ân cần, chu đáo như chăm một đứa trẻ. Có được thứ tình cảm tốt đẹp ấy là bởi mỗi thành viên trong gia đình đều hiểu sự hiếu thảo là giá trị đi đầu, tình thân là điều thiêng liêng, đáng trân quý nhất.

Và chuyên gia chỉ ra rằng, giá trị gia đình cốt lõi luôn nằm ở sự đoàn kết, tình yêu thương, trách nhiệm, sự bình đẳng của mỗi thành viên trong gia đình.

Chính vì lẽ đó, dù cho ta có ở gần hay xa ngôi nhà của mình thì chắc chắn vẫn luôn có một ý nghĩ thôi thúc mỗi người đó là về nhà. Về nhà là về với những yêu thương đong đầy. Ở đó có sự ấm áp của cha, có sự hy sinh của mẹ; có sự đùm bọc, sẻ chia của những người anh, người chị, người em. Về nhà cùng căn phòng quen thuộc, chiếc giường thân quen là điều mà nhiều đứa con rời nhà mong mỏi.

Về nhà là về với bữa cơm gia đình quây quần bên nhau, rộn rã tiếng nói cười. Nơi đầy ắp những kỉ niệm của tuổi thơ mà chúng ta không tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Nó mang đúng nghĩa là “tổ ấm”, chính là nơi bắt đầu cho một cuộc sống, cũng là chốn dừng chân bình yên nhất mà ta muốn tìm về giữa cuộc đời.

Nhà là nơi mà ta có thể trú nắng, trú mưa bất cứ lúc nào. Nhà là nơi đợi ta về những lúc đi xa. Nhà là nơi chú giúp ta trưởng thành. Nơi chúng ta có thể trở về khi đau khổ, thất bại hay thành công. Và khi chúng ta mong muốn trở về nhà, ấy là khi chúng ta hiểu hơn ai hết giá trị của gia đình.

Ai đó nói rằng, có một nơi để về thì đó chính là nhà. Có những người để yêu thương, gắn bó, đó chính là gia đình. Trên đời nếu ai may mắn có được cả hai điều này thì người đó là người luôn hạnh phúc. Do đó, mỗi con người có nhiều nơi để đi, nhiều lối rẽ trong cuộc đời mình, nhưng chỉ có một nơi để trở về, đó là gia đình, là mái nhà, là tổ ấm an yên của mỗi người…

Cuộc sống càng hiện đại, càng trở lại những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thái Vân, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đúc kết: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”. Những điều đó còn nguyên giá trị và chúng ta luôn trân trọng lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Để đạt được mục tiêu hàng đầu là giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, chúng ta có đến ba “trường học” và phải gắn kết ba trường học đó. “Trường học” đầu tiên là gia đình, nuôi dưỡng và giáo dục tình yêu gia đình, lòng nhân ái. “Trường học” thứ hai là nơi trẻ học chữ, học văn hóa và tiếp tục được rèn luyện, tu dưỡng. “Trường học” thứ ba là xã hội, nơi lớp trẻ tự lập để trưởng thành, trở thành công dân hữu ích cho xã hội.

Đọc thêm

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024
(PLVN) -  Năm 2024 là một năm đặc biệt đối với Công đoàn Việt Nam, đánh dấu kỷ niệm 95 năm thành lập và là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Công đoàn. Các hoạt động nổi bật của tổ chức công đoàn đã không chỉ củng cố niềm tin của người lao động, mà còn khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của đoàn viên.

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi
(PLVN) -  Sáng 13/12, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi TP Hà Nội năm 2024 nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Sự kiện có sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tại sao thí sinh 'lệch' khối thi xã hội?

Những năm gần đây, thí sinh lựa chọn khối ngành xã hội luôn áp đảo khối tự nhiên. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHKHXHNV- ĐHQGHN)

(PLVN) - Năm 2024, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên, số học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao áp đảo chiếm 63%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây..

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'
(PLVN) - Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội toạ đàm về “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” tại Báo Pháp luật Việt Nam.