Dẫu sao “món nợ nhiệm kỳ” để lại cũng quá lớn và giải quyết tồn đọng đó không phải trong một vài năm là xong được. Không chỉ nợ công tăng cao, các dự án nghìn tỷ đắp chiếu ở khu vực kinh tế Trung ương mà tình trạng lãng phí, đầu tư không đúng tại các địa phương cũng là những “món nợ” không thể đòi. Vừa qua, kết quả thanh tra 2 năm (2014 và 2015) ở Lạng Sơn cho thấy thực trạng của việc xài tiền ngân sách vô tội vạ này.
Tuy nhiên, cái đáng lo hơn cả, đáng quan tâm hơn cả là tình trạng “nợ xấu” trong công tác tổ chức cán bộ. Một thời gian rất dài đã để cho “hậu duệ, tiền tệ và quan hệ” chi phối lĩnh vực này, vụ Trịnh Xuân Thanh và những gì xảy ra tại Bộ Công Thương là dẫn chứng hùng hồn chẳng có thể bao biện được nữa. Tiếng súng nổ ở Yên Bái là sự cảnh báo đau đớn chung quanh việc bố trí, sắp xếp nhân sự.
Các diễn biến bề nổi như cán bộ chạy ra nước ngoài bằng “con đường tiểu ngạch” với lý do chữa bệnh cho thấy sự ghê gớm âm ỷ ở bên trong, họ đã chuẩn bị trước cho một sự đào thoát sau khi tham nhũng. Điều này cho thấy lỗ hổng của quản lý con người và kẽ hở của pháp luật. Các đối tượng tham nhũng lợi dụng triệt để điều đó để tham nhũng và để tẩu thoát.
Điều nghịch lý là công tác quản lý cán bộ có nhiều sai trái nhưng vụ nào cũng “đúng quy trình”, kể cả những vụ báo chí phanh phui, đưa ra những bằng chứng cụ thể về sự thăng tiến thần tốc, Bộ chủ quản đến tận nơi kiểm tra vẫn tuyên bố “đúng quy trình”. Có vụ như ở Hải Dương, một sở có 44/46 người làm lãnh đạo, vẫn “đúng quy trình”. Đây là dấu hỏi rất lớn cho cái gọi là “quy trình” trong công tác tổ chức cán bộ và người phải bị xử lý đầu tiên là tác giả của cái quy trình đó!
Trong một tình trạng chung như vậy nên các biện pháp tuyển dụng công chức, viên chức vào biên chế trở thành hình thức mà thôi, kể cả cái việc được coi là “khách quan, nghiêm túc” là thi tuyển thì vẫn bị chi phối bởi “hậu duệ, tiền tệ và quan hệ”. Vì thế, có tỉnh vừa sa thải 600 giáo viên hợp đồng thì lại kêu thiếu và tuyển dụng thêm 400 suất. Lý giải đơn giản, đó là cơ hội để người ta làm tiền và giải quyết các mối quan hệ.
Điều may mắn là những người lãnh đạo đất nước đã nhận ra tình trạng này, đã chỉ ra “một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất”, vấn đề còn lại là kiên quyết xử lý cái bộ phận không nhỏ đó.
Nhân tố con người là quan trọng nhất, công tác tổ chức cán bộ đóng vai trò quyết định sức mạnh của đội ngũ, sử dụng tài nguyên con người cần phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực thật hữu hiệu ngay từ những người được giao phó làm nhiệm vụ này.