Nợ tự vay tự trả của DNNN không thể tính vào nợ công

(PLO) - Thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi Luật Quản lý nợ công, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội đề nghị nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không thể tính vào nợ công.

Trước đó, tại phiên họp tháng 3/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật này. Trên cơ sở Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban TCNS và ý kiến của UBTVQH, Chính phủ đã tiếp thu nhiều nội dung, chỉnh sửa Dự thảo luật và trình Quốc hội theo Tờ trình số 152/TTr-CP ngày 26/4/2017. Ngày 03/5/2017, Ủy ban TCNS đã tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra Dự án Luật này. 

Ủy ban TCNS nhận thấy, về cơ bản, Dự thảo luật đã bám sát và thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về quản lý, sử dụng nợ công; thể hiện tương đối bao quát các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, khắc phục tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, luật hóa nhiều nội dung được quy định tại các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia, Ủy ban TCNS nhận thấy, một số nội dung cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh. 

Khoản 2 Điều 1 Dự thảo luật quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ như quy định hiện hành, theo đó, nợ công bao gồm nợ Chính  phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật, theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác. Trường hợp đơn vị sự nghiệp vay nợ không trả được nợ thì cơ chế xử lý cũng được áp dụng như đối với các doanh nghiệp. Nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Có ý kiến thống nhất không đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công song cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN vì cho rằng, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, đưa các khoản ứng trước ngân sách nhà nước (NSNN), nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế GTGT vào phạm vi nợ công vì đó là những khoản nợ ngân sách nhà nước sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau, nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến những rủi ro, khó kiểm soát trong quá trình quản lý nợ công và điều hành NSNN.

UB TCNS Quốc hội cũng đề nghị phải quy định rõ về trách nhiệm trong quản lý vay nợ: Các điều tại Chương III của Dự thảo luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ,... song mới chỉ dừng ở những quy định liên quan đến nội dung công việc các cơ quan này thực hiện mà chưa phân định rõ chế độ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Để bảo đảm quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Về trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp đơn vị vay lại không có khả năng trả nợ, sử dụng vốn vay không hiệu quả

Dự thảo luật quy định nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và quản lý bảo lãnh Chính phủ song chưa quy định rõ trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng vốn vay khi xảy ra sai phạm, sử dụng vốn vay không hiệu quả, vay lại song không có khả năng trả nợ,...  UB TCNS đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào Dự thảo luật.

Về Quỹ tích lũy trả nợ (Điều 59), Dự thảo luật quy định một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ. Ủy ban TCNS nhận thấy, Quỹ tích luỹ trả nợ được thành lập nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ. Với tính chất quan trọng như vậy song nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng Quỹ chưa được làm rõ trong Dự thảo luật như nguyên tắc, thẩm quyền sử dụng, trách nhiệm hoàn trả, thời hạn hoàn trả, đặc biệt là các quy định để khắc phục tình trạng sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay cho một số dự án không hiệu quả, không có khả năng hoàn trả,... Vì vậy, để bảo đảm chặt chẽ trong việc quản lý nguồn vốn, sử dụng Quỹ đúng mục đích, hiệu quả, đề nghị bổ sung vào Dự thảo luật các nội dung trên. Đồng thời, cần quy định rõ Chính phủ có thẩm quyền quyết định việc sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ, không giao Thủ tướng Chính phủ như quy định của Dự thảo luật./.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.