Nét ẩm thực độc đáo
Mới đây, chương trình “Mắm Nam bộ và các chàng trai đẹp” tại TP Hồ Chí Minh đã góp phần quảng bá các loại mắm vùng Nam bộ đến du khách trong và ngoài nước. Chương trình giới thiệu 5 món khai vị dân giã, bình dị có sử dụng các loại mắm Nam bộ khác nhau trong thành phần nguyên liệu, như măng cụt kẹp mắm trẹt, chả giò mắm, cuốn rau cải tôm chua..., đặc biệt là món tráng miệng kem mắm lạ mắt và độc đáo.
Trả lời truyền thông, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mắm trong văn hóa ẩm thực Nam bộ thể hiện đầy đủ các đặc trưng của tự nhiên và con người Nam bộ. Đó là điều kiện tự nhiên với sông nước, biển đảo và khí hậu đặc trưng của vùng, là khẩu vị ăn mặn và cay, là tính cách rộng rãi, phóng khoáng và hào sảng của người Nam bộ. Vì vậy, mắm trở thành một món quà được ưa chuộng của du khách khi ghé thăm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng Châu Đốc, An Giang... Việc giới thiệu quảng bá các loại mắm Nam bộ lần này sẽ giúp giữ gìn phát triển các tinh hoa ẩm thực vùng miền Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Việt Nam từ Bắc đến Nam đều có mắm nhưng do điều kiện địa hình và khí hậu khác nhau, mỗi vùng có những đặc trưng riêng trong chế biến, sử dụng mắm. Đơn cử, vùng Nam Bộ sở hữu hệ thống sông ngòi chằng chịt và cả các cửa sông rộng, hai mặt giáp biển, nên nguồn cung cấp thuỷ sản nước ngọt và nước mặn rất phong phú. Gần như loại cá nào ở vùng Nam bộ cũng có thể làm mắm được trừ những loại cá nhiều mỡ. Cộng thêm những bí quyết chế biến khác nhau tại mỗi địa phương, mắm Nam bộ rất đa dạng.
Chỉ riêng TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) đã có hơn 25 loại mắm được chế biến bằng các phương pháp cổ truyền từ hàng trăm năm nay. Một số loại mắm Nam bộ khác cũng đã tạo thành thương hiệu nổi tiếng với người dân trong nước và trên thế giới như: mắm cá đồng, mắm tép Cà Mau; mắm rươi Trà Vinh; mắm sặt Đồng Tháp Mười; mắm bò hóc của người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng; mắm tôm chà, mắm tép bạc, mắm biển, mắm còng Tiền Giang; mắm ruốc Kiên Giang;…
Ngoài ra, người Việt có nhiều cách ăn mắm khác nhau, được lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay. Ví như các loại mắm cá ăn trực tiếp không cần qua công đoạn nấu nướng gọi là mắm sống, trong đó một món mắm sống có thể ăn hoặc đơn giản hoặc cầu kỳ chính là mắm thái. Bên cạnh đó, mắm chín gồm mắm chiên, mắm chưng, mắm kho; trong đó lẩu mắm là một trong những đặc sản nức tiếng của ẩm thực Nam bộ. Sự đa dạng trong cách thưởng thức mắm chính là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn du khách yêu thích ẩm thực Việt.
Đẩy mạnh quảng bá
Việc quảng bá mắm như một sản vật du lịch truyền thống không chỉ dừng lại ở những bài đăng trên mạng xã hội, bài báo trên truyền thông hay quảng bá với bạn bè quốc tế. Nỗ lực quảng bá những nét tinh hoa ẩm thực Việt, trong đó có mắm, thường được chủ động thể hiện tại các dịp ngoại giao. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh, Đại sứ quán Anh trên toàn thế giới đã cùng sưu tầm những công thức món ăn được phục vụ trong các chuyến thăm của Hoàng gia Anh. Trong cuốn sách dạy nấu ăn kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng có bao gồm món bún chả với công thức của bếp trưởng Đỗ Thị Hải Lý tại Đại sứ quán Anh Hà Nội.
Trước đó, năm 2021, nghề làm nước mắm Phú Quốc đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau đó, các nhà quản lý tiếp tục xúc tiến hướng tới việc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới để tăng giá trị thương hiệu sản phẩm. Hay vào năm 2019, một tạp chí văn hoá uy tín tại Bắc Mỹ, Culture Magazine đã trao tặng danh hiệu “Hương vị nước tương Việt Nam ngon nhất năm 2019” cho nước tương Nam Dương. Nhờ đó, giá trị ẩm thực truyền thống Việt Nam được biết đến rộng rãi hơn trên thế giới.
Có thể thấy, mặc dù mắm vốn được xem là nét văn hoá độc đáo của người Việt nhưng nỗ lực đưa mắm trở thành một sản vật du lịch đặc trưng quốc gia, ghi tên trên bản đồ du lịch ẩm thực thế giới không hề đơn giản. Thiết nghĩ, muốn lan toả những sản vật này đến du khách phương xa, vẫn cần nhiều hơn những chiến lược, tư duy truyền thông sáng tạo, mới lạ nhằm đạt hiệu quả, độ phủ cao trong cộng đồng, đặc biệt phải nêu bật được sự khác nhau giữa các loại mắm từ các địa phương, tránh sự trùng lặp dẫn đến thiếu bản sắc riêng.