Hai dự án Luật được xây dựng bao gồm: Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở và Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.
Tham dự buổi tọa đàm có Đại tá Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình; bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình; đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an); lãnh đạo một số sở, ngành và các huyện, thành phố.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Chính phủ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; đồng thời chỉ đạo Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ.
Hiện nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên.
Tính đến tháng 11/2021, Công an Ninh Bình là một trong 14 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổ chức Công an chính quy tại 119/119 xã và không còn lực lượng Công an xã bán chuyên trách theo Nghị quyết số 118/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Các ý kiến đều cho rằng lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở chính là sợi dây gắn kết hết sức quan trọng của lực lượng Công an với quần chúng nhân dân, là cánh tay nối dài của Công an nhân dân, từ đó thống nhất ý kiến về việc cần sớm ban hành Luật.
Đối với lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực: trật tự, an toàn giao thông; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ.
Sau hơn 20 năm kể từ khi thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Đại tá Phạm Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình phát biểu tại buổi tọa đàm. |
An toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.
Phát biểu kết luận, Giám đốc Công an tỉnh Phạm Văn Sơn cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các đại biểu đóng góp cho 2 Dự án Luật đang được dư luận quan tâm. Đồng chí nhấn mạnh, những ý kiến đã góp phần làm rõ hơn những luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng 2 Dự án Luật. Công an tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, báo cáo với Bộ Công an để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022.
Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nắm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết để ban hành 2 Luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.