Những ngôi sao thể thao Việt Nam một thời

Phạm Văn Rạng là một huyền thoại của bóng đá Việt Nam. (Nguồn: KTCN)
Phạm Văn Rạng là một huyền thoại của bóng đá Việt Nam. (Nguồn: KTCN)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Truyền thống thể thao đã gắn liền với cuộc sống và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Việt Nam cũng rất tự hào khi có không ít vận động viên đã để lại những dấu ấn đẹp tại đấu trường quốc tế từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.

Tỏa sáng tại đấu trường quốc tế

Nhắc đến những huyền thoại trong làng thể thao Việt Nam, chẳng ai có thể quên được Phạm Văn Rạng, người được mệnh danh là “Đệ nhất thủ môn châu Á”. Gắn liền với cuộc đời thủ môn tài ba này là những pha bắt bóng mang đẳng cấp quốc tế và những giai thoại đầy thú vị.

Phạm Văn Rạng sinh năm 1934 tại Mỹ Tho (Tiền Giang), từ nhỏ ông đã có niềm đam mê với môn bóng đá, ông thường xuyên trốn vé vào sân cỏ xem đội bóng Ngôi sao Gia Định thi đấu. Ông rất mê cầu thủ Ba Quyết, thường say sưa xem những pha cản bóng, bay người của thủ thành này. Đến năm 17 tuổi, ông bắt đầu làm thủ môn cho đội Ngôi sao Bà Chiếu.

Tài năng của thủ môn Phạm Văn Rạng nhanh chóng được bộc lộ, ông có những pha bắt bóng uyển chuyển, nhẹ nhàng. Lối bắt bóng của ông được nhiều người hâm mộ thời bấy giờ ví như một nghệ sĩ đang biểu diễn. Chỉ 2 năm sau, ông được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên. Cũng trong năm 1953, ông trở thành người trấn giữ khung thành cho đội Tổng Tham mưu. Trong tuổi 19, với những pha cứu bóng điêu luyện, phản xạ nhanh nhẹn, dẻo dai… thủ thành gốc miền Tây Nam Bộ được tuyển vào đội tuyển miền Nam Việt Nam.

Tiếng tăm của Phạm Văn Rạng tỏa sáng tại đấu trường quốc tế bắt đầu từ SEAP Games lần thứ nhất (tiền thân của SEA Games) diễn ra ở Thái Lan. Dù trải qua chặng đường khá xa để đến được nước bạn, tuy nhiên, các cầu thủ lúc bấy giờ vẫn chiến thắng đội chủ nhà với tỷ số 4-1. Tại trận chung kết, Phạm Văn Rạng cùng các đồng đội đánh bại Thái Lan với tỷ số 3-1, gần như không một pha bóng nào có thể làm rung lưới của Phạm Văn Rạng lúc bấy giờ. Tại SEA Games lần thứ nhất, các cầu thủ Việt Nam đã đăng quang chức vô địch một cách đầy thuyết phục.

Sau khi giải nghệ ở tuổi 29 vào năm 1964, không lâu sau, “Cầu vương” Lý Huệ Đường đã đích thân sang mời ông vào đội Ngôi Sao Châu Á làm thủ môn với lý do “Ở châu lục này không ai bắt bóng hay như ông!”. Tại đội Ngôi Sao Châu Á, tên tuổi của Phạm Văn Rạng lại tiếp tục tỏa sáng, đặc biệt trong trận đấu với câu lạc bộ Chelsea của nước Anh. Chiến thắng 2-1 trước một đội bóng cực mạnh đã đưa tên tuổi của ông lên khắp các mặt báo trên thế giới, tờ France Football - Tạp chí bóng đá lớn nhất nước Pháp - ngưỡng mộ gọi ông là “Đệ nhất thủ môn Á châu”. Đặc biệt, một giai thoại nổi tiếng nhất của Phạm Văn Rạng được nhiều người kể lại, đó là trong một trận đấu giao hữu, ông đã xuất sắc cản phá 3 cú đá penalty của Pele.

Bước ra khỏi sân cỏ bóng đá, đến với đấu trường bơi lội, Việt Nam cũng đã từng có rất nhiều “kình ngư” xuất sắc. Trong đó, Đỗ Như Minh là một cái tên được nhiều người nhớ đến. Ông được coi là “bướm chúa” của làng bơi lội Việt Nam một thời. Thông tin cá nhân của ông không có quá nhiều, nhưng thành tích bơi lội của Đỗ Như Minh luôn được mọi người biết tới.

“Kình ngư” Đỗ Như Minh từng là một “ngôi sao” trong làng bơi lội Việt Nam. (Nguồn: Tư liệu)

“Kình ngư” Đỗ Như Minh từng là một “ngôi sao” trong làng bơi lội Việt Nam. (Nguồn: Tư liệu)

Ông sinh ra ở miền Nam, là vận động viên trước năm 1975. Ngay từ nhỏ, Đỗ Như Minh đã có thiên phú bơi lội và một thể chất khỏe mạnh. Ông có thể bơi, chạy liên tục không mệt mỏi. Tại SEA Games 7 vào năm 1973 ở Singapore, Đỗ Như Minh cùng Roy Chan phá kỷ lục đại hội ở nội dung 100 mét bướm. Ông giành Huy chương Bạc với nội dung bơi bướm. Trong 10 năm tiếp theo thi đấu và hoạt động ở Việt Nam, ông là một cái tên “đáng gờm” khiến mọi đối thủ đều lo lắng khi đối đầu. Bất cứ giải đấu nào có sự tham gia của Đỗ Như Minh, cũng bảo đảm cho đơn vị ít nhất là 3 tấm Huy chương Vàng cá nhân (gồm 100 mét và 200 mét bướm, 100 mét bơi tự do). Với nội dung bơi tiếp sức, nếu thi đấu cùng những đồng đội có khả năng bơi lội tốt, ông có thể giành luôn 2 “tấm vàng” tiếp sức.

Không chỉ có bóng đá, bơi lội, các vận động viên thể thao Việt Nam còn “tỏa sáng” ở bộ môn bóng bàn. Vào năm 1991, bóng bàn nữ Việt Nam đã giành được những tấm Huy chương Vàng danh giá. Hình ảnh hai vận động viên Trần Thu Hà, Nhan Vị Quân cũng được nhiều người yêu thể thao nhớ đến. Trong đó, Nhan Vị Quân là cái tên gây tiếc nuối nhiều nhất. Cô là một tài năng bóng bàn, sớm bộc lộ từ năm mười ba tuổi.

Nhan Vị Quân sinh năm 1973, ngay từ nhỏ cô đã có niềm yêu thích đối với môn bóng bàn. Cô không có người thầy hướng dẫn chuyên nghiệp, chỉ học lỏm cách đánh từ người anh trai rất giỏi chơi bóng bàn. Tuy nhiên, trong hai anh em, Nhan Vị Quân lại là người tiến xa hơn trong sự nghiệp thể thao. Chỉ một thời gian ngắn, Quân đã có đủ bộ sưu tập cao nhất của bóng bàn nữ Việt Nam. Cô cũng lần lượt chiến thắng hết những cây vợt kỳ cựu của làng bóng bàn nữ ở nước ta lúc bấy giờ, Quân trở thành một cái tên đầy tiềm năng. Đến năm 1991, thể thao Việt Nam chính thức trở lại đấu trường SEA Games, sau khi để thua trận đầu tiên, Nhan Vị Quân đã phối hợp thật ăn ý với Thu Hà để giành chiến thắng quan trọng ở trận đôi gặp Lieng Lien - Rossy (Indonesia). Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng ở SEA Games 7, Nhan Vị Quân lại tuyên bố giải nghệ vào năm 18 tuổi, để tập trung vào con đường học tập và kinh doanh. Cô đã từng chia sẻ, bản thân lúc đó vẫn còn rất yêu thích bộ môn bóng bàn, nhưng đành gác lại đam mê để chuẩn bị cho tương lai.

Cuộc đời bình dị sau ánh hào quang

Là các “ngôi sao” của làng thể thao Việt Nam nhưng Phạm Văn Rạng, Đỗ Như Minh, Nhan Vị Quân đều có hướng đi riêng sau khi giải nghệ. Đối với Phạm Văn Rạng, ông giải nghệ tương đối muộn. Sự nghiệp trên sân cỏ theo ông đến tận khi gần 50 tuổi. Nếu được ví, quả thực ông không khác thủ môn Gianluigi Buffon của đội tuyển Italia, người đã giải nghệ vào tuổi 45. Nhưng điều rất dễ hiểu, vì trong thời của Phạm Văn Rạng, rất ít thủ môn có tài năng, cảm nhận bóng thiên phú như ông.

Vào năm 1978, Phạm Văn Rạng chính thức rời khỏi sân cỏ. Không hiểu vì lý do gì, ông lại quyết định trở thành một công nhân viên chức - nghề nghiệp khác hẳn với lúc trước. Nửa đời sau của ông là một câu chuyện buồn, khi Phạm Văn Rạng chỉ dành thời gian để huấn luyện những đội bóng làng nhàng. Phần lớn các học trò đều không tiếp nối được tài năng của ông. Khoảng độ những năm 2005, khi nhận được số tiền quà tặng 5 triệu đồng, ông không kìm được nước mắt thốt lên rằng đây là số tiền lớn nhất mà ông đã nhận được suốt 30 năm qua. Những năm tháng cuối đời, cuộc sống của ông tương đối nghèo túng, thiếu thốn. Nhờ sự trợ giúp của các đồng đội cũ và bạn bè, ông được xây tặng một căn nhà cấp 4 tại quận 12, TP HCM. Ngôi nhà này cũng là nơi ông đã ra đi mãi mãi vào năm 2008, đóng lại cuộc đời đầy thăng trầm của siêu sao bóng đá Việt Nam một thời.

Vận động viên bóng bàn Nhan Vị Quân là một tài năng để lại nhiều tiếc nuối khi giải nghệ quá sớm. (Nguồn: Bongdaplus)

Vận động viên bóng bàn Nhan Vị Quân là một tài năng để lại nhiều tiếc nuối khi giải nghệ quá sớm. (Nguồn: Bongdaplus)

Khác với Phạm Văn Rạng, Đỗ Như Minh giải nghệ khá sớm. Sau khi đạt Huy chương Vàng ở SEAP Games với nội dung bơi bướm, ông đăng ký thi vào một trường đại học chuyên về thể dục thể thao ở TP HCM. Tuy lớn hơn bạn bè trong lớp gần chục tuổi, nhưng ông là một học trò giỏi, đàn anh xuất sắc với nhiều kinh nghiệm thi đấu trên trường quốc tế. Sau này, ông về làm ở câu lạc bộ bơi lặn Yết Kiêu, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ trong nhiều năm, rồi chuyển sang một câu lạc bộ bơi tư nhân khác. Sự nghiệp bơi lội, thi đấu của ông dần nhạt nhòa và kết thúc.

Tuy nhiên, ông đã truyền lại khả năng vận động thể chất cho con trai Đỗ Minh Quân. Ban đầu ông chỉ định hướng dẫn con trai đánh quần vợt để giải trí, nhưng lại vô tình thúc đẩy khả năng bên trong anh. Chính vì vậy, chẳng bao lâu sau, Việt Nam đã có một tay vợt chuyên nghiệp, giành được nhiều huy chương cho nước nhà mang tên Đỗ Minh Quân. Vận động viên Minh Quân cũng chia sẻ, người huấn luyện viên đầu tiên của anh chính là bố mình - kình ngư Đỗ Như Minh.

Trái ngược với hướng đi của hai vận động viên đã kể trên. Nhan Vị Quân - nữ vận động viên bóng bàn lại giải nghệ ở độ tuổi rất trẻ (18 tuổi). Cô theo học một trường đại học, lấy chồng, rồi trở thành nhà kinh doanh. Cuộc đời của Nhan Vị Quân sau tuổi 20 như rẽ sang một hướng đi khác. Dù vẫn “giữ lửa” với bộ môn bóng bàn, nhưng cô sớm trở thành giám đốc quản lý một công ty riêng. Sau khi có ba người con, cô cùng chồng tiếp tục mở rộng kinh doanh. Hiện tại, dù công việc rất bận rộn, nhưng Nhan Vị Quân vẫn duy trì thói quen tập thể dục thể thao giữ cho vóc dáng thon thả, mảnh mai và tinh thần minh mẫn, nhanh nhẹn.

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.

Cuộc chiến ở sân Vinh

Đông Á Thanh Hoá sẽ làm khách tại sân Vinh (Ảnh: VPF)
(PLVN) - Các CLB miền Trung đều ra quân trong ngày chủ nhật, điểm nhấn sẽ là sân Vinh với trận derby Thanh - Nghệ.

Giải chạy lan tỏa thông điệp cứu hộ động vật hoang dã

Giải chạy lan tỏa thông điệp cứu hộ động vật hoang dã
(PLVN) - Vào ngày 8/12/2024 tới đây, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp tục đồng hành cùng Sporting Republic tổ chức giải chạy “Song Hong Half Marathon 2024” - #Run4WildlifeHN tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội). “Song Hong Half Marathon 2024” - #Run4WildlifeHN là giải chạy được tổ chức thường niên nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam.