SheTold - 30 năm thúc đẩy bình đẳng giới

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: Trẻ em gái hãy mạnh dạn chinh phục đam mê thể thao

Cựu nữ vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên (Ảnh: TN)
Cựu nữ vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên (Ảnh: TN)
0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Thông qua câu chuyện về cuộc đời mình, cựu nữ vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên đã truyền cảm hứng đến các học sinh nữ, tiếp thêm động lực để các em mạnh dạn vượt qua khó khăn và theo đuổi niềm đam mê thể thao.

Nguyễn Thị Ánh Viên (sinh năm 1996, quê Cần Thơ) là cựu vận động viên giàu thành tích nhất trong lịch sử bơi lội Việt Nam. Cô đạt được khoảng 150 huy chương các loại, trong đó có 25 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng SEA Games; 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng châu Á; 2 huy chương Đồng Asiad và 1 huy chương Vàng Olympic trẻ. Cô cũng là kình ngư duy nhất của Việt Nam dự ba kỳ Olympic liên tiếp vào các năm 2012, 2016, 2020.

Sau hơn 2 năm tuyên bố giã từ đội tuyển bơi quốc gia, gác lại sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, Ánh Viên vẫn tiếp tục cống hiến cho bơi lội nước nhà ở vai trò một giáo viên dạy bơi.

Tại sự kiện "Trẻ em gái làm chủ tương lai" do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long tổ chức vừa qua, "cô gái vàng của làng bơi lội Việt Nam" Ánh Viên đã có những chia sẻ ý nghĩa, truyền cảm hứng cho học sinh, đặc biệt là học sinh nữ về sự quyết tâm vượt qua khó khăn, giúp các em tự tin khi theo đuổi ước mơ và mục tiêu của mình.

Ánh Viên sinh ra và lớn lên tại một vùng quê tại huyện Phong Điền, Cần Thơ. Ngay từ nhỏ, cô đã được học bơi để sinh tồn ở miệt vườn sông nước Cửu Long. Sau khi biết bơi, cô có cơ hội được tham gia nhiều cuộc thi bơi ở địa phương và được nhiều thầy/cô giáo hướng dẫn tận tình, dìu dắt vào hành trình bơi lội chuyên nghiệp.

"Bơi lội đã thay đổi cuộc đời. Từ một bé gái tôi trở thành một vận động viên bơi lội, sau đó lại trở thành một giáo viên dạy bơi. Đó là điều mà trước kia tôi chưa hề nghĩ đến", nữ vận động viên chia sẻ.

Cho rằng gia đình là động lực lớn nhất để cô không ngừng cố gắng vươn lên, Ánh Viên kể lại, khi còn nhỏ, hàng ngày khi thấy cha mẹ phải làm việc vất vả để trang trải cuộc sống, cô gái nhỏ ấy rất thương và tự nhủ bản thân phải học tập, rèn luyện thật tốt. Với cô, những khó khăn mà bản thân gặp phải không thể so sánh với những vất vả của cha mẹ suốt nhiều năm. Trong đó mẹ là người phụ nữ truyền cảm hứng cho Ánh Viên nhiều nhất.

Cô cho biết, ngày nhỏ thấy mẹ mình giống như siêu nhân, đi làm từ sáng đến đêm, không biết mệt mỏi. Nhớ mãi câu nói của mẹ "mẹ đi làm để con có tương lai tốt hơn mẹ", mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, hoài nghi về lựa chọn con đường của mình, Ánh Viên lại nhớ về bố mẹ, về gia đình.

"Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc để tôi vực dậy bản thân sau mỗi khó khăn. Khi đạt được những thành tích cao, gia đình cũng là người đầu tiên tôi muốn chia sẻ để cảm nhận lại niềm hạnh phúc, niềm tự hào từ bố mẹ", nữ kình ngư bày tỏ.

Ánh Viên hướng dẫn kỹ năng bơi cho các em nhỏ (Ảnh: FBNV).

Ánh Viên hướng dẫn kỹ năng bơi cho các em nhỏ (Ảnh: FBNV).

Bên cạnh mẹ, một người phụ nữ khác cũng có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của Ánh Viên đó chính là nữ vận động viên Katinka Hosszú người Hungary. Từng được tin tưởng sẽ giành Huy chương vàng tại Olympics 2008 nhưng thất bại và bị mọi người quay lưng, Katinka Hosszú tuyên bố 4 năm sau sẽ chinh phục lại thành tích này. Kết quả, nữ vận động viên đã giành 3 Huy chương vàng và phá kỷ lục.

"Tôi rất ngưỡng mộ Katinka Hosszú vì chị đã đứng lên từ thất bại và khẳng định bản thân mình. Đây là hình mẫu lý tưởng để tôi luôn không ngừng cố gắng vươn lên trong suốt sự nghiệp bơi lội của mình", Nguyễn Thị Ánh Viên nói.

Những người phụ nữ tuyệt vời đã góp phần làm nên Ánh Viên của ngày hôm nay. Và chính sự trưởng thành của Ánh Viên cũng đã làm thay đổi bản chất của một môn thể thao. Bởi trước kia, ở Việt Nam, bơi lội gần như chỉ dành cho phái nam. Nhưng sau sự thành công của Ánh Viên, ngày càng nhiều phái nữ đến với bơi lội.

Với cựu nữ vận động viên sinh năm 1996, thể thao không chỉ là bộ môn rèn luyện sức khỏe và tinh thần mà còn là môn học giáo dục tính kiên trì, sự quyết tâm, Ánh Viên nhắn nhủ đến các học sinh, đặc biệt là học sinh nữ: "Trên đấu trường thể thao, chúng ta thường thấy nhiều vận động viên nam tham gia các môn về thể lực, nhưng không có nghĩa là phụ nữ không tham gia được. Tại các kỳ SEA games tại Việt Nam, các vận động viên nữ đều giành được huy chương, đóng góp rất lớn cho thể thao Việt Nam, khẳng định hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam ở sân chơi thể thao. Các bạn trẻ là nữ nếu có niềm đam mê với thể thao hãy cứ mạnh dạn chinh phục bộ môn mình yêu thích và khẳng định cá tính, bản lĩnh của mình".

Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.