Mỗi con người, khi bắt đầu có mặt trên cõi đời này, đều dưới hình hài một đứa trẻ. Trẻ thơ là trang giấy trắng, rất hồn nhiên, vô ưu. Những đứa trẻ có thể như những thiên thần, chỉ việc vui chơi, ăn ngủ, không nhiều vướng bận lo toan, không có suy tính, không áp lực, không muộn phiền. Nhưng những đứa trẻ ấy cũng có thể đã từng đối mặt với bất hạnh, với sợ hãi, sang chấn, đớn đau.
Tuổi thơ dần rời xa, đứa trẻ nào rồi cũng trở thành người lớn. Những đứa trẻ trưởng thành, bước vào cuộc đời, bắt đầu tiếp nhận vào trong mình những hạt giống mới. Những áp lực, sợ hãi, những mong cầu, ham muốn. Người lớn biết yêu thương và cũng biết thù hận, biết ước mơ nhưng cũng biết đến tham vọng và dục vọng. Người lớn va đập với cuộc đời, trở nên đầy những vết thương mới.
Trong suốt hành trình để va vấp, lớn lên, cằn cỗi đi, rất nhiều người lớn không biết rằng, sâu bên trong mình vẫn có một đứa trẻ chưa hề lớn mà vì người lớn mãi hướng ra cuộc sống bên ngoài, không quay vào bên trong, quên đi việc quay về với chính mình nên không thể nhận ra.
Cũng như những người lớn đang ngụp lặn trong bể khổ ngoài kia, đứa trẻ ấy cũng mang nhiều tổn thương và cần được chữa lành. Hành trình chữa lành cho đứa trẻ, cũng là hành trình xoa dịu tổn thương trong mỗi con người.
Trong quyển sách “Thiền sư và em bé 5 tuổi”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói rằng: “Trong lòng chúng ta ai cũng có một em bé đang đau khổ. Ai cũng có một thời gian khó khăn khi còn thơ ấu và nhiều người đã trải qua những chấn động tâm lý, những tổn thương lớn mà vết thương còn lưu lại đến bây giờ. Để tự bảo vệ và phòng hộ trước những khổ đau trong tương lai, chúng ta thường cố quên đi thời gian đau lòng đó. Mỗi khi tiếp xúc với những kinh nghiệm khổ đau ấy, chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không chịu đựng nổi, sẽ không có khả năng xử lý nên chúng ta nén chặt những cảm xúc và ký ức của mình vào đáy sâu vô thức. Đó có thể là do đã từ lâu chúng ta không đủ can đảm để đối diện với em bé đó”.
Trong quyển sách “Thiền sư và em bé 5 tuổi”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng, mỗi người cần dành thời gian để quay về với đứa trẻ trong chính mình. Dành ra sự ấm áp và bao dung để lắng nghe đứa trẻ. Để ôm ấp và vỗ về. Và cái sự quay về, lắng nghe, ôm ấp ấy không nên “thi thoảng” mới diễn ra, mà là cần được thực tập liên tục, mỗi ngày. “Nếu ta biết cách quay về với em bé và lắng nghe em một cách chăm chú khoảng năm đến mười phút mỗi ngày thì sự chữa lành sẽ bắt đầu xảy ra”.
5 tuổi, một số tuổi mà vị thiền sư đã lựa chọn không hề ngẫu nhiên để tượng trưng cho thơ ấu mỗi người. Ở tuổi lên 5, em bé vẫn còn làm một em bé hồn nhiên, nhưng cũng không còn quá nhỏ để mù mờ trước tất cả mọi sự xảy ra quanh mình. Em bé năm tuổi bên trong ta bé bỏng, đáng yêu, cần nhiều tình thương và sự quan tâm, chăm sóc. Em bé cũng cần ta luôn kết nối, bằng nhiều cách. Có thể là sự chuyện trò giữa người lớn với “đứa trẻ 5 tuổi bên trong”. Có thể đó là sự lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông vô điều điều, tha thứ cho mọi lỗi lầm của “trẻ thơ”. Ta có thể lắng nghe, có thể ôm ấp, sẻ chia, bao dung với người ngoài, sao không thể làm thế với đứa trẻ bên trong mình?
Và khi nói đến “đứa trẻ bên trong”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng không hẳn, không chỉ nói đến một “đứa trẻ” thực sự. “Đứa trẻ” còn là sự non dại, ngây thơ, là tổn thương và nỗi đau mà nhiều người trong chúng ta vẫn thường cố gắng né tránh, lãng quên. Nhưng, một khi bỏ rơi đứa trẻ bên trong mình, người ta sẽ không bao giờ thực sự chữa lành được vết thương sâu trong tâm khảm.
Trong hành trình chữa lành và kết nối với đứa trẻ bên trong, “người lớn” sẽ nhận lại điều gì? Phải biết rằng, trẻ con không chỉ có sợ hãi và tổn thương, trẻ con không chỉ cần được chở che và bảo vệ. Mỗi một đứa trẻ đều là một thiên sứ nhỏ giữa cõi đời. Trẻ con như sương đọng trên lá buổi sớm mai, vô nhiễm và vô ưu. Trẻ con mang trong mình những năng lượng trong trẻo nhất, nguyên lành nhất. Khi quay trở về với đứa trẻ bên trong mình, người lớn không chỉ trao đi sự yêu thương và chở che, mà còn nhận lại nguồn năng lượng tuyệt diệu ấy. Người lớn sẽ được sưởi ấm trái tim bằng sự hồn nhiên, thơ ngây ngọt ngào. Người lớn sẽ được xoa dịu cõi lòng bằng những kí ức trẻ thơ đẹp đẽ, bằng những kỉ niệm dịu dàng. Đứa trẻ trong mỗi người cũng sẽ trao lại cho người ấy một tình yêu thương vô điều kiện, vô nhiễm giữa cuộc đời trần trụi mà người lớn đang sống.
Đứa trẻ ấy cũng chính là “tính thiện” trong lòng mỗi người, là ngọn lửa nhỏ mà tinh khiết, soi sáng được để người lạc bước, khi nhìn vào còn biết nẻo quay về với bản thể đẹp đẽ, nguyên sơ.
Con người ta khi lớn lên có thể làm nên biết bao nhiêu điều vĩ đại. Có thể trở thành người có ảnh hưởng đến toàn cầu, có thể đặt bàn chân khắp thế giới, chinh phục vũ trụ, khuất phục cả tự nhiên. Nhưng, có một hành trình quan trọng đến như thế, là quay về với đứa trẻ bên trong mình, sao lại lãng quên đi?