Những điều chưa biết về lính dù Nga

Ảnh: Sputnik.
Ảnh: Sputnik.
(PLVN) - Hôm nay – 2/8/2020, Lực lượng Đổ bộ đường không Nga tròn 90 tuổi. Xung quanh binh chủng đặc biệt này của quân đội Nga, có những điều thú vị nhiều người chưa biết đến, dù được làm lính dù là niềm mong ước và tự hào của rất nhiều thanh niên Nga.

Niềm tự hào của người Nga, nỗi ám ảnh của kẻ thù

Cuộc chiến đấu đầu tiên của lính dù Liên Xô ở khu vực miền núi diễn ra năm 1929, khi một đơn vị Hồng quân được thả xuống bằng dù vào khu vực thị trấn Garm ở Trung Á và tiêu diệt nhóm phỉ ở đó. 

Nhưng ngày 2/8 mà đến nay được coi là ngày truyền thống Lực lượng đổ bộ trên đường Nga, gọi nôm na là lực lượng Dù, lại liên quan đến một cuộc tập trận năm 1930 gần thành phố Voronezh. Một đơn vị có tổng cộng 12 người đã thực hiện nhảy dù từ trên không. Nhóm thứ nhất — do quân nhân Leonid Minov thực hiện - nhảy từ độ cao 350 mét, còn nhóm thứ hai – do phi công Yakov Moshkovsky thực hiện – nhảy từ 500 mét. Qua buổi tập trận này, khả năng tiếp đất bằng dù của các quân nhân có vũ trang đã được chứng minh, xác định độ cao tối ưu và thời gian cần thiết để đưa nhóm vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu sau khi tiếp đất được.

Từ sự kiện đó, ngày 2/8 chính thức được coi là ngày truyền thống của Lực lượng Đổ bộ đường không – Lực lượng Dù.

Màn đổ bộ dù trong một hoạt động biểu dương lực lượng của không quân, năm 1935. Ảnh tư liệu của Sputnik.
Màn đổ bộ dù trong một hoạt động biểu dương lực lượng của không quân, năm 1935. Ảnh tư liệu của Sputnik.

Dù là thành phần chính trong trang bị của người lính dù. Không nhiều người biết, chiếc dù ban đầu được sáng tạo như một phương tiện giải cứu phi công, và được phát minh bởi nhà phát minh người Nga Gleb Kotelnikov (1872-1944).

Ngày 6/6/1912, chiếc dù đầu tiên được Kotelnikov thử nghiệm thành công với một hình nộm. Ngày 5/1/1913, người đầu tiên đã nhảy xuống từ trên không bằng dù RK-1. Cho đến cuộc cách mạng năm 1917, Gleb Kotelnikov đã chế tạo 3 mẫu dù mới. Một trong số đó có thể tải nặng tới 300 kg.

Lực lượng lính dù Liên Xô nhanh chóng lớn mạnh. Tại các cuộc diễn tập lớn vào năm 1935, nhóm 1.188 lính đã được thả dù thành công. Trong quá trình tập trận quy mô lớn một năm sau đó, 3.000 lính dù, 8.200 quân nhân với các thiết bị quân sự hạng nhẹ đã thực hiện đổ bộ thành công từ trên không. Mùa hè năm 1939, lữ đoàn dù đã tham gia vào chiến dịch của quân đội Liên Xô - Mông Cổ ở khu vực Khalkhin-Gol.

Đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra, lữ đoàn Dù của Liên Xô đã lớn mạnh đáng kể. Từ tháng 3/1941, các lữ đoàn Dù đã được kết hợp trong các đội hình mạnh hơn - quân đoàn đổ bộ đường không, và các quân nhân được thả xuống từ máy bay ném bom và máy bay vận tải.

Sau cuộc tấn công của Đức Quốc xã vào Liên Xô, tháng 9/1941, quân đoàn đổ bộ đường không được chuyển sang trực thuộc Bộ chỉ huy Lực lượng Đổ bộ đường không Hồng quân. Mùa Đông năm 1942, trong cuộc phản công gần Moscow, chiến dịch đổ bộ Vyazemskaya được thực hiện bằng một quân đoàn đổ bộ đường không. Tháng 9/1943, 2 lữ đoàn dù đã hỗ trợ các lực lượng chính của Hồng quân vượt sông Đơ-nhép. Những hoạt động được lưu ý nhất của lực lượng dù trong chiến tranh thường là các hoạt động trinh sát, đánh chiếm và phòng thủ một đầu cầu. Nhiều chiến công của lính dù đã tạo nên dấu ấn trong các trận đánh. 

Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, tất cả các đơn vị đổ bộ đường không Liên Xô đã được phong danh hiệu "Cận vệ". Hàng ngàn người được trao tặng huân huy chương, 296 quân nhân trở thành Anh hùng Liên Xô.

Năm 1944, lính nhảy dù đột nhập tuyến sau của quân đội Đức Quốc xã với nhiệm vụ hỗ trợ du kích Slovakia.

Năm 1944, lính nhảy dù đột nhập tuyến sau của quân đội Đức Quốc xã với nhiệm vụ hỗ trợ du kích Slovakia.

“Huyền thoại” Margelov

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh bắt đầu vào cuối những năm 1940, nhiệm vụ của Binh chủng Dù cũng có bước thay đổi lịch sử. Họ dần biến thành một loại "lực lượng phản ứng nhanh" hoàn chỉnh, có khả năng triển khai nhanh chóng, tiến hành các hoạt động chiến đấu cơ động cách xa lực lượng chính, chiến đấu trong mọi điều kiện khí hậu, trong khu vực đông dân cư, không gian hạn chế, trong điều kiện sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

“Tác giả” của giai đoạn quan trọng này là chỉ huy huyền thoại của lực lượng Dù - Anh hùng Liên Xô, tướng Vasily Margelov. Ông đã triển khai áp dụng một hệ thống huấn luyện chiến thuật và thể chất chất lượng (gồm cả cận chiến), cũng như đào tạo nhân sự về tâm lý. Margelov cũng là người triển khai việc trang bị trang thiết bị hiện đại cho lực lực lượng Dù, như trang bị các xe chiến đấu được bảo vệ, pháo đổ bộ tự hành và xe kéo, hệ thống dù ổn định đáng tin cậy (dù tự động, dù thả hàng hóa, hệ thống thả thiết bị có đội xe bên trong), máy bay vận tải quân sự tầm xa có khả năng chuyên chở lớn (An-12, An-22, Il-76). 

Một trong những “điểm nhấn” mà  tướng Margelov tạo dấu ấn cho lực lượng Dù, chính là việc ông đưa áo lót sọc, "áo khoác" và mũ nồi xanh vào đồng phục lính nhảy dù, với tuyên bố nổi tiếng: "Trong trường hợp chiến tranh, lính mũ nồi xanh sẽ được ném vào miệng kẻ xâm lược".

Đến tận bây giờ, đối với người lính nhảy dù Liên Xô cũ và nước Nga hiện nay, bộ đồng phục là sự thiêng liêng được nâng niu trân trọng, cũng như ký ức của họ về tướng Margelov. Tên ông được đặt cho Trường chỉ huy Binh chủng đổ bộ đường không ở Ryazan. 

Mới đây, ngày 25/7/2020, Bộ Quốc phòng Nga đã long trọng khánh thành con đường vinh danh người lính dù và tượng đài chỉ huy huyền thoại của họ  tại công viên Patriot ngoại ô Moscow.

Сon đường vinh danh người lính dù và tượng đài chỉ huy huyền thoại của họ Vasily Margelov tại công viên Patriot, ngoại ô Moscow.

Сon đường vinh danh người lính dù và tượng đài chỉ huy huyền thoại của họ Vasily Margelov tại công viên Patriot, ngoại ô Moscow.

Lính dù Nga đang ở đâu?

Không chỉ tham gia các chiến dịch bảo vệ Tổ quốc trong Chiến tranh Thế giới, Binh chủng đổ bộ đường không đã nhiều lần thể hiện các kỹ năng chiến đấu, sức chịu đựng và tinh thần cao nhất trong các hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới. Hơn 30 nghìn lính dù đã được trao tặng huân huy chương, 16 người trở thành Anh hùng Liên Xô. Người lính dù Liên Xô đã nhận được sự tôn trọng từ không chỉ lực lượng đồng minh, mà cả các lực lượng đối lập.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, các đơn vị binh chủng dù của Nga vẫn tiếp tục tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. 

Hiện tại, binh chủng Dù là một nhánh riêng của Bộ Quốc phòng Nga, bao gồm 4 sư đoàn, bốn lữ đoàn độc lập, 1 lữ đoàn đặc nhiệm, 5 cơ sở đào tạo và 2 đơn vị hỗ trợ.

Cũng như các lực lượng khác trong quân đội Nga, lực lượng Dù ngày nay cũng được hiện đại hóa, với các trang thiết bị hiện đại, như hệ thống dù đáng tin cậy, súng máy tấn công mới nhất, súng bắn tỉa nhỏ gọn, súng tự động và súng trường giảm thanh và súng trường. 

Họ cũng được trang bị tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không hạng nhẹ, xe bọc thép bánh xích Rakushka, xe đổ bộ BMD-4M mới nhất, xe tăng hạng nhẹ Sprut với pháo 125 mm, các loại pháo tự hành hiện đại nhất. Tất cả các thiết bị này đều có thể được thả bằng dù và lội nước, cùng với đội máy bay hiện đại.

Trở thành một thành viên trong lực lượng Dù, một người lính trong đội hình “mũ nồi xanh” vẫn là niềm mong muốn của nhiều người, dù đòi hỏi điều kiện khắt khe, nghiêm ngặt, do lực lượng Dù phải luôn sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất, ở  bất cứ nơi nào trên thế giới.  Với phương châm: "Không có ai ngoài chúng tôi!", sức mạnh chiến đấu của những người lính dù binh chủng đổ bộ đường không Nga vẫn luôn nhận được nể phục của các lực lượng chiến đấu khác, không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới trải qua một tuần đầy biến động với hàng loạt vụ việc thương tâm: Nữ sinh Nhật Bản bị đâm chết tại nhà hàng, nhà sáng lập Mango tử nạn, xả súng kinh hoàng tại Pháp, cháy bệnh viện ở Ấn Độ…