Những 'con hổ' thời chạng vạng rút vào hoạt động bí mật

Tam hoàng từng tấn công đoàn làm phim Transformers 4 khi đoàn phim thực hiện các cảnh quay ở Hồng Kông
Tam hoàng từng tấn công đoàn làm phim Transformers 4 khi đoàn phim thực hiện các cảnh quay ở Hồng Kông
(PLO) -Cùng với những thay đổi của xã hội, hoạt động của các nhóm Tam hoàng hiện nay cũng tương đối khác so với vài chục năm trước. Chúng trở nên ít bạo lực, hoạt động kín đáo hơn và dường như cũng đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu thập thành viên để duy trì hoạt động so với trước đó. 

Ít bạo lực hơn

Nhiều nguồn tin cho biết, dù vẫn tiếp tục tồn tại nhưng do các đợt trấn áp liên tục của cảnh sát cùng những biến đổi khác trong đời sống xã hội nên các nhóm Tam hoàng hiện đã bớt bạo lực hơn so với trước. 

Nhà nghiên cứu về Tam hoàng Sharon Kwok ở trường Đại học Hồng Kông đã dành ra khá nhiều thời gian phỏng vấn các thành viên của các băng nhóm Tam hoàng khác nhau để cho ra đời nghiên cứu có tên “Bên kia xã hội”.

Trong tác phẩm này, bà Kwok cho rằng, những thành viên cao cấp có nguồn lực và vốn tài chính dồi dào trong các nhóm Tam hoàng hiện nay đang chuyển từ các hoạt động bất hợp pháp sang các loại hình kinh doanh bán hợp pháp như đầu tư vào những sòng bạc ở Macao, những cửa hàng thuốc hoặc bán sữa bột để đảm bảo an toàn cho hoạt động của chúng.

Ông Lee King-wa – đồng tác giả của một nghiên cứu về những thay đổi của các nhóm Tam hoàng do những biến đổi kinh tế hiện nay – cũng cho rằng các băng nhóm Tam hoàng đã thay đổi sang những phương thức hoạt động ít bạo lực hơn trước. 

“Chúng đàm phán nhiều hơn, đánh nhau ít hơn khi bảo vệ lợi ích của mình. Những băng nhóm khác nhau cũng có xu hướng bắt tay với nhau để đảm bảo công việc của chúng được thành công” – ông Lee cho biết. Một phần nguyên nhân khiến những nhóm Tam hoàng trở nên ôn hòa hơn được cho là do quân số của chúng đã ít hơn so với trước. 

Theo ông Lee King-wa, một phần nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi trong hoạt động của Tam hoàng là do sau năm 1980 nền kinh tế có nhiều thay đổi, mọi người có thể dễ dàng làm ăn, kinh doanh mà không cần có sự bảo kê của các nhóm Tam hoàng như trước. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong mô hình kinh doanh trong xã hội cũng khiến các nhóm Tam hoàng khó có cơ hội kiếm ăn hơn. 

“Trước đây các nhóm Tam hoàng có thể tống tiền các cá nhân nhưng ở thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế hướng tới xu hướng phục vụ hiện đại, kéo theo đó là sự ra đời của các chuỗi cửa hàng tiện ích, các siêu thị hơn thì chúng khó có thể tống tiền những chuỗi cửa hàng như Park N Shop hay 7-Eleven” – ông Lee nói.

Vẫn theo ông Lee, trước năm 1997, những nhóm Tam hoàng thường tham gia hoạt động buôn người, quản lý những nhà thổ lớn nhưng đến nay việc siết chặt quản lý khi tình trạng buôn người và hoạt động mại dâm không còn mạnh mẽ như trước nên các nhóm Tam hoàng cũng mất đi nguồn lợi đáng kể. 

“Hoạt động của các nhóm Tam hoàng đang thực sự thay đổi. Hoạt động của chúng đã bớt bạo lực đi nhiều so với trước” – ông Lee nói.

Khó khăn khi tuyển dụng

Trong khi những thủ lĩnh của các nhóm Tam hoàng tìm cho mình những vỏ bọc bán hợp pháp và những cách thức kiếm tiền an toàn hơn thì những thành viên cấp thấp trong các băng nhóm này vẫn phải chật vật tự xoay sở với cách kiếm tiền kiểu tống tiền và những hoạt động phạm pháp truyền thống. 

Do không còn sự bảo bọc của thủ lĩnh cộng với việc kiếm tiền từ các hoạt động phi pháp không còn thuận lợi như trước nên sự hấp dẫn của những nhóm Tam hoàng dường như cũng đã giảm đi. Lượng người muốn gia nhập những băng nhóm này được cho là đã giảm đi đáng kể trong những năm gần đây. 

“Những nhóm Tam hoàng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng những người trẻ vào băng nhóm của chúng” – bà Kwok cho hay. 

Tam hoàng hiện đã chuyển sang các hoạt động bán hợp pháp nhiều hơn.
Tam hoàng hiện đã chuyển sang các hoạt động bán hợp pháp nhiều hơn.

Theo bà này, một trong những lý do là những người trẻ hiện nay ngày càng thực dụng hơn trước. Nếu như trước đây những thành viên cấp thấp trong các nhóm Tam hoàng sẵn sàng làm việc cho những thành viên cấp cao hơn trong tổ chức mà không đòi hỏi phải nhận lại được bất cứ thứ nào, chỉ hành động vì tình anh em thì hiện nay tình hình đã thay đổi. Những thành viên cấp cao sẽ khó có thể yêu cầu thế hệ trẻ hơn làm việc cho chúng mà không trả thứ gì đó. 

“Ví dụ, nếu chúng muốn có sự hiện diện của đông người để chiếm thế áp đảo khi tiến hành đàm phán với một nhóm đối thủ nào đó thì chúng sẽ phải chi khoảng 300 đô la Hồng Kông cho mỗi người chỉ để những thanh niên đó xuất hiện và đứng về phía chúng. Chỉ cần muốn có những người trẻ hiện diện ở hiện trường đã phải trả tiền chứ chưa cần nói đến chiêu dụ họ vào băng nhóm” – bà Kwok phân tích.

Cũng chính vì khó tuyển dụng được thành viên hơn so với trước nên những thành viên cấp cao trong các nhóm Tam hoàng hiện cũng không quá kỹ lưỡng khi chọn thành viên mới như trước kia. 

“Trước đây, thủ lĩnh những nhóm Tam hoàng là người có quyền quyết định có thu nhận người nào đó hay không vì khi đó nhiều người muốn gia nhập các nhóm Tam hoàng. Tuy nhiên, đến nay, những thành viên mới là người được quyền chọn lãnh đạo. Mọi thứ đã thay đổi” – ông Lee nói. 

Việc nới lỏng các quy định về tuyển dụng thành viên mới trong các băng nhóm Tam hoàng cộng với việc những đối tượng ở cấp cao chú ý đến hoạt động của cá nhân mình hơn đã dẫn đến việc nhiều thành viên cấp thấp trong các nhóm Tam hoàng bắt đầu hoạt động ngoài tầm kiểm soát của ông chủ của chúng.

“Bạo lực liên quan đến các băng nhóm Tam hoàng thường do những thành viên cấp thấp gây ra vì chúng ít bị kiểm soát hơn so với trước đó. Nếu như trước đây họ phải được sự đồng ý của những tay đại ca mới được gây gổ với ai đó nhưng bây giờ thì họ không cần phải làm vậy. Họ chỉ việc gây chiến khi muốn” – bà Kwok nhận định. 

Tỉ lệ phạm tội vẫn cao

Dù các nhóm Tam hoàng có xu hướng bớt bạo lực hơn nhưng tỉ lệ các vụ phạm tội liên quan đến chúng vẫn ở mức cao. Tại Hồng Kông, thống kê của cảnh sát đặc khu này cho thấy trong tổng số 75.930 vụ phạm tội xảy ra trên khắp thành phố trong năm 2012 có đến 2.340 vụ có liên quan đến các nhóm Tam hoàng. Tổng số vụ bắt giữ có liên quan đến Tam hoàng ở Hồng Kông trong năm đó là 3.322 vụ nhưng vẫn thấp hơn con số 3.456 vụ bắt giữ ở năm 2011. 

Trong đó, hành hung chiếm tỉ lệ lớn nhất liên quan đến các hành vi của Tam hoàng trong năm 2012, với tổng cộng 642 vụ, 96 vụ tống tiền, 79 vụ đe dọa, 76 vụ tàng trữ vũ khí… Chính vì vậy nên Tam hoàng vẫn là một trong những trọng tâm trấn áp của cảnh sát thành phố. 

Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động của các băng nhóm Tam hoàng cũng đang có xu hướng tăng trở lại. Tháng 9/2015, sau một chiến dịch kéo dài 3 tháng, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ gần 19.000 đối tượng có liên quan đến Tam hoàng.

Trong đó tại Hồng Kông có 4.343 đối tượng bị bắt, tại Quảng Đông có hơn 11.000 đối tượng và tại Macao có gần 4.000 bị cảnh sát bắt. Những đối tượng này bị bắt giữ vì nhiều cáo buộc khác nhau, bao gồm buôn bán ma túy, cờ bạc và mại dâm.

Đến tháng 7/2016, sau khi một nghị sỹ Hồng Kông tên Eddie Chu bị Tam hoàng đe dọa tấn công, cảnh sát tiếp tục mở một cuộc trấn áp lớn nhằm vào các băng nhóm này. Sau hơn 2 tháng tiến hành, đến cuối tháng 9 vừa qua, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 2.120 người được cho là có liên quan đến Tam hoàng, các tội danh môi giới, bảo kê mại dâm và các tội danh liên quan đến ma túy khác.

“Cuộc chiến chống Tam hoàng vẫn là một trong những ưu tiên hoạt động của cảnh sát và chúng tôi vẫn tiếp tục các chiến dịch thu thập thông tin về những tên trùm sò trong các nhóm Tam hoàng và triệt phá nguồn thu của chúng” – một người phát ngôn của cảnh sát Hồng Kông cho biết.

Bên cạnh đó, cảnh sát Hồng Kông cũng đang tăng cường hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung Quốc đại lục, Macao và các nước để tiếp tục các hoạt động chống Tam hoàng của họ.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.