Một ngày giá lạnh và ẩm ướt cuối tháng 12.2015, dư âm của cơn mưa dai dẳng đêm hôm trước càng khiến cho đoạn tỉnh lộ nối từ chợ Bến (Hòa Bình) sang thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội) thêm trơn trượt và khó quan sát. Trên chiếc xe tải màu vàng nhãn hiệu Dongfeng loại 8 tấn, mang biển kiểm soát (BKS) Hà Nội, tài xế Khang liên tục phải kéo những hồi còi dài để báo hiệu cho các phương tiện đi phía trước. Anh giải thích: “Đường xấu lại hẹp, xe mình thì nặng thế, không kéo còi từ xa lúc đến gần sợ không phanh kịp”.
Chúng tôi hỏi: “Xe chở gì, bao nhiêu tấn?”. Anh đáp: “Chở bây, cả xác xe và hàng vào khoảng 35 tấn, gấp 3 lần tải trọng cho phép". Bây là hỗn hợp được nghiền giữa đá và đất, rất nặng, đặc biệt khi bị ngấm nước. Tuy vậy, chỉ cần phủ lên trên thùng một lớp bạt mỏng che đậy đám vật liệu nặng nề bị lèn chặt phía dưới, chiếc xe của anh Khang cứ thế vun vút lao đi.
Gần đến đầu đoạn đường đôi Đại Đồng dẫn vào thị trấn Đại Nghĩa, trước mặt chúng tôi là một chốt CSGT đang làm nhiệm vụ khiến giao thông hơi ách lại. Tài xế Khang cho xe giảm tốc độ rồi từ từ vượt qua chốt mà không vấp phải bất cứ một sự truy cản nào. Chúng tôi ngỡ ngàng đặt câu hỏi. Anh Khang nói, bởi trước mũi xe anh có đeo logo “VT Mỹ Đức”.
Hàng ngàn chiếc xe tải đang hoạt động ở ngoại thành Hà Nội (gồm các huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ) có điểm chung là cùng đeo những chiếc logo như thế này |
Cũng theo lời anh này, với tấm logo trên, xe của anh được thoải mái chở quá tải trên toàn tuyến từ Ba La (Hà Đông, Hà Nội) về đến khu vực chợ Bến mà không lo bị kiểm tra. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, đó là vào ngày thanh tra giao thông đưa cân tải trọng về hoặc đúng đợt cao điểm xử lý xe quá khổ, quá tải.
Một chiếc xe quá tải đeo logo đang lưu thông trên đường |
Tỷ lệ đeo logo của những chiếc xe này rất cao, trên 90%, phân bố từ nhiều đến ít theo thứ tự: VT Mỹ Đức, Thái Bình, Ứng Hòa, VT Minh Đàn, Cty VT Minh Thủy, CT Phong Cảnh, GL, Hà Đông, Hà Thành… Điểm chung giữa các logo là có thiết kế na ná nhau, cùng trên một miếng đề can dẹt và có phông nền. Phổ biến nhất là định dạng nền màu xanh, chữ đỏ và viền trắng.
Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh khai thác rầm rộ tại khu vực các mỏ đá giáp ranh giữa huyện Mỹ Đức và tỉnh Hòa Bình, nơi cung cấp vật liệu cho hàng trăm xe tải lặc lè đeo logo xuôi theo tỉnh lộ 424 về Hà Nội, chúng tôi lại lần lượt có mặt có mặt trên khoang lái những chiếc xe đồ sộ có gắn dòng chữ “Cty VT Minh Thủy”, “Thái Bình”, “CT Phong Cảnh” và “Ứng Hòa”.
Không có nhiều đột biến ở các chuyến đi này. Dẫu cho nơi đổ vật liệu có thể ở bất cứ đâu trên địa bàn Hà Tây cũ và có chở nặng thế nào, thì chiếc xe vẫn cứ bon bon lăn bánh mà không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra. Mỗi đầu xe trung bình chuyên chở từ 2 - 4 chuyến/ngày.
Tất thảy lái xe khi được hỏi, đều chung câu trả lời rằng, công ty của họ không phải là những cái tên được đính trước đầu xe. Anh Tuân - người điều khiển chiếc xe 8 tấn đeo logo “Công ty VT Minh Thủy” nói, anh không biết gì về công ty này, bởi đơn vị anh công tác tên là U.N.
Để có được những thông tin trong bài viết, nhóm phóng viên chúng tôi đã phải lên rất nhiều chiếc xe như thế này. |
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về quyền lực thực sự của chiếc logo này, người lái xe thực thà cho biết, từ lúc đeo mào Minh Thủy, xe anh chưa bị cơ quan chức năng hỏi han lần nào, dù thường xuyên chở quá tải. Sau đây là trích đoạn đối thoại giữa chúng tôi và anh Tuân vào sáng 5.1:
PV: Ở khu này làm “luật” có dễ không?
- “Luật” thì dễ, do... (tên một cơ quan chức năng) làm nhưng hơi đắt.
PV: Tức là thế nào, làm theo kiểu gì?
-Mình không đeo mào của họ là bị bắt ngay.
PV: Chúng tôi thấy ở đây nhiều mào lắm: Minh Thủy, Mỹ Đức, Thái Bình… đều một chỗ à?
- Nghĩa là bây giờ mà đóng mào của Minh Thủy thì về Ba La, Hà Đông cứ chạy “tẹt”, xuống dưới này là chạy vô tư. Quan trọng mình hay đi mạn nào nhiều.
PV: Mào Mỹ Đức thì thế nào?
- Mỹ Đức thì ở dưới này.
PV: Vậy Minh Thủy mạnh nhất à?
- Không, phải là GL. Nó đi được nhiều nơi hơn Minh Thủy.
PV: GL thì khoảng bao tiền một tháng?
- Xe 6 tấn, đóng 3 triệu.
PV: Còn Minh Đàn thì sao?
- Có nghĩa là mỗi xe đóng theo một thằng.
PV: Muốn đóng tiền thì tìm ở đâu?
- Vào thẳng chỗ ấy mà đóng
PV: Trước giờ anh đóng thế nào, công ty đóng à?
- Không, đến tháng mình lên, mình biết nhà họ rồi, cứ lên mà đóng thôi.
PV: Cái này chỉ qua được cảnh sát thôi hay cả thanh tra?
- Đóng mào thế này thì thanh tra cũng chẳng thấy hỏi gì đâu.
PV: Thế bây giờ mình cứ in một cái logo giống hệt rồi dán vào thì liệu có được không?
- Thôi, đừng làm thế. Bây giờ họ về dò biển số ra là lật ngược là mình chết.
Truy tìm “thế lực ngầm”
Theo kinh nghiệm của nhiều tài xế, mặt bằng giá chung của mỗi chiếc logo là từ khoảng 2 - 5 triệu đồng/tháng, tùy theo tải trọng xe và sức ảnh hưởng của chúng. Mỗi loại logo lại do một hoặc một nhóm đối tượng đứng lên “thầu” với những lời hứa hẹn “hết sức cạnh tranh”.
Tuy khái niệm logo có độ bao phủ càng cao (tức đi lại được nhiều nơi hơn) thì giá càng cao nhưng trên thực tế, cam kết này không phải lúc nào cũng đúng và rõ ràng. Và anh Cường - người lái chiếc xe hiệu TMT 6 tấn và đeo mào “VT Mỹ Đức”, là một nạn nhân của sự mập mờ này. Anh tâm sự, anh trả phí 2 triệu đồng/tháng để đeo logo với cam kết có thể tung tác trên địa bàn Hà Đông, Ứng Hòa, Mỹ Đức và thậm chí chở quá tải sang địa phận huyện Thường Tín mà không hề hấn gì. Tuy nhiên ngày 3.1, khi vừa sang đến Thường Tín, anh bị CSGT xử phạt 800 nghìn đồng. Sau đó, anh đem biển bản về bắt đền thì được các đối tượng bảo kê bù lại 300 nghìn đồng.
“Đấy là sang Thường Tín, còn lại cứ chạy loanh quanh từ Mỹ Đức về Hà Đông họ bao được tất, xe tôi chưa bị bắt bao giờ”, anh Cường kể, giọng pha chút mãn nguyện với sự nghiêm túc của những người bán logo “VT Mỹ Đức”.
Trước câu hỏi “họ” là ai, tài xế Cường chỉ cho chúng tôi một vài địa điểm, một vài cái tên và một vài số điện thoại để có thể tìm đến đặt vấn đề mua loại logo này rồi khẳng định, đó cũng chỉ bước trung gian, bức bình phong cho thế lực ngầm đang kiểm soát phía sau hậu trường.
Chúng tôi sẽ trở lại sự việc sau khi có ý kiến của các cơ quan chức năng.