Nhóm dân quân xã đè chết người “ngáo đá”

 Các bị cáo cúi đầu ân hận tại phiên tòa.
Các bị cáo cúi đầu ân hận tại phiên tòa.
(PLO) - Trong lúc người “ngáo đá” đã nằm úp mặt vào đống cát, nhóm dân quân vẫn tiếp tục khóa tay, đè lên người để khống chế. Ít phút sau họ buông ra thì nạn nhân đã trợn mắt, tử vong.
Kẻ “ngáo đá” quậy phá trên đường
Trưa 17/8/2014, anh Bùi Tấn Hoàng (ngụ ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM) gọi điện cho cảnh sát 113 hoang báo rằng đang bị nhiều người bao vây đòi chém giết. Tưởng thật, lực lượng này tới nhà trọ của Hoàng để xem tình hình và đưa Hoàng về công an xã Tân Nhựt giải quyết. Khi biết người này đang trong trạng thái tâm thần bất thường, cảnh sát thả cho Hoàng về nhà.
Đối tượng vẫn chưa hết quậy phá. Khoảng 22h cùng ngày, một thanh niên đang đi xe máy trên đường thuộc ấp 6, xã Tân Nhựt, bất ngờ bị Hoàng cởi trần, cầm cây sắt dài 1m chặn xe lại. Cho rằng Hoàng chặn đường cướp xe nên người đi đường chạy tới chốt dân phòng gần đó báo cáo sự việc. 
Nhận được tin, anh Võ Lâm Quốc Cường (SN 1991, là dân quân của xã Tân Nhựt) cùng với hai dân quân khác liền chạy tới hiện trường. Bất ngờ khi ba dân quân tới đây, bị Tấn Hoàng “phục kích” rượt đuổi. Nhóm dân quân bỏ chạy, Tấn Hoàng rượt thêm khoảng 500m thì dừng lại la lối.
Thấy tình thế phức tạp, Cường chạy đi báo công an xã rồi tiếp tục quay lại hiện trường để cùng mọi người tìm cách khống chế Hoàng. Đã không khống chế được, Cường còn bị rượt đuổi tiếp, lại chạy về công an xã “cầu cứu”. Kẻ “ngáo đá” lấy xe đuổi theo, chỉ được một đoạn thì té ngã. Người đi đường thấy vậy quay lại, lấy tấm ván xông vào ẩu đả “cầm chân”. 
Một lúc sau, dân quân Cường cùng Nguyễn Văn Hoàng (SN 1984) và Nguyễn Thành Lợi (SN 1993, cùng là dân quân xã Tân Nhựt) tới can thiệp nhưng kẻ ngáo đá và người đi đường vẫn tiếp tục đánh nhau. Hết cách, Văn Hoàng rút súng bắn hai phát chỉ thiên (đạn cao su). Bất chấp, cả hai vẫn không chịu ngừng lại. 
Trong lúc đánh nhau, kẻ “ngáo đá” lùi ra sau, vấp ụ cát, ngã xuống đường. Nhân cơ hội này, ba dân quân xông vào không chế, lật úp mặt Tấn Hoàng xuống ụ cát, người giữ tay trái, người giữ tay phải, người dùng gậy đè lên chân mặc cho nạn nhân vùng vẫy. 
Dù nạn nhân không còn cựa quậy gì, nhưng ba người vẫn tiếp tục giữ chặt, bởi họ cho rằng nạn nhân giả vờ, nếu buông ra mình sẽ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên ít phút sau họ lật nạn nhân lại thì thấy mắt đã trợn ngược. Nạn nhân được xác định tử vong trước khi tới bệnh viện.
Kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị gãy ba xương sườn, trên người có nhiều vết bầm do ngoại lực tác động. Kết luận nguyên nhân chết do “suy hô hấp cấp vì hít dị vật, dập phổi - sử dụng ma túy đá”.
Trước kết luận giám định này, VKSND TP.HCM đã có công văn đề nghị cơ quan giám định pháp y giải thích kỹ hơn. Trả lời, cơ quan này cho rằng ba xương sườn bị gãy có thể do quá trình hồi sức gây ra. Nạn nhân chết do hít phải dị vật. Riêng ma túy đá thì không có bằng chứng gây tử vong.
VKS đề nghị án treo, tòa quyết án tù giam
Vừa qua, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử các bị cáo về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo điều 97 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, tỏ ra hối hận về hành vi của mình đã gây ra sự đau thương mất mát cho gia đình nạn nhân. 
Các bị cáo cho rằng chưa được  đào tạo về nghiệp vụ khống chế, bắt giữ tội phạm nên lúng túng không biết cách xử lý. Khi thấy nạn nhân  vấp ngã nằm sấp vào ụ cát thì họ tưởng rằng giả vờ nên chạy tới khống chế, khóa tay. Sau một lúc họ kêu đứng dậy, nhưng không thấy anh này nhúc nhích, đưa đi cấp cứu không kịp.
Đại diện VKS phản bác một phần lời khai, cho rằng các bị cáo khai “tiền hậu bất nhất”, bởi trước đó từng khai tại cơ quan công an rằng khi khống chế thì nạn nhân vẫn vùng vẫy, chứ không phải nằm im. Đại diện VKS công bố lời khai, các bị cáo cúi đầu im lặng.
Trong phần lời nói sau cùng, các bị cáo đều quay người lại về phia gia đình nạn nhân, cúi đầu xin lỗi: “Bị cáo mong được gia đình cô chú tha thứ”. Ngước lên phía HĐXX, bị cáo Cường nói tiếp: “Xưa nay bị cáo chưa làm gì sai trái. Cha mẹ bị cáo già cả không làm được gì nữa, bị cáo lại còn phải nuôi em trai mới vào đại học. Bị cáo mong HĐXX cho bị cáo mức án khoan hồng để bị cáo có thể đi làm giúp cha mẹ, giúp em ăn học”. 
Xét thấy hành vi của các bị cáo cần phải xử lý nghiêm minh, bởi khi thấy người bị hại nằm úp mặt vào ụ cát vùng vẫy thì lẽ ra các phải biết được bị hại đang gặp nguy hiểm về tính mạng, nhưng các vẫn tiếp tục đè khiến nạn nhân hít nhiều cát vào phổi, chết; HĐXX tuyên phạt mỗi bị cáo 2 năm tù giam, thay vì tù treo như đại diện VKS đề nghị.
Sau phiên tòa, gia đình bị hại cho rằng Tấn Hoàng “sống rất hiền lành và không bao giờ nghiện ma túy”. “Hôm đó tui đi làm, nó ở nhà trọ rồi mượn điện thoại của bạn gọi điện cho cảnh sát 113 vì thấy có nhóm người tới bao vây đòi giết nó. 
Khoảng 4 hay 5h chiều gì đó, công an 113 chạy xe tới và thằng Hoàng tự lên xe theo công an đi. Đến đêm thì tui nhận được thông báo nó chết. Tui gọi điện hỏi công an vì sao đưa con tui đi mà giờ bị chết, thì họ nói đã thả con tui về từ lâu, nhưng gia đình tui không ai hay biết”, mẹ bị hại nói. 
Tuy nhiên khi chúng tôi đi sâu vào việc liệu có ai thấy có người đến bao vây đòi chém giết Hoàng, hay đó chỉ là ảo giác từ việc sử dụng ma túy đá, thì bà cho rằng “không biết”./.

Đọc thêm