Từ khuôn khổ pháp lý đầu tiên...
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, Nghị định 42 được đánh giá là đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng pháp lý đầu tiên để triển khai thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tại Việt Nam, góp phần giúp TTCKPS đạt được kết quả thành công ban đầu.
Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), đến nay, sau hơn 3 năm đi vào vận hành kể từ ngày 10/8/2017, TTCKPS hoạt động thông suốt với 2 sản phẩm giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 5 năm.
Trong đó, hoạt động giao dịch Hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tăng trưởng mạnh ở tất cả các chỉ tiêu. Khối lượng giao dịch (khối lượng giao dịch bình quân/phiên năm 2020 đạt 158.390 hợp đồng/phiên, tăng 78,49% so với năm 2019, gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp hơn 14 lần so với năm 2017. Khối lượng hợp đồng mở (OI) tính đến cuối năm 2020 đạt 40.339 hợp đồng, tăng 142,64% so thời điểm cuối năm 2019 và gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đạt 173.395 tài khoản, tăng 88% so với cuối năm 2019.
Tính đến cuối năm 2020, TTCKPS đã có 20 thành viên đều là công ty chứng khoán (CTCK) và đã có gần 80 triệu hợp đồng được giao dịch
Tuy nhiên, do Nghị định 42 được ban hành trước khi TTCKPS được vận hành chính thức nên quá trình thực thi Nghị định cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Luật Chứng khoán 2019 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đòi hỏi sự cần thiết phải có những hướng dẫn mới về chứng khoán phái sinh (CKPS) và TTCKPS phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán. Đó là lý do Nghị định 158 ra đời thay thế Nghị định 42.
Những sửa đổi quan trọng...
Ngoài kế thừa những quy định còn phù hợp với thực tiễn, có tác động tích cực đối với sự phát triển của TTCKPS, Nghị định 158 có nhiều sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn vận hành thị trường, đảm bảo xử lý được những vướng mắc, hạn chế hiện nay và tạo khả năng tiếp tục phát triển và hoàn thiện các sản phẩm của thị trường trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư CKPS và hoạt động trên TTCKPS tại Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Khắc phục những điểm chưa được đầy đủ và cụ thể so với thực tiễn yêu cầu, Nghị định 158/2020/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về tổ chức kinh doanh CKPS và tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ CKPS: các điều kiện về vốn; yêu cầu lợi nhuận, báo cáo tài chính, an toàn tài chính, điều kiện về hạ tầng công nghệ…
Đặc biệt, quy định về các điều kiện để thực hiện các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ bù trừ thanh toán CKPS ở mức cao hơn so với các điều kiện trên thị trường cơ sở với những bổ sung mới như: Đưa các quy định về điều kiện và các yêu cầu trình tự, hồ sơ thủ tục để phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực thực thi của quy định; Tách biệt quy định về điều kiện kinh doanh CKPS đối với CTCK và công ty quản lý quỹ; Bổ sung quy định điều kiện về vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài muốn thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS cho chính mình.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề tổ chức thị trường giao dịch CKPS, Nghị định mới quy định cho phép Sở Giao dịch chứng khoán được áp dụng một số biện pháp để ổn định thị trường và bảo vệ nhà đầu tư như: thay đổi thời gian giao dịch, áp dụng và điều chỉnh giới hạn lệnh, giới hạn vị thế, biên độ dao động giá, ngắt mạch thị trường và hạn chế mở vị thế mở mới... Trong đó, áp dụng và thay đổi biên độ dao động giá và ngắt mạch thị trường là biện pháp mới được bổ sung vào Nghị định để phù hợp và đồng bộ với biện pháp điều chỉnh biên độ giá cổ phiếu và ngắt mạch thị trường trên thị trường cơ sở khi thị trường cơ sở có biến động mạnh. Các quy định này phù hợp với các quy định mới của Luật Chứng khoán 2019.
Liên quan đến vấn đề bù trừ, thanh toán CKPS, Nghị định mới cho phép CTCK và ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể đăng ký làm thành viên bù trừ của Tổng công ty bù trừ và thanh toán chứng khoán Việt Nam (TCTBTVTTCKVN) khi đáp ứng được một số yêu cầu nhất định. Trong đó, CTCK có thể đăng ký làm thành viên bù trừ chung (thanh toán cho giao dịch CKPS của chính CTCK, khách hàng của CTCK và CTCK khác không phải là thành viên bù trừ) hoặc thành viên bù trừ trực tiếp (thanh toán cho giao dịch CKPS của chính CTCK và khách hàng của CTCK). NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ có thể đăng ký làm thành viên bù trừ thực hiện thanh toán cho giao dịch của chính mình.
Như vậy, so với Nghị định 42, quy định đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Nghị định mới bị thu hẹp hơn (trước đây NHTM có thể đăng ký làm thành viên bù trừ chung, cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán cho thành viên không bù trừ và khách hàng) để phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán 2019.
Nghị định mới cũng bổ sung các quy trình, thủ tục và hồ sơ trở thành thành viên bù trừ (trước đây được quy định tại Quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam).
Theo lãnh đạo UBCKNN, TTCKPS là một thị trường có nhiều yếu tố rủi ro nên thành viên bù trừ phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định về ký quỹ thành viên, đóng góp vào quỹ bù trừ để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho giao dịch CKPS cho TCTBTVTTCKVN. Bên cạnh đó, TCTBTCTTCKVN cũng có quyền xử lý, thanh lý tài sản ký quỹ của thành viên trong trường hợp cần thiết khi thành viên bị mất khả năng thanh toán; Nghị định mới cũng cho phép TCTBTVTTCKVN sử dụng các cơ chế phòng ngừa rủi ro trong thanh toán...