Bài 3:
Sắp xếp để phát triển
Tại Hội nghị toàn quốc lấy ý kiến về Đề án Tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đề án nêu 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số nhưng đó là điều kiện ban đầu để đưa ra xem xét.
Đơn vị hành chính hình thành từ nhiều yếu tố, do đó cần xem xét các yếu tố khác để tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế, trật tự an ninh và khối đại đoàn kết. Việc sáp nhập tuỳ theo điều kiện và đặc thù riêng của địa phương chứ không phải cơ học, máy móc.
Phó Thủ tướng cũng nêu bật định hướng từng bước sắp xếp, kiện toàn theo quy định, khuyến khích tăng quy mô ở nơi đủ điều kiện; nâng cao năng lực quản lý điều hành và tăng cường nguồn lực cho địa phương. “Sắp xếp để phát triển chứ không phải sắp xếp để yếu đi hay gây khó khăn hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng mục tiêu của việc sáp nhập đang được tính toán theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng quan trọng là việc sáp nhập, sắp xếp phải hướng tới hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo sự phát triển, ổn định của xã hội. “Chúng ta đã có rất nhiều bài học về việc tách nhập từ cấp tỉnh, huyện cho tới xã.
Trong 30 năm qua, bình quân mỗi năm chúng ta lại có thêm 10 huyện và 50 xã được tách ra và thực tế đang để lại nhiều hạn chế như bộ máy cồng kềnh, tăng biên chế, nguồn lực phân tán. Bây giờ lại nhập trở lại càng phải tính toán tới mục tiêu, nếu không sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác, khó giải quyết hết được”, ông Dĩnh kiến nghị.
Lượng hóa để có phương án xử lý
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, Đề án Tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến năm 2021 là vấn đề rất lớn, cần có những bước đi thận trọng, tránh xáo trộn, trên tinh thần đổi mới sắp xếp nhưng phải bảo đảm tính ổn định, phát triển của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong tháng 9 này, Bộ Nội vụ sẽ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong tháng 10/2018 sẽ báo cáo Bộ Chính trị, với tinh thần thực hiện rất quyết liệt việc xây dựng đề án.
Về những băn khoăn liệu khi thực hiện đề án này tại các địa phương có xảy ra tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, tiêu chí lựa chọn người đứng đầu…, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng khẳng định Tổ soạn thảo đề án đã đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp; sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ công chức, viên chức và người hưởng lương, hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước, trong đó chú trọng đánh giá phân loại để lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhiệm công tác ở những đơn vị hành chính mới.
Đồng thời, Đề án cũng nêu rõ chính quyền địa phương các cấp phải chủ động triển khai và tạo thuận lợi cho nhân dân khi làm các thủ tục chuyển đổi giấy tờ liên quan, thu phí, lệ phí…; những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. “Nếu làm tốt 10 giải pháp này, cũng như nhiệm vụ quyền hạn, phân cấp của từng cấp chính quyền thì việc triển khai đề án sẽ đồng bộ và đạt kết quả tốt”, ông Hùng khẳng định.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng bên cạnh 2 tiêu chí về dân số, diện tích tự nhiên, dự thảo Đề án cần tiếp thu các ý kiến để lượng hóa một số tiêu chí khác, như văn hóa đặc trưng, vị trí chiến lược của các địa phương. Về chọn người đứng đầu đơn vị sau sáp nhập, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, 2 Chủ tịch UBND xã A và xã B, giờ sáp nhập thành AB thì 1 ông không phải là chủ tịch.
“Việc này sẽ theo quy trình rõ ràng, chặt chẽ; ví dụ cấp xã sẽ phân cấp cho các cán bộ trong Ban Thường vụ Huyện ủy có quy trình xem xét rất cụ thể, từ đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn điều kiện, phương án bố trí ra sao…”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.
Song, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng cần có các kênh tiếp nhận ý kiến chính thống để đề án có giải pháp kỹ hơn vì hiện trong đề án có những vấn đề định tính, “đọc thì rất tốt, đề nghị tăng cường nọ kia, giữ ổn định và có tính kế thừa, rồi đảm bảo chính sách cán bộ”… nhưng đúng là phải lượng hóa được, phải cụ thể để bất kỳ trường hợp nào xảy ra đều phải có phương pháp xử lý hiệu quả, hợp lý.
“Vì nó liên quan đến đồng bộ chính sách nữa nên ví dụ một đồng chí đang làm chủ tịch mà không làm chủ tịch nữa, đang làm lãnh đạo nhưng sau sáp nhập không làm lãnh đạo nữa thì sắp xếp thế nào, thời gian, thời gian trễ là bao nhiêu, quá trình xử lý như thế nào… đều cần có hướng dẫn cụ thể”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nói.
Theo ông Thừa, những dư luận về việc “chạy” như “chạy chức, chạy giữ lại vị trí, chạy nhập, chạy không nhập” đều là dư luận chính đáng. “Chính vấn đề này sẽ tạo ra cho những người tư duy, tiếp thu, xây dựng đề án để trong quá trình xây dựng đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt được chặt chẽ hơn, có hiệu lực, hiệu quả hơn. Đây là những vấn đề rất đáng ghi nhận”, ông nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng việc thực hiện Tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 là việc làm theo chủ trương và là việc làm mới, cần phải có sự thận trọng, khách quan để đảm bảo việc hợp nhất, sáp nhập được thực hiện theo chủ trương.
“Việc hợp nhất là một điều rất căn cơ, cốt lõi nhưng cũng rất cần phải thận trọng, khách quan, phải tìm những con người có đức, có tài để bố trí và những người dôi dư ra mà chúng ta không bố trí được, những con người này cũng chiếm số lớn chứ không phải ít cho nên cần phải có chính sách rất cụ thể, rất rõ ràng để họ yên tâm, dù không phục vụ trong cơ quan công quyền nhưng cũng có thể tìm việc ở ngoài, có công ăn việc làm và ổn định cuộc sống”, ông Hòa nói.