Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tổ chức ngày 14/1/2020, tại Hà Nội.
Năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu hơn 133 tỷ đồng tăng 28% so với năm 2018. Cũng theo báo cáo, Trong năm 2019, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) hơn 68 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 1/2020 (trước Tết Nguyên Đán) sẽ tiến hành phân phối số tiền tác quyền của quý IV/2019 là 30 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam- Đinh Trung Cẩn cho biết, hiện, Trung tâm gặp phải rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cấp phép ở cả lĩnh vực nhạc sống và nhạc nền.
Cụ thể, lĩnh vực/loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền (sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bản ghi âm, ghi hình, các phương tiện truyền tải… tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, siêu thị, cửa hàng…): Nhiều đơn vị sử dụng đến nay vẫn né tránh, chưa tự nguyện, tự giác thực hiện.
Ngoài ra còn tình trạng một số đơn vị kinh doanh, khai thác bản ghi đã vận dụng Điều 33 Luật SHTT để thuyết phục khách hàng của họ, gây nhầm lẫn về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan cũng như cách hiểu chưa đầy đủ về Điều 33 (Điều 33 quy định “các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao) để cho rằng không cần phải thực hiện xin phép quyền tác giả, trong khi Điều 18, Điều 20 Luật SHTT đã quy định rõ các quyền tài sản thuộc quyền “độc quyền thực hiện” của tác giả, tổ chức/cá nhân khi sử dụng có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao.
Tình trạng này đã kéo dài và gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến nhận thức của nhiều đơn vị sử dụng, đặc biệt là các hệ thống kinh doanh lớn. Do đó nguồn thu tác quyền từ các lĩnh vực sử dụng nhạc nền trong năm 2019 đã bị giảm đáng kể, trực tiếp thiệt hại đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tác giả.
Số lượng thành viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC trong năm 2019 là 270 tác giả. Tổng số thành viên viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC đến nay là 4.259 tác giả. |
Về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, vừa qua, quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn theo Nghị định số 142/2018/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến công việc cấp phép sử dụng quyền tác giả/tác phẩm âm nhạc ở lĩnh vực biểu diễn.
Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn đã tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền nhuận bút, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua, điển hình ở các show diễn quy mô lớn và có doanh thu/giá vé cao.
Về lĩnh vực phát thanh, truyền hình, hiện nay, còn nhiều Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương vẫn chưa thống nhất với VCPMC về mức nhuận bút, phương thức tính mức nhuận bút theo bài/lượt sử dụng; hầu hết phía các Đài đưa ra mức rất thấp so với mức trung tâm đề nghị, chưa phù hợp và chưa hài hòa lợi ích đối với người sáng tác.
Nhiều Đài phát thanh - Truyền hình và đơn vị truyền hình trả tiền đã viện lý do chưa đạt thỏa thuận về mức nhuận bút để cho đến nay vẫn không hoặc chưa trả tiền nhuận bút đã gây thiệt hại rất lớn cho các chủ sở hữu quyền tác giả trong suốt thời gian qua.