“Giải mã” sức hút của bảo tàng
Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh và rất nhiều bảo tàng khác luôn được biết đến là những nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Nhưng các bảo tàng này thường được cho là những điểm đến văn hoá “kén” người trẻ. Nhiều học sinh, sinh viên chỉ đến bảo tàng trong các chuyến tham quan thực tế do nhà trường hay cơ quan, hội nhóm tổ chức. Chỉ có số ít bạn trẻ đến vì đam mê, yêu thích văn hóa, lịch sử.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch, nhiều bảo tàng đã “vực dậy” một cách mạnh mẽ, trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan, trong đó có giới trẻ. Lý giải về sức hút của bảo tàng đối với du khách nói chung và người trẻ nói riêng trong thời gian qua, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Trong khoảng 20 năm qua, ban quản lý các bảo tàng tại Việt Nam đã tích cực cập nhật thông tin và tìm cách để trưng bày hiện vật trong bảo tàng một cách có hệ thống, dễ theo dõi và có giá trị nhất. Qua đó đáp ứng được nhu cầu tham quan của học sinh, sinh viên và nhân dân nói chung. Mặt khác, hệ thống bảo tàng tại Việt Nam cũng đang tích cực hiện đại hóa, số hóa các hệ thống tư liệu về hiện vật để du khách không có điều kiện đến tham quan vẫn có thể dễ dàng nắm bắt các thông tin”.
Hiện tại, nhiều bảo tàng sử dụng hình thức trưng bày, triển lãm trực tuyến, đem lại cho người xem nhiều trải nghiệm thú vị. Đơn cử, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chỉ cần có trong tay thiết bị kết nối mạng, người dùng có thể tham quan tour 3D của bảo tàng ở bất cứ nơi đâu thông qua các trang web được thiết kế riêng. “Từ việc tiếp cận với những tư liệu, hình ảnh của bảo tàng thông qua hình thức trực tuyến, người xem sẽ cảm thấy tò mò, bị thôi thúc để đến tham quan trực tiếp những hiện vật gốc tại các bảo tàng”, ông Trung cho biết.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung cũng cho rằng, các bảo tàng hiện nay rất tạo điều kiện cho các bạn trẻ khi đến tham quan. Một số bảo tàng mở cửa miễn phí, hoặc giảm giá vé cho người mua có thẻ học sinh, sinh viên. Thông qua việc tham quan các bảo tàng, nhiều học sinh, sinh viên càng hiểu và yêu thêm những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Từ đó, họ ý thức hơn về vấn đề bảo tồn, lan tỏa những giá trị cốt lõi dân tộc.
Trần Thu Hà, sinh viên năm 4, Học viện Ngoại giao, mỗi cuối tuần đều lựa chọn tới một bảo tàng tại Hà Nội để trải nghiệm. Hà cho biết thường không sử dụng điện thoại di động hay thiết bị điện tử trong suốt quá trình tham quan, hoàn toàn đắm chìm vào những hiện vật và tác phẩm được trưng bày. “Mình vốn rất đam mê tìm tòi, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, trước đây, mình chỉ tìm hiểu thông qua sách vở và nhận thấy chỉ như vậy là chưa đủ. Chính vì thế, mình quyết định đến bảo tàng để có thể tìm hiểu và đào sâu hơn kiến thức dựa trên thực tế. Mỗi điểm đến đều mang lại cho mình những trải nghiệm, cung bậc cảm xúc khác nhau. Có nơi khiến mình cảm thấy rất tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, có nơi lại cho mình cảm nhận được những mất mát, đau thương mà chiến tranh gây ra”, Hà cho biết.
Khác với Thu Hà, Nguyễn Thị Thùy Linh là sinh viên năm 3, Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây luôn cho rằng Lịch sử là môn học khô khan và khó tiếp thu. Linh thường từ chối mỗi khi được rủ đi đến những địa điểm có liên quan đến lịch sử. Tuy nhiên, gần đây, Linh bắt đầu cảm thấy hứng thú và tìm đến tham quan các bảo tàng. “Mình bị hấp dẫn bởi những bài viết hay video clip review trên Facebook, Tiktok về các bảo tàng với lối kiến trúc độc đáo hay câu chuyện ý nghĩa. Chúng khiến mình cảm thấy tò mò, muốn tự đến trải nghiệm và tìm hiểu. Là sinh viên năm cuối nên có rất nhiều lúc mình cảm thấy căng thẳng, áp lực. Việc đến các bảo tàng vừa giúp mình có thêm kiến thức, vừa là hình thức giải tỏa mới mẻ và ý nghĩa”, theo Linh.
Lưu ý khi “check-in”
Khi lướt mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài viết, video clip với tiêu đề như: “Top những bảo tàng nên ghé khi đến Hà Nội”, “Bảo tàng free vé vào nhiều góc “check in” nhất”... Nhiều địa điểm văn hóa, lịch sử đã tiến gần hơn tới người trẻ thông qua mạng xã hội. Cũng có thể thấy rằng, bên cạnh những người trẻ đến bảo tàng để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc, có không ít bạn đến theo trào lưu, đến để “check-in”, sống ảo. “Mình biết đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi xem clip review trên Tiktok. Bản thân mình là một người rất thích chụp ảnh, nên khi biết được ở đây có những góc “check-in” đẹp, mình đã quyết định dành thời gian để đến tham quan, khám phá”, Vũ Minh Ngọc Hạnh, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ lí do đến bảo tàng.
Các bạn trẻ đến tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, không nên quá khắt khe về việc một số bạn trẻ đến các bảo tàng để chụp hình đăng tải lên mạng xã hội. “Bảo tàng thông thường ở vị trí rất đẹp, không gian rộng, đồng thời có nhiều hiện vật giá trị. Có những bạn đến bảo tàng để tìm kiếm tư liệu cho việc học tập hoặc là cho luận văn, luận án, để mở mang kiến thức thì cũng sẽ có các bạn đến bảo tàng tìm những góc đẹp để “check-in”, để đăng tải lên trang cá nhân. Tôi cho rằng đây cũng là nhu cầu rất bình thường của con người”.
Theo ông, việc các bạn trẻ đăng tải những hình ảnh tại bảo tàng lên mạng xã hội cũng là một hình thức để quảng bá cho địa điểm đó. Việc làm này thể hiện rằng bản thân họ cũng rất yêu mến và đam mê những hiện vật ở bảo tàng, muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc, hình ảnh ấy. Đồng thời, những bài viết, chia sẻ của các bạn cũng góp phần quảng bá hình ảnh bảo tàng đến đông đảo bạn bè, người thân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không nên chụp ảnh trong những bộ trang phục không phù hợp với tiêu chuẩn về văn hóa hoặc có những động tác, cử chỉ phản cảm tại bảo tàng.