Con số thống kê nhập siêu giảm mạnh đã không được chào đón, một số chuyên gia kinh tế khác thậm chí đã dùng khái niệm “giảm phát” để mô tả tình hình kinh tế hiện nay.
Ảnh minh họa. |
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải vừa công bố, 4 tháng từ đầu năm tới nay Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 200 triệu USD, con số quá “ấn tượng” so với mức bình quân khoảng 1 tỉ USD/tháng của năm trước. Nhưng có điều, nhập siêu giảm lại không đồng nghĩa với việc năng lực sản xuất hàng hoá trong nước tăng lên.
Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 33,6 tỷ USD, tăng 4,4%. Theo đó, nhập siêu 4 tháng đầu năm khoảng 176 triệu USD/tháng, bằng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua (cùng kỳ năm 2011, nhập siêu hơn 4,5 tỷ USD).
Bình luận về xu thế này, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Võ Trí Thành nhìn nhận, nhập siêu 4 tháng đầu năm giảm mạnh cho thấy chính sách kiềm chế lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô đã có tác dụng hiệu quả, tuy nhiên, bên cạnh những thành quả này chúng ta lại thấy nó đang phản ánh một thực tế đáng buồn, đó là sự ngưng trệ và đình đốn trong sản xuất kinh doanh. Một số chuyên gia kinh tế khác thậm chí đã dùng khái niệm “giảm phát” để mô tả tình hình kinh tế hiện nay.
Theo con số thống kê vừa mới công bố, tính chung 4 tháng, so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,3%. Trong đó: ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 2,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8%, sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14,0%. Trong ba ngành công nghiệp trên, sản xuất công nghiệp chế biến được coi là bê bối nhất.
Hàng loạt ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, như: sản xuất sợi và dệt vải giảm 2,7%; sản xuất giày dép giảm 6,5%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa giảm 1,5%; sản xuất xi măng giảm 6,5%; sản xuất sắt thép giảm 8,9%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 15,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 17,9%. Một số sản phẩm công nghiệp tiếp tục giảm như: điều hòa nhiệt độ giảm 69,4%; tủ lạnh, tủ đá giảm 3,5%; ôtô giảm 17,5%; giày thể thao giảm 3,9%; giấy, bìa giảm 1,3%....
Trong khi đó, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, từ nay đến cuối năm, để tăng trưởng xuất khẩu 13% so với năm 2011, tương ứng giá trị là 108 tỷ USD là mục tiêu không hề đơn giản. Theo bà Hà, mặc dù 4 tháng đầu năm số liệu có tốt lên, tăng trưởng bình quân là 22%, nhưng thời gian tới sẽ cần phải sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp
“4 tháng đầu năm 2012 chúng ta nhập siêu khoảng 200 triệu USD, tức là sản xuất gặp khó khăn, hàng tồn kho tăng, tiêu dùng giảm. Để tháo gỡ khó khăn cho cộng động doanh nghiệp, Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo môi trường vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn vay tốt hơn, về phía Bộ Công thương, đã và đang phối hợp cùng DN xúc tiến thương mại, đưa hàng việt về nông thôn, xây dựng hệ thống phân phối, đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...” – Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải phát biểu.
Trong phiên thường kỳ tháng 4/2012 của Chính phủ nhằm thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2012, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh diễn ra trong hai ngày 3-4/5, các thành viên Chính phủ đều nhất trí cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền bày tỏ quan điểm, năm 2012 nên duy trì CPI ở mức khoảng 9%, không nên để CPI tụt xuống sâu quá. Nếu CPI để tụt xuống quá sâu sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, cũng như gây sốc cho nền kinh tế; việc kiềm chế lạm phát phải đi đôi với chống suy giảm kinh tế, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.
Mai Hoa