Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều qua (23/5) họp báo về việc triển khai học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến xây dựng quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
“Luật Báo chí 2016 đã tạo nền tảng cơ sở pháp lý rất quan trọng. Đây là luật của chính chúng ta, phục vụ cho chúng ta dựa vào mà phục vụ tốt cho xã hội, cho đất nước. Do đó, đòi hỏi phải học tập, quán triệt, nắm vững điều luật để thực hiện đúng. Đây là lẽ sống của người làm báo nên phải nắm được, tránh những sai sót trong quá trình tác nghiệp”, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh
Đề cao trách nhiệm xã hội của người làm báo
Đợt sinh hoạt này gồm 2 nội dung quan trọng là: Tổ chức cho người làm báo, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc Luật Báo chí 2016, những điểm mới, điểm nhấn so với Luật Báo chí 1999; phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và luật pháp hiện hành. Thời gian tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí 2016 và lấy ý kiến tham gia sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam diễn ra trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016.
Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2016 và Luật Báo chí 2016, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016).
Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017 với 6 chương, 61 điều, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 1999, trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung.
Luật tập trung vào 9 nội dung: quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin và quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí và của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm;
Luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo; quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí, quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; bổ sung một số quy định về cải chính và xử lý vi phạm; pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí.
Thông tin của báo chí phải hướng tới những giá trị nhân văn
Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, sau 11 năm thực hiện, nhiều nội dung Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam không còn phù hợp với hoạt động báo chí và Luật Báo chí 2016 nói riêng, các quy định pháp luật hiện hành nói chung, vì vậy cần có sự điều chỉnh, bổ sung.
Ông Hồ Quang Lợi khẳng định, đạo đức là “vần đề cốt lõi, nền tảng sống còn của người làm báo” của người làm báo bởi báo chí có tác động xã hội rất lớn. Vì vậy, những người làm báo phải giữ được đạo đức nghề nghiệp. Bảo đảm thông tin cho nhân dân là cần thiết nhưng cần phải hướng tới những giá trị nhân văn. Những ai vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì không được cấp thẻ và cấp thẻ nhưng vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì bị tước thẻ.
Theo quy định, báo chí có nhiệm vụ đưa tin nhưng các cơ quan cũng có trách nhiệm thông tin đầy đủ cho báo chí. Ghi nhận phản ánh của nhiều nhà báo về khó khăn trong tác nghiệp khi trao đổi với bộ, ngành thì không nhận được sự hợp tác, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhấn mạnh, cần làm rõ hai trường hợp thông tin thuộc nghĩa vụ phải trả lời báo chí và không thuộc nghĩa vụ phải trả lời báo chí. Nếu quy định là thông tin mà các cơ quan chức năng có nghĩa vụ trả lời báo chí mà không thực hiện thì là vi phạm. Những trường hợp này sẽ được quy định cụ thể.
Trả lời vấn đề trách nhiệm của Hội Nhà báo trong bảo vệ các nhà báo thành viên, nhất là đối với những nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp bị hành hung nhưng các vụ việc sau đó lại bị chìm xuồng, ông Phan Hữu Minh – Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, khi phóng viên bị hành hung trong quá trình tác nghiệp thì nhiệm vụ của Hội là “động viên, thăm hỏi và đề nghị các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, chứ Hội Nhà báo không thể làm thay cơ quan chức năng”.
Trước một số trường hợp nhà báo “hai mặt” khi viết bài theo một quan điểm nhưng lên mạng xã hội lại đưa ra quan điểm khác, thậm chí trái ngược, ông Hồ Quang Lợi cho rằng: “Về mặt lương tâm không thể hai mặt, không thể hai con người được. Nhà báo viết, chiến đấu, bảo vệ một cái gì đó phải chính trực, không thể lúc thế này, lúc thế kia được”.