Nhà báo Arab Saudi mất mạng tại lãnh sự quán ở Thổ Nhĩ Kỳ: Vụ án bột phát, hay lập kế hoạch từ trước?

Nhà báo Jamal Khashoggi trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng ba.
Nhà báo Jamal Khashoggi trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng ba.
(PLO) - Jamal Khashoggi, người nhiều lần chỉ trích chính phủ Arab Saudi, biến mất vào ngày 2/10 khi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul để lấy giấy tờ đăng ký kết hôn. 

Riyadh ban đầu nói rằng không biết tung tích Khashoggi nhưng hơn hai tuần sau thừa nhận Khashoggi đã bị giết trong lãnh sự quán vì "một cuộc tranh luận biến thành ẩu đả". Họ bắt 18 người và sa thải 5 quan chức cấp cao, trong đó có Saud al-Qahtani - phụ tá hàng đầu của Thái tử. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vụ sát hại đã được lên kế hoạch từ trước và được thực hiện bởi 15 người Arab Saudi. 

Dấu hiệu bất minh

Ngày 25/10, Bộ trưởng Tư pháp Arab Saudi Shaikh Suood bin Abdullah Al Mo'jab xác nhận: "Công tố viên đã nhận được thông tin từ phía Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nhóm điều tra chung giữa Riyadh và Ankara, chỉ ra rằng các nghi phạm trong vụ Khashoggi đã mưu tính trước tội ác của họ".

Xác nhận mới nhất của Arab Saudi mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của nước này rằng nhà báo Jamal Khashoggi tử vong trong lúc xô xát với nhóm người Arab tại lãnh sự quán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và được cho là do chịu sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế.

"Công tố viên vẫn tiếp tục điều tra các nghi phạm dựa trên kết quả điều tra mới nhất để tìm ra sự thật", Bộ trưởng Tư pháp Arab Saudi nói thêm. Trong khi đó, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục truy tìm manh mối nơi thi thể Khashoggi bị che giấu.

Thông báo được Arab Saudi đưa ra khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel chuẩn bị báo cáo với Tổng thống Donald Trump cuộc điều tra về cái chết của Khashoggi. Haspel tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22/10 để đánh giá thông tin Thổ Nhĩ Kỳ thu thập được quanh vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul. Haspel đã nghe bản ghi âm quá trình nhà báo bị thẩm vấn và giết chết khi bà ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid Al Falih thừa nhận cái chết của nhà báo Khashoggi đã gây ra một cuộc khủng hoảng tại vương quốc.

"Đó không phải là cái chết, đó là một vụ giết người. Chúng tôi thừa nhận sự việc và đang giải quyết. Chúng tôi sẽ minh bạch và cho tất cả đồng minh, bạn bè ở Mỹ biết rằng Arab không hài lòng về những gì đã xảy ra. Sự việc đã làm hoen ố danh tiếng của vương quốc", Falih nói.

Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Riyadh dẫn độ 18 nghi phạm trên sang Thổ Nhĩ Kỳ để điều tra. Nhưng Arab Saudi nói những người này đều là công dân Arab Saudi, họ bị bắt ở Arab Saudi và cuộc điều tra diễn ra ở Arab Saudi nên họ sẽ bị truy tố ở Arab Saudi. Ông đồng thời thêm rằng cuộc điều tra cái chết của Khashoggi sẽ mất nhiều thời gian.

Trong lúc đó, một số ý kiến nghi ngờ thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman có liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi. Ilnur Cevik, cố vấn của Erdogan, nói rằng ít nhất 5 thành viên trong nhóm thực hiện vụ sát hại là cánh tay phải của Thái tử nên ông hẳn phải biết về vụ sát hại này. Tổng thống Mỹ cho rằng Thái tử Mohammed có thể liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi dù "vẫn muốn tin" các phủ nhận của ông.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 23/10 tiến vào tòa nhà quốc hội để phát biểu - tung ra đòn mạnh nhất nhằm vào Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman (thường gọi tắt là MBS), cáo buộc chính phủ của ông lên kế hoạch "giết người man rợ" và chặt thi thể nhà báo Jamal Khashoggi .

Theo NYTimes, Erdogan khai thác sự phẫn nộ quốc tế xoay quanh vụ giết người để gây thiệt hại nhiều nhất cho hình ảnh của Thái tử, người đã tiếp cận phương Tây với tư cách là một nhà cải cách táo bạo và đồng minh quan trọng. Đồng thời, Erdogan vẫn chưa tung ra vũ khí lớn nhất của mình là bản ghi âm và bằng chứng mà các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đang sở hữu.

Erdogan cho biết ngay sau khi các nhà ngoại giao trong lãnh sự quán Arab Saudi biết Khashoggi sẽ đến lấy tài liệu, một người đã bay về Riyadh và kế hoạch giết người được lập ra. "Sau đó, một nhóm gồm 15 đặc vụ Arab Saudi bay tới Istanbul vào ngày 2/10 để phục kích", ông nói.

"Rõ ràng là vụ giết người man rợ này không phải là hành động bột phát mà được lên kế hoạch từ trước", Erdogan nói, trực tiếp thách thức lời mô tả của Arab Saudi là "cuộc tranh luận biến thành ẩu đả" khiến nhà báo vô tình bị giết.

"Arab Saudi đang chịu áp lực vì họ không thể dùng tiền để tránh những rắc rối này", Aaron David Miller, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và là học giả tại Trung tâm Wilson, đánh giá. "Cả dầu và tiền đều không thể giúp họ xóa vết nhơ hoặc khiến các đối thủ im lặng, kể cả Erdogan".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước quốc hội ngày 23/10.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước quốc hội ngày 23/10. 

Bài phát biểu của Erdogan chủ yếu nhắm đến hai khán giả: Vua Salman và Tổng thống Trump. Erdogan vẫn ca ngợi Quốc vương trong bài phát biểu. "Tôi không nghi ngờ sự trung thực của Vua Salman", ông nói.

Nhà vua là người duy nhất ở Arab Saudi có thể kiềm chế quyền lực của Thái tử mà không cần tới hành động bạo lực và Erdogan dường như đang tìm cách chia rẽ họ. "Erdogan không nhắc đích danh Thái tử Arab Saudi nhưng ông tách biệt Vua Salman với tất cả người khả nghi", Yasin Aktay, cố vấn của Tổng thống Erdogan nói. "Ông hy vọng nhà vua sẽ đáp ứng các lời kêu gọi về công lý".

Erdogan cũng nhắc đến một cuộc điện đàm với Tổng thống Trump. "Chúng tôi nhất trí mang mọi khía cạnh của vấn đề ra ánh sáng", Erdogan nói.

“Tội ác gây đau đớn cho tất cả người Arab Saudi” 

Ngày 24/10, Thái tử Arab Saudi lần đầu tiên công khai nhắc đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi khi ông phát biểu tại Diễn đàn Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở Riyadh. Ông gọi vụ nhà báo bị giết là "tội ác ghê tởm", nhấn mạnh rằng vương quốc đang hợp tác với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

"Tội ác này gây đau đớn cho tất cả người Arab Saudi. Nó cũng gây đau đớn và đáng ghê tởm với mọi người trên thế giới", Thái tử nói. Ông nhấn mạnh: "Những người đứng sau tội ác sẽ phải chịu trách nhiệm. Công lý cuối cùng sẽ thắng thế". 

Thái tử cho biết Arab Saudi đang làm việc với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để điều tra vụ án. "Nhiều người đang cố gắng lợi dụng vụ Khashoggi để chia rẽ Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói. "Nhưng miễn là Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman còn ở đây thì họ sẽ không thành công".

Tại hội nghị các nhà đầu tư, Thái tử MBS thể hiện rằng ông không bị nao núng trước bê bối, chứng minh rằng sức hút của các mỏ dầu khổng lồ và sự giàu có của đất nước vẫn khiến các doanh nghiệp kính nể. Hoàng gia Arab cho biết họ sẽ công bố các thỏa thuận trị giá 50 tỷ USD từ hội nghị.

Cùng ngày, Thái tử Mohammed bin Salman lần đầu tiên điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về vụ Khashoggi. Erdogan trước đó hai lần nói chuyện với Vua Salman về vấn đề này.

Một nguồn tin thân cận với Erdogan cho biết Thái tử là người yêu cầu điện đàm và hai người đã thảo luận về "nỗ lực chung và các bước cần thực hiện để làm sáng tỏ tất cả khía cạnh trong vụ giết Jamal Khashoggi".

Trong một thông điệp gửi tới Washington, truyền thông Arab Saudi đặc biệt chú ý đến một nhà quản lý quỹ Nga thận cận với Tổng thống Putin. Đó là lời nhắc ngầm với thế giới rằng, ở tuổi 33, Thái tử vẫn sẽ là một trong những người quyền lực nhất ở Trung Đông trong nhiều thập niên tới, dù Thổ Nhĩ Kỳ có đưa ra bằng chứng nào.

Dường như để gửi thông điệp với người dân trong nước, Thái tử còn gặp con trai của Khashoggi, Salah tại một cung điện ở Riyadh để gửi lời chia buồn. Salah Khashoggi đã bị cấm rời khỏi Arab Saudi. Anh lâm vào thế khó xử khi phải đến gặp Quốc vương và Thái tử trong khi ngày càng nhiều quan chức phương Tây suy đoán rằng chính Thái tử đã ra lệnh giết người. Cái bắt tay giữa Salah với Quốc vương và Thái tử được đưa tin đậm trên khắp Arab Saudi.

Hội nghị nhà đầu tư hôm 23/10 diễn ra trong cùng khách sạn mà Thái tử đã sử dụng hồi năm ngoái như nhà tù hạng sang để giữ khoảng 200 doanh nhân và thành viên hoàng gia bị cáo buộc tham nhũng. Họ được trả tự do sau khi giao nộp hàng tỷ USD.

Nhưng kể cả khi quyền lực của Thái tử không bị thách thức bên trong vương quốc thì Erdogan cũng thể hiện rõ rằng ông không có ý định dừng chiến dịch làm mất uy tín Thái tử trong mắt phần còn lại của thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Viện Brookings.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam đầu tư, kinh doanh

(PLVN) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng dù bối cảnh tình hình có thay đổi Việt Nam vẫn tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó coi trọng quan hệ với các nước lớn... Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.