Nhà 67 - nơi Bác thanh thản đi vào 'thế giới người hiền'

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, viên chức Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: BQLKDT)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, viên chức Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: BQLKDT)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phía sau ngôi nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ẩn mình dưới những tán cây xanh là căn nhà một tầng mái bằng sơn màu xanh nhạt - Nhà 67. Đây chính là nơi điều trị và cũng là nơi những nhịp cuối cùng của một trái tim vĩ đại ngừng đập.

Như vẫn còn đây hơi ấm của Người…

May mắn cho nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam khi được đến thăm Nhà 67 giữa những ngày thu tháng Tám. Năm nay, 2024, cũng là 55 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969 - 2024) và 70 năm Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954 - 2024).

Trong căn phòng rộng, thoang thoảng hương trầm và hương hoa huệ trên bàn thờ Bác. Ở giữa phòng là bộ bàn ghế gỗ. Góc phòng có chiếc giường đơn, trên có chiếc gối nhỏ, bên cạnh là chiếc quạt lá cọ đơn sơ Người vẫn dùng. Chiếc đồng hồ trên tủ nhỏ cạnh giường dừng lại ở thời khắc 9 giờ 47 phút. Cuốn lịch treo tường dừng lại ở ngày 2/9/1969.

Hai tấm bản đồ quân sự về “bố trí binh lực địch ở miền Nam” và “bố trí không quân, hải quân địch tham chiến ở Việt Nam” treo trên tường để Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi báo cáo của các cán bộ Cục Tác chiến, Văn phòng Quân ủy về diễn biến, tình hình chiến trường miền Nam, chiến sự miền Bắc.

Chiếc đài ZENIT đặt trên bàn làm việc là chiến lợi phẩm của quân giải phóng miền Nam thu được trong trận Phước Thành (nay thuộc tỉnh Bình Dương) kính tặng Người. Chiếc khay đồng hình tam giác Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng đựng ghim là vật kỷ niệm của đồng chí Mác-ta Rô-hát - phóng viên Báo Gran-ma (Cu Ba).

Trên bàn, bên cạnh sách “Người tốt, việc tốt”, bản tin hàng ngày là những chồng báo Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc dở. Nhiều trang báo còn lưu lại bút tích của Người như: bài báo nói về bước phát triển đi lên của ngành than ở vùng Mỏ Quảng Ninh, bài “Phê bình và sửa chữa khuyết điểm ở chi bộ Phú Thành - Nghệ An” đăng trên Báo Nhân dân. Tờ báo và bản tin cuối cùng Người xem được phát hành vào ngày 24 tháng 8 năm 1969.

Dường như, mọi thứ ở đây đều ngừng lại trong một không gian thiêng liêng và đặc biệt.

Nhà 67 trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: HG)

Nhà 67 trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh: HG)

“Bác đi chỉ được mình Bác, còn dân thì sao”

Những năm 1966 - 1967, cuộc mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng các khu công nghiệp bị bắn phá ngày đêm. Trước tình hình đó, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau nhà sàn một ngôi nhà kiên cố đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra.

Ngày 1/5/1967, nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài, ngôi nhà được khởi công xây dựng. Với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao của đơn vị thi công, trong hai tháng ngôi nhà bê tông cốt thép kiên cố nhưng thoáng mát đã hoàn thành. Ngôi nhà được đặt tên theo năm xây dựng: Nhà 67.

Ngày 30/6/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội. Thấy ngôi nhà mới Người tỏ ý không vui. Các đồng chí trong Bộ Chính trị báo cáo với Người về sự cần thiết phải xây dựng ngôi nhà này. Mặc dù vậy, Người vẫn không nhận cho riêng mình. Người đề nghị sử dụng ngôi nhà làm nơi họp Bộ Chính trị, nơi làm việc với các đồng chí Trung ương và các cán bộ phụ trách đầu ngành.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Phụ trách Ban Di tích còn nhớ rõ chuyến công tác cuối cùng của Bác: Ngày 12/8/1969, nghe tin đồng chí Lê Đức Thọ và phái đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam từ Hội nghị Pari về đến Hà Nội, đang nghỉ tại biệt thự Hồ Tây nên Bác muốn đến đó gặp gỡ, nghe Đoàn báo cáo kết quả hoạt động công tác đấu tranh ngoại giao. Hôm ấy Bác vui vì được gặp lại những cán bộ ưu tú đi công tác nơi xa trở về trong niềm tin cách mạng miền Nam nhất định thắng lợi. Khi trở về, Người bị cảm lạnh.

Ngày 17/8/1969, sau khi kiểm tra sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác sĩ đề nghị Người không lên xuống nhà sàn nữa. Theo lời đề nghị của bác sĩ, ngày 18/8, Người chuyển hẳn xuống ở Nhà 67. Buổi chiều ngày 18/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đồng chí Nguyễn Duy Trinh sang để bàn bạc, trao đổi việc trả lời thư ngỏ của Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn. Trong thư trả lời, Người khẳng định quyết tâm của Nhân dân Việt Nam: “Quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng”.

Ngày 22/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chào mừng tới Hội nghị Thanh niên sinh viên thế giới “Vì thắng lợi cuối cùng của Nhân dân Việt Nam” họp tại Hen-xinh-xki (Phần Lan). Từ ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh bệnh nặng, nhưng Người vẫn nắm tình hình đất nước qua báo cáo của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Trong những ngày mệt nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên gửi tặng Huy hiệu của Người cho những tấm gương người tốt, việc tốt. Người còn ký lệnh ân xá, giảm án cho những phạm nhân cải tạo tốt.

Sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn biến ngày càng xấu và phức tạp. Ngôi nhà 67 trở thành nơi điều trị bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thiết bị y tế hiện đại nhất ở thời kỳ đó được đưa về đây để chữa bệnh cho Người. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam và nước ngoài thay nhau túc trực, chăm lo sức khỏe cho Người. Trong những ngày này, việc chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi là nhiệm vụ trọng đại, khẩn cấp của toàn Đảng, toàn dân.

Bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một trầm trọng, nhịp tim rối loạn thất thường, nhưng khi tỉnh lại giữa hai cơn đau Người vẫn hỏi về tin chiến sự ở miền Nam. Năm ấy nước sông Hồng lên cao, Người nhắc nhở các đồng chí Trung ương phải quyết tâm giữ vững đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất. Trung ương muốn mời Người lên khu vực Ba Vì (Sơn Tây) để tránh lũ lụt, Người nói: “Bác đi chỉ được mình Bác, còn dân thì sao”. Người vẫn quyết định ở lại cùng đồng bào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nghe đồng chí Lê Thị Phượng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích báo cáo tình hình Khu Di tích đầu năm 2024 khi vào dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67, ngày 4/8/2024. (Ảnh: BQLKDT)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nghe đồng chí Lê Thị Phượng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích báo cáo tình hình Khu Di tích đầu năm 2024 khi vào dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67, ngày 4/8/2024. (Ảnh: BQLKDT)

Ngày 30/8, trong một lần tỉnh lại, Người hỏi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh. Người dặn nhớ bắn pháo hoa để động viên tinh thần Nhân dân và nếu được thì bố trí cho Người ra với đồng bào dăm, mười phút. Người không quên nhắc nhở các đồng chí trong Văn phòng Phủ Chủ tịch gửi lẵng hoa tới các đơn vị bộ đội bắn rơi máy bay Mỹ, các đơn vị công an nhân dịp ngày Quốc khánh.

Vì tuổi cao, sức yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo, Người đã vĩnh biệt chúng ta để lại muôn vàn thương tiếc cho đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Chiếc đồng hồ đặt trên tủ cạnh giường và cuốn lịch treo tường dừng lại ở thời khắc Người ra đi: 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi vĩnh hằng, nhưng Nhà 67 cùng với những hiện vật liên quan đến cuộc sống thường ngày của Người: chiếc quạt lá cọ, chiếc gậy song quen thuộc, đôi dép cao su theo Người đi khắp nẻo đường đất nước..., dường như vẫn còn hơi ấm của Người. Những di vật lưu lại ở nơi đây và những câu chuyện về giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng để chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị cao quý về phẩm chất một lãnh tụ của Nhân dân và tình yêu Nhân dân, đất nước tha thiết của Người.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Cùng mỉm cười với Phật

Cùng mỉm cười với Phật
GNO - Không phải ngẫu nhiên nhiều người trên thế giới đều thích trình bày tranh tượng Phật trong nhà dù không phải là Phật tử. Nụ cười Phật góp phần tạo nên không gian thanh tịnh tốt lành.

Phải mất thứ gì đấy, con người ta mới suy nghĩ lại những sai trái của mình

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet).
(PLVN) -  Cuộc sống là một hành trình dài đầy những sai lầm và bài học. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi: con người ta thường chỉ nhận ra sai lầm của mình khi đã mất đi một điều gì đó quý giá. Dường như, sự mất mát chính là “hồi chuông cảnh tỉnh” mạnh mẽ nhất, buộc chúng ta phải đối diện với chính mình.

Ba thứ vô thường, vô giá, và cần trân trọng trong đời người

Ảnh minh hoạ (Ảnh:Giacngo.vn)
(PLVN) -  Trong cuộc đời mỗi con người, có những thứ thoáng qua như cơn gió, dễ đến và cũng dễ đi. Đó là công danh, tiền tài và sự nghiệp. Những thứ này, dù có vẻ hào nhoáng và rực rỡ, thực chất chỉ là phù du. Công danh có thể mất đi khi thời thế đổi thay, tiền tài cũng chỉ như nước chảy qua tay, và sự nghiệp, dù lớn lao đến đâu, cũng chẳng thể trường tồn mãi. Đuổi theo những điều này mà quên đi giá trị thực sự của cuộc sống, con người sẽ tự đánh mất chính mình.

Tàu siêu tốc xuyên Đại Tây Dương từ New York đến London chỉ trong gần 1 giờ

Tàu siêu tốc xuyên Đại Tây Dương từ New York đến London chỉ trong 1 giờ (Ảnh: NDTV)
(PLVN) - Ý tưởng táo bạo về một đường hầm xuyên Đại Tây Dương kết nối New York và London đang trở lại, hứa hẹn rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố xuống còn chưa đầy một giờ. Dự án không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho giao thông liên lục địa mà còn mang đến giải pháp thân thiện với môi trường so với hàng không truyền thống.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Nhạc Trịnh qua phong cách jazz

Nhạc Trịnh qua phong cách jazz do ca sĩ Quỳnh Phạm thể hiện vừa phóng khoáng vừa có chút tự sự. (Ảnh: Hanoi Blues Note)
(PLVN) - Trong Album “Rồi như đá ngây ngô”, 5 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ca sĩ Quỳnh Phạm thể hiện theo phong cách jazz của riêng cô, vừa có chút phóng khoáng vừa có chút tự sự, trong không khí lắng đọng đến từ những trải nghiệm cuộc đời.

Phần thi mới lạ xuất hiện ở Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Phần thi mới lạ xuất hiện ở Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Cuối tuần qua, tại TP HCM, các thí sinh Hoa hậu Quốc gia Việt Nam tham gia 2 phần thi: Người đẹp tài năng và Người đẹp nữ công gia chánh. Phần thi Người đẹp nữ công gia chánh là phần thi mới lạ, mang tinh thần tôn vinh văn hóa và truyền thống của người phụ nữ Việt.