1. Cuối tháng 4/2021, khi đang công tác tại TP Hồ Chí Minh, tôi được nữ nhà thơ Trần Mai Hường mách: “Em đang có một niềm vui đặc biệt, tổ chức “Giọt đàn bà” cho Nguyễn Thị Thanh Yến”. Tôi hiểu tình cảm nhà thơ Trần Mai Hường dành cho “Giọt đàn bà” - “Giọt Yến”, hơn ai hết, là nữ giới, là những người đàn bà, họ hiểu hơn ai hết “Giọt đàn bà”. Tháng rưỡi sau thì tôi có “Giọt đàn bà” trên tay.
“Giọt đàn bà”, NXB Hội Nhà văn, quý 2/2021 là tập thơ đầu tay của tác giả Nguyễn Thị Thanh Yến (Nghệ An). Chị không có ý định xuất bản thơ, dẫu đến với thơ khá sớm. Tôi nhớ, đã đọc trong một chia sẻ nào đó, chị có nói rằng, xuất bản tập thơ này vì người thân thúc hối. Nguyễn Thị Thanh Yến đến với thơ tự nhiên, trong trẻo, trước hết vì nhu cầu tự thân.
“Giọt đàn bà” gồm 73 bài thơ, 116 trang in, ấn phẩm sang trọng, giàu mỹ cảm ngay từ hình thức. Đây là tập thơ tình, 73 bài thơ hẳn là 73 cung bậc, giai điệu trong bản “Sonat vĩnh cửu” là tình yêu. Tôi tạm gọi như thế, bởi tình yêu với bất cứ ai cũng là một giá trị vĩnh cửu. Mặc nhiên, có người có, có người chỉ gặp tình cảm na ná như tình yêu.
Nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học, dịch giả Phạm Xuân Nguyên trong bài thay cho Tựa (tôi nghĩ thế) xếp đầu tập thơ, từ trang 5 đến trang 9, sử dụng ngay tên bài thơ “Đêm qua rơi giọt đàn bà”, (trang 93) thay cho tiêu đề. Trong bài giới thiệu, nhà văn Phạm Xuân Nguyên còn ba lần sử dụng tên bài thơ đưa vào câu cảm “Đêm qua rơi giọt đàn bà – câu thơ của một người đàn bà viết cho mình”. Tôi nghĩ, “giọt đàn bà” không chỉ có trong bài thơ “Đêm qua rơi giọt đàn bà” mà 73 bài thơ là 73 “giọt đàn bà”.
Tất nhiên, đọc “Giọt đàn bà” theo cảm quan của tôi, 73 bài thơ có thể tạm chia thành 3 nhóm cảm xúc. Nhóm thứ nhất, Nguyễn Thị Thanh Yến tự giới thiệu “người đàn bà yêu” với tất cả mong muốn, khát khao, chờ đợi, khôn ngoan và dại khờ. Có thể kể đến các bài: “Sau nỗi khắc khoải em”, “Em sợ chạm tay vỡ mất”, “Sao lại chọn lúc này để yêu”, “Nốt lặng em”, “Cùng em một lần”,... Nhóm thứ hai, giới thiệu về người đàn bà mong được dâng hiến và bù đắp cho những người thương yêu.
Có thể kể đến các bài: “Anh có là tình cuối của em”, ““Nhìn góc nào cũng thấy anh thôi”, “Với con chồng”... Nhóm thứ ba, “người đàn bà yêu” gửi thông điệp đến những người phụ nữ khác, cần chia sẻ. Có thể kể đến các bài “Với Thị Mầu”, “Giấc đàn bà”, “Đàn bà lăng nhăng”, “Là đàn bà cần chi bình đẳng”, “Sau những đắng cay”... Nói theo cách khác, khúc xạ tình yêu thể hiện ở các chiều kích khác nhau.
2. Tôi không quá phong kiến và tụt hậu khi quả quyết rằng, đa phần phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn mong muốn tình yêu, tổ ấm bình yên và hạnh phúc. Chỉ nhìn qua tên các bài thơ ở phần Mục lục sách đã thấy Nguyễn Thị Thanh Yến tự tạc mình thành một “chân dung” khao khát yêu và dâng hiến: “Nghe em nói này anh”, “Giữ lại em đi anh”, “Em sẽ kể anh nghe”, “Anh có mặc cho em tấm áo cô dâu”, “Tuổi trẻ qua rồi anh yêu nổi em không”, “Nếu em vẫn chờ anh có về không”, “Chỉ cần anh ở bên em thôi là thật”, “Anh có muốn thức dậy cùng em”, “Nhìn góc nào cũng chỉ thấy anh thôi”, “Thế giới có thế nào thì mình vẫn ở bên nhau”...
“Em vẫn em, đâu mong ước chi nhiều/Trách bảng lảng thu cho lòng ai đổ lá” (Gửi những mùa yêu, trang 17). Với đàn ông họ mong muốn có thể đạt được những thành tựu lớn lao, có vị trí trong xã hội này, được người khác công nhận. Còn đàn bà hạnh phúc nhỏ nhoi lắm, chỉ cần một nơi ấm áp, bình yên để về, một người đàn ông với bờ vai vững chắc để nương tựa. “Em chỉ muốn mình với chốn lặng yên/với những điều nhỏ nhoi dành cho anh và con là đủ/và những đêm mùa đông cuộn tròn trong vòng tay anh mà ngủ” (Là đàn bà thì cần chi bình đẳng, trang 95).
Nguyễn Thị Thanh Yến là người phụ nữ, có những phẩm chất đặc biệt của đàn bà. Chị dám yêu, dám sống.
...
Tin chi câu hẹn câu thề
Kiếp này đã chẳng biết gì kiếp sau
Yêu đi dẫu một lần đau
Trăm năm biết có còn nhau mà chờ
(Cùng em một lần, trang 35)
Hạnh phúc của phụ nữ đơn giản lắm, không quá cao sang gì đâu, thế nhưng đôi khi đàn ông vô tâm lại không hiểu, không cho họ được thứ như ý. Hạnh phúc đâu phải chỉ là những thứ phù phiếm bên ngoài, anh cố gắng kiếm tiền mang về cho em, anh mua cho em xe sang, hột xoàn,…
Nguyễn Thị Thanh Yến từng có hôn nhân đổ vỡ, chị không ngần ngại, giấu giếm điều này. Đó chỉ là “nốt trầm” trong hành trình mà chị tìm kiếm, xả thân. “Anh có muốn là tình cuối của em/Cái đứa đã điên thì cái gì cũng nhỏ/Chỉ tâm hồn là tràn ngập gió/Đôi lúc bão bùng rồi về lại an nhiên” (Anh có là tình cuối của em, trang 112).
Đàn bà dù có tham vọng thế nào, yêu cuồng loạn thế nào cũng mong muốn có một tổ ấm bình yên. Sau khi kết hôn, phụ nữ thường có xu hướng chăm lo cho gia đình, cái phụ nữ cần đó là tiếng cười của trẻ thơ, con ngoan ngoãn nghe lời, chồng yêu thương từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Đọc “Giọt đàn bà” thấy Nguyễn Thị Thanh Yến là người phụ nữ của phẩm hạnh, chu toàn, hướng tới những điều trọn vẹn. “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”, (ca dao); với chị rất khác “Không dám nhận mình là người tốt/Cũng biết bao đời bánh đúc chẳng có xương/Sao trước con ta chỉ thấy yêu thương/Và ơn đời đã cho ta thêm một đứa con mà không cần mang nặng” (Với con chồng, trang 106).
Đó cũng là “giọt đàn bà” hạnh phúc sao bao thăng trầm, dâu bể, có lúc rơi giọt đắng, giọt cay:
...
giọt đàn bà rơi trong đêm rưng rưng nói lời hạnh phúc
những giấc mơ có thực
đến bên em khép lại những khúc buồn
(Đêm qua rơi giọt đàn bà, trang 93)
Bìa tập thơ “Giọt đàn bà”. |
3. Khổng Tử - triết gia nổi tiếng Trung Quốc, ông tổ của nền giáo dục thế giới đã đưa ra thuyết “Tam tòng, Tứ đức” với các chuẩn mực: “Công - dung - ngôn - hạnh” làm tiêu chuẩn cơ bản của phụ nữ, thường bố mẹ hay dạy dỗ con gái và phụ nữ xưa đều tu luyện, hoàn thiện mình, theo đó. Ngay trong ân ái, phụ nữ xưa cũng “Công - dung - ngôn - hạnh”, thụ động.
Nguyễn Thị Thanh Yến đã dám “phơi” nhân vị đàn bà trên trang thơ. Viết về đàn bà, dựa vào điển tích Thị Mầu đã có nhiều nhà thơ, nhưng cách nhìn của chị rất “Yến”: “Ta muốn học em một điều/Đàn bà là em, em ạ/Bởi yêu em mới thèm chua” và “Mầu ơi, điều ta muốn nói/Dám yêu một lần như em” (Với Thị Mầu, trang 14 ).
Dám yêu, không chỉ đã vượt qua “Tam tòng, Tứ đức” của cá nhân một ai, mà ngày nay đã trở thành một giá trị “phổ quát”, được luật định. Việc luật pháp bảo hộ người mẹ đơn thân, con ngoài giá thú là một tiêu chí của tiến bộ xã hội. Ngày xưa, người phụ nữ sinh con ngoài giá thú, “không chồng mà chửa” thì búa rìu dư luận thôi rồi. Đến bỏ quê, bỏ bố mẹ mà ra đi. Dám yêu, mới có sự dâng hiến với người mình yêu, mới chủ động khám phá được những cảm xúc thăng hoa của bản thân, ngay trong đời sống tình dục vợ chồng. Đó là một “giá trị”, nhưng phải “dám yêu”. Dám yêu, cũng là nhân vị đàn bà.
Em người đàn bà lăng nhăng
Nên ngoại tình trong từng câu thơ một
Nên chẳng bao giờ thề thốt
Sẽ yêu ai cho tận hết kiếp này
(Đàn bà lăng nhăng)
“Đàn bà lăng nhăng” là một bài thơ Nguyễn Thị Thanh Yến muốn chuyển tải một thông điệp khác. Đọc bài thơ này, tôi cứ cười một mình. Có thể chị viết trong một trạng thái tâm lý dỗi hờn. Tuy nhiên, điều dễ nhận ra, không “lăng nhăng” thì không thể “khám phá” ra mình, không “lăng nhăng” mãi thua thiệt.
“Đàn bà lăng nhăng nên hay cứ lang thang/Nào biển nào rừng, rồi tự dẫm lên gai cho chân mình rớm máu/Đàn bà lăng nhăng nên từ chối bờ vai cho đời mình nương náu/Dù nhiều khi vẫn cần lắm một chút tình”, (Đàn bà lăng nhăng).
Nguyễn Thị Thanh Yến đã rất tinh tế, sáng tạo trong việc dùng từ “lăng nhăng”, và là người đầu tiên làm cho người đàn bà “lăng nhăng” – dù là danh từ hay động từ trở nên quá đỗi đáng yêu. Đó là một hành vi “phản kháng” trong tình yêu, hôn nhân để được yêu hơn và hạnh phúc hơn.
Charles Fourier, một triết gia người Pháp chuyên về chủ nghĩa xã hội không tưởng, được coi là người đã đặt ra từ “Chủ nghĩa nữ quyền” vào năm 1837. Gần hai trăm năm qua văn học nữ quyền ngày càng phát triển, có nhiều thành tựu. Ở Việt Nam “Nhiều cây bút đã soi rất kỹ vào số phận phụ nữ ở nước ta và đạt được thành công rực rỡ”, (Kiều Bích Hậu: Nữ quyền trong văn học Việt Nam hiện đại). Tôi cho rằng, “Đàn bà lăng nhăng”, “Với Thị Mầu”, “Đàn bà em – đàn bà tôi”, “Phía sau người đàn bà độc thân”... là những bài thơ của văn học nữ quyền.
Cùng một số tác giả nữ, Nguyễn Thị Thanh Yến đã tham gia phá bỏ hiện thực lâu nay, đàn ông có một cuộc đời còn phụ nữ đang phải chịu đựng một số phận. Đàn bà cũng phải có cuộc đời của riêng họ. “Thơ trước hết là cuộc đời”, Nguyễn Thị Thanh Yến cho thấy “giọt đàn bà” – giọt thân phận, thánh thót, nhắc nhở, thức tỉnh. Đó là một thiên chức cao quý của thi ca.