Thực tế cho thấy, có trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng tự thực hiện thỏa thuận xử lý tài sản đã kê biên, thay đổi người được ủy quyền nhưng không kịp thời thông báo cho cơ quan THADS. Sau hai lần giảm giá, bán đấu giá không có người mua nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng là người được thi hành án hầu hết không nhận tài sản bảo đảm để trừ vào số tiền được thi hành án.
Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng chậm hoặc không thực hiện việc giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của tài sản bảo đảm cho cơ quan THADS. Có trường hợp hợp đồng thế chấp diện tích quyền sử dụng đất, nhà, tài sản trên đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không theo hiện trạng thực tế. Đến khi Tòa án giải quyết, đặc biệt là các vụ Tòa công nhận thỏa thuận của các đương sự cũng không xem xét kỹ thực tế hiện trạng tài sản khác biệt rất nhiều so với thông tin trong Giấy chứng nhận, từ đó gây khó khăn cho công tác kê biên, xử lý tài sản.
Đối với những vụ việc tài sản thế chấp là ô tô, máy móc thiết bị, tổ chức tín dụng không cung cấp được các động sản này ở địa chỉ cụ thể nào để kê biên, xử lý. Trong khi đó, tài sản này có thể vẫn do các tổ chức hoặc cá nhân thế chấp giữ, họ không giao nộp hoặc đã tẩu tán; một số vụ tài sản thế chấp không ở Việt Nam nên không thể kê biên, xử lý hoặc ủy thác được.
Tình trạng chậm phối hợp trong xác minh, cung cấp thông tin về số dư tài khoản ngân hàng của người phải thi hành án vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên liên quan đến án tín dụng, ngân hàng không rõ, khó thi hành, không xác định rõ phạm vi nghĩa vụ bảo đảm của từng tài sản thế chấp, bảo đảm chung cho một hợp đồng tín dụng dẫn đến vướng mắc khi tổ chức thi hành án và ủy thác thi hành án. Việc rà soát, xác định danh sách án tuyên không rõ, khó thi hành còn chậm khiến cơ quan THADS chưa kịp thời có hướng giải quyết.
Để tháo gỡ phần nào các vướng mắc trên, các tổ chức tín dụng, ngân hàng là người được thi hành án cần tập trung và tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan THADS, đặc biệt trong việc cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án. Đặc biệt, cần cử cá nhân đại diện có năng lực, trách nhiệm để phối hợp với chấp hành viên trong công tác xác minh tài sản, điều kiện thi hành án, trong việc tổ chức kê biên, định giá, xử lý tài sản bảo đảm.
Với tài sản đã bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành, cơ quan THADS cần giải thích, vận động, đề nghị ngân hàng, các tổ chức tín dụng là người được thi hành án nghiên cứu, lên phương án nhận những tài sản này để trừ vào số tiền được thi hành án theo quy định. Trong một số vụ việc người phải thi hành án gặp khó khăn, thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh, tự nguyện thi hành án và muốn xin miễn, giảm tiền lãi để giảm bớt gánh nặng thì cơ quan THADS nên tạo điều kiện để họ thỏa thuận với các ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét, có chính sách miễn, giảm tiền lãi phù hợp.
Ngoài ra, cơ quan THADS cần tiếp tục tích cực phối hợp với Tòa án để sớm có văn bản giải thích bản án hoặc các vấn đề còn chưa rõ; chủ động đề nghị Viện kiểm sát tăng cường quan tâm, sát sao trong công tác kiểm sát toàn diện đối với cả cơ quan THADS, người được thi hành án, người phải thi hành án.
Song song với đó, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan như: công an, cơ quan thuế, văn phòng đăng ký đất đai, sở, phòng tài nguyên môi trường, chính quyền địa phương… để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác xác minh thông tin, điều kiện về tài sản thế chấp. Từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho những người được giao, mua tài sản bán đấu giá khi tổ chức thi hành án.