“Cơn sốt” tìm đến các hòn đảo “Robinson”
Thời gian gần đây, mỗi dịp nghỉ lễ người dân đều được nghỉ liền 3 – 4 ngày. Vì vậy, bắt đầu quan tâm tới các địa điểm du lịch giá rẻ, đặc biệt là một số hòn đảo hoang sơ mới được các bạn trẻ ưa thích phượt bụi khám phá ra vài năm gần đây. Trên mạng xã hội, các trang chia sẻ kinh nghiệm du lịch phượt, hàng loạt đảo hoang sơ mới khai thác như Điệp Sơn, Hòn Yến, Hòn Ông, Cái Chiên, Nam Du… được xem là những “cơn sốt” mới trong ngành Du lịch.
Lý giải cho việc lựa chọn những hòn đảo lạ lẫm để nghỉ dưỡng, anh Nguyễn Hà Trang nhân viên truyền thông Đại học FPT cho biết: “Các khu du lịch như Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang… nay quá đông khách, đắt đỏ, tôi cũng không thích cách du lịch “chơi nguyên một chỗ” ở các resort hiện đại. Với những người ưa thích khám phá cộng với máu phiêu lưu của tuổi trẻ, mình hứng thú với việc thuê xe máy chạy dọc những bãi tắm đẹp, tự tìm hiểu thuê đò sang các hòn đảo chưa mấy ai đặt chân tới để cắm trại, tận hưởng cảm giác mới lạ, hoang sơ”. Thêm vào đó, mạng xã hội phát triển kéo theo hàng loạt địa điểm du lịch mới lạ cũng là nguyên nhân ngày càng được nhiều người biết đến.
Hoạt động du lịch tự phát được xem như một bước khởi đầu, có ý nghĩa mở ra những điểm đến, sản phẩm du lịch mới, đời sống người dân thay đổi vì tăng nguồn thu nhập. Tuy nhiên, du lịch khám phá đến các hòn đảo hoang sơ cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho du khách. Điển hình như đảo Điệp Sơn - Khánh Hòa, khoảng 2 năm nay, khi những phượt thủ khám phá ra vẻ đẹp hoang sơ cùng với con đường đi bộ trên biển rất độc đáo. Hiện nay, không chỉ ngày lễ mà vào các ngày thường, du khách đổ về Điệp Sơn khá đông. Vì vậy, ở cầu cảng Vạn Giã, nhiều ca nô đã chờ sẵn để đón du khách ra đảo, đa số du khách đều chọn ca nô để sang Điệp Sơn. Các ca nô ở đây luôn chờ đợi khách đến đông kín mới chở khách ra đảo.
Đi nguy hiểm, ăn cũng chẳng an toàn
Anh Đào Nguyên Vũ du khách Hà Nội cho biết: “Đợt nghỉ lễ vừa rồi tôi tự đi ra Điệp Sơn mà không mua tour của công ty du lịch, đến nơi là 12h30 nhưng công ty nhận chở cano ra đảo bắt nhóm tôi đợi đến 1h30 để ghép người cho đông. Một tàu ca nô loại nhỏ chỉ chở được khoảng 12 người, nhưng lái tàu cố gắng đợi để nhồi nhét đến 20 người. Du khách trên các ca nô du lịch thích thì mặc áo phao, không thích thì thôi”.
Anh Vũ cho biết thêm, có tàu nhân viên lái tàu nhắc nhở du khách mặc áo phao, có tàu du khách không ai quan tâm. Riêng các tàu dân sinh chở người dân và du khách ra các đảo, áo phao có trang bị nhưng chỉ để làm cảnh. Tương tự, khi đến đảo Bình Ba anh Vũ cũng gặp tình trạng ca nô nhồi nhét khách quá tải. Các ca nô đều ghi mức giá 35.000 đồng/ lượt, nhưng lại thu của khách 100.000 đồng/lượt.
Còn nhớ vụ lật tàu trên sông Hàn, Đà Nẵng vào tháng 6 vừa qua cũng vì tàu chỉ có 28 ghế nhưng chở 56 người và du khách vì chủ quan cũng không mặc áo phao thật kinh hoàng. Nhưng dường như du khách vẫn phớt lờ sự an toàn của giao thông đường biển. Khi thấy bị nhồi nhét trên ca nô, họ thường “mặc kệ”, không mặc áo phao và chỉ mải mê chụp ảnh. Nhiều bạn trẻ đam mê phượt mạo hiểm thậm chí còn thích thuê ghe cá của người dân để sang đảo, hoàn toàn không quan tâm đến an toàn của bản thân.
Chia sẻ với phóng viên Báo PLVN, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist cho biết: “Các công ty có khách khi đi mua dịch vụ cần kiểm tra chất lượng dịch vụ, mua bảo hiểm cho du khách, chọn phương tiện an toàn cho du khách. Nhưng những trường hợp gần đây như tàu chìm không phải do công ty du lịch tự tổ chức mà do khách tự đi. Các công ty du lịch khi biết được cần cảnh tỉnh cho du khách để du khách chọn lựa dịch vụ an toàn”.
Đi đã vậy mà ăn cũng chẳng an toàn. Trên các đảo, nhà bè tự lập là kiểu nhà hàng nổi thu hút du khách đến ăn uống đông đúc nhất. Ở Bình Ba, hòn đảo mà nhiều dân phượt ưa thích, đa số nhà hàng, quán café đều kinh doanh trên nhà hàng nổi để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, nhà hàng nổi nào cũng bộc lộ nguy cơ mất an toàn.
Các nhà hàng nổi nhìn chung là một dãy nhà lúp xúp, nổi hoàn toàn trên biển nhờ những thùng phuy nhựa kết nối với nhau, nằm cách bờ hơn 100m. Sàn nhà hàng nổi làm bằng gỗ tạp, nhiều tấm nứt nẻ, mái tôn gỉ sét. Thông với bờ là 2 cầu gỗ cũng nổi lên mặt nước nhờ những thùng phuy nhựa. Những nhà hàng nổi như vậy không biết sẽ sập khi nào.
Du lịch tự phát ở đảo phát triển quá nhanh cũng dẫn đến chưa có cơ quan, tổ chức nào đứng ra hướng dẫn, phân định ranh giới nguy hiểm hay những dụng cụ cứu hộ cơ bản. Từ đầu năm 2016 đến nay, du khách đến Điệp Sơn ngày một đông nhưng do thôn không có dịch vụ lưu trú, nhà hàng nên du khách tự dựng lều trại ở lại ăn uống, nhậu nhẹt qua đêm, khi về để lại những đống rác… tạo nên khung cảnh lôi thôi, nhếch nhác. Tình trạng rác thải cũng là vấn nạn của hầu hết các đảo du lịch như Lý Sơn, Bình Ba, Cái Chiên…
Biết rằng các trào lưu của giới trẻ thường “sớm nở, chóng tàn”, nhưng để bảo vệ và phát triển các khu du lịch tiềm năng cũng như đảm bảo an toàn cho bản thân, khách du lịch có ý định khám phá các hòn đảo lạ nên cân nhắc lựa chọn các dịch vụ an toàn để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc như ở vịnh Vĩnh Hy, Đà Nẵng, Cần Giờ… Bên cạnh đó, nếu những hòn đảo tràn đầy tiềm năng du lịch cũng không được bảo vệ, quản lý tử tế, sẽ dẫn đến ngày một xấu đi về môi trường, cảnh quan.