Nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các 'điểm nóng' của bão số 3 cơ bản đảm bảo

Hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu tại nhiều địa phương ảnh hưởng nặng do bão số 3 vẫn được duy trì, giá biến động nhẹ.
Hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu tại nhiều địa phương ảnh hưởng nặng do bão số 3 vẫn được duy trì, giá biến động nhẹ.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc cung ứng hàng hóa tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3 vẫn cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, một số địa phương ghi nhận sự tăng giá nhẹ đối với các mặt hàng rau, củ, quả và sự gián đoạn trong công tác vận chuyển do tình trạng ngập úng.

Chiều nay - 11/9, thông tin nhanh với báo chí, Vụ Thị trường trong nước cho biết, tính đến 11h sáng cùng ngày, các tỉnh, thành phố miền Bắc đang tập trung ứng phó với hậu quả của bão số 3. Hệ thống cung ứng hàng hóa thiết yếu tại nhiều địa phương vẫn được duy trì, dù có một số biến động về giá và tình hình vận chuyển hàng hóa do mưa lũ.

Cụ thể, tại Hà Nội, các hệ thống bán lẻ và chợ vẫn hoạt động ổn định, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được duy trì để phục vụ người dân. Tuy nhiên, do ngập úng cục bộ, công tác vận chuyển hàng hóa có phần chậm trễ, đặc biệt là các mặt hàng rau củ bị ảnh hưởng do mưa lớn và khó khăn trong thu hoạch. Để đảm bảo nguồn cung, Hà Nội đã chủ động điều chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Nam.

Quảng Ninh tuy gặp nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất do bão, nhưng phần lớn các chợ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động. Giá một số mặt hàng thiết yếu như rau xanh và thịt tăng nhẹ từ 10-15% so với thời điểm trước bão, nhưng nguồn cung vẫn đảm bảo đầy đủ cho người dân.

Tại Hải Phòng, dù mưa lớn khiến một số tuyến đường bị ngập, hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Các chợ và siêu thị trên địa bàn ghi nhận sự gia tăng nhu cầu mua sắm, với lượng hàng bán ra tăng từ 50-80% so với ngày thường. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị vẫn ổn định, không có tình trạng tăng giá.

Tỉnh Bắc Giang vẫn có mưa, nước đang rút. Tại một số địa bàn bị ngập lụt, chính quyền và các nhà hảo tâm vẫn cung ứng lương thực hàng ngày. Các hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu.

Thái Nguyên ghi nhận nước Sông Cầu đang rút, tuy nhiên một số khu vực tại TP Thái Nguyên vẫn bị ngập úng, ảnh hưởng đến việc đi lại; một số vùng tại huyện Phú Bình, khu dân cư Soi Cốc, TP Phổ Yên vẫn bị ngập lụt. Đối với các khu vực bị ngập lụt, tỉnh vẫn triển khai công tác tiếp tế thực phẩm. Ngoài các khu vực bị ngập lụt, việc lưu thông, cung ứng hàng hóa vẫn đầy đủ.

Tại Yên Bái, nước sông Hồng vẫn đang ở mức cao, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa giữa các huyện. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu, giá tăng chủ yếu là rau xanh 15-20%.

Hà Giang ghi nhận tình trạng sạt lở tại huyện Xí Mần khiến địa phương này bị cô lập và không thể thông thương hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động thương mại tại các huyện khác diễn ra bình thường, giá cả và nguồn cung ổn định.

Cũng theo Vụ thị trường trong nước, qua báo cáo từ các Sở Công Thương, các khu vực không bị ngập lụt và chia cắt vẫn duy trì nguồn cung hàng hóa ổn định. Giá cả một số mặt hàng như rau củ và thịt lợn có tăng nhẹ, nhưng không có hiện tượng thiếu hàng hay tăng giá đột biến.

Đối với các khu vực bị ngập lụt, các đơn vị chức năng đang phối hợp cung cấp nhu yếu phẩm như mì gói, lương khô, bánh mì và nước uống đóng chai đến cho người dân.

Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, không tích trữ hàng hóa quá mức để đảm bảo ưu tiên cho các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Các hệ thống bán lẻ và siêu thị cam kết duy trì nguồn cung ổn định, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trong giai đoạn khó khăn này.

Để tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của mưa lũ, cũng trong ngày 11/9, Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc số 6969/CĐ-BCT về việc tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão.

Trong đó, công điện nhấn mạnh tập trung tổ chức triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu.

Mặt khác, thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa

Giá xăng có thể tăng mạnh vào ngày mai?

(PLVN) -  Trong kỳ điều hành ngày mai (10/10), giá xăng trong nước được dự báo tăng mạnh sau phiên giảm trước đó. Cụ thể, giá xăng có thể tăng khoảng 900-1.200 đồng/lít còn dầu diesel có thể tăng khoảng 800-1.000 đồng/lít.

Đọc thêm

Hai người con xứ Huế mang bánh canh 'chinh phục' thị trường Mỹ

Nguyên Hảo (áo đen) cùng với Phước Tuần (áo trắng) giới thiệu món bánh canh cá lóc Huế đóng gói với ông Nguyễn Văn Phương (Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế)
(PLVN) - Phạm Lê Nguyên Hảo (37 tuổi) và Ngô Phước Tuần (35 tuổi) đã xây dựng thương hiệu Huế Thương, chuyên sản xuất các dòng sản phẩm đặc sản Huế đóng gói, cấp đông. Trong năm 2024, Huế Thương đã xuất khẩu khoảng 50.000 sản phẩm sang thị trường Mỹ, trong đó bánh canh cá lóc Huế là sản phẩm chủ lực.

Ngày mai, giá xăng trong nước ra sao?

Ảnh minh họa.
(PLVN) -  Trong kỳ điều hành ngày mai (19/9), giá xăng dầu trong nước được dự báo biến động trái chiều trong kỳ điều hành ngày mai. Cụ thể, giá xăng có thể tăng khoảng 150-300 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm khoảng 100-200 đồng/lít.

Bánh truyền thống hút khách, bánh "vỉa hè" ế ẩm dịp Tết Trung thu

Bánh trung thu có thương hiệu bày bán vỉa hè thì "ế ẩm", còn bánh trung thu cổ truyền thì vẫn có hàng dài người dân xếp hàng.
(PLVN) -  Mặc dù dịp Tết Trung thu là thời điểm sôi động của thị trường bánh trung thu, nhưng năm nay, xu hướng tiêu thụ có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi bánh trung thu truyền thống vẫn thu hút lượng khách hàng ổn định, các loại bánh "vỉa hè" lại gặp nhiều khó khăn và ế ẩm.

Thực phẩm thiết yếu “cháy hàng” tại Tops Market

Thực phẩm thiết yếu “cháy hàng” tại Tops Market
(PLVN) -  Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, siêu thị Tops Market Hà Nội ghi nhận tình trạng gia tăng đột biến về lượng khách hàng đổ xô mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt bò, thịt lợn, rau củ, mì tôm, ...

Nỗi lòng tiểu thương khi Trung thu chưa tới mà bão đã về

Sạp hàng nhỏ của chị Luyến trên tuyến phố Hàng Mã, Hà Nội sau cơn bão.
(PLVN) - Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Tết Trung thu, thế nhưng thay vì không khí náo nhiệt thường thấy, những tiểu thương trên phố Hàng Mã (Hà Nội) đang đứng trước tình cảnh ế ẩm. Bão Yagi bất ngờ đổ bộ đã phá tan mọi kỳ vọng về một mùa buôn bán khởi sắc, khiến nhiều người bán lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Người Hà Nội lại ‘đổ xô’ tích trữ thực phẩm sau bão

Người dân đi mua thực phẩm tích trữ tối ngày 10/9.
(PLVN) - Ngày hôm nay (10/9) người dân ở Hà Nội lại “đổ xô” đi mua thực phẩm tích trữ. Nguyên nhân do sau bão số 3, tình hình mưa lớn vẫn tiếp tục duy trì ở Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội, nhiều khu vực ngập úng, nước lũ trên các sông dâng cao. Nhiều quầy hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh gần như trống trơn…