Ước muốn san sẻ điều tốt đẹp
“Không ngại khổ, không ngại khó, chỉ cần bệnh nhân cần, chúng tôi sẵn sàng có mặt để hiến máu”, đó là lời thổ lộ gói gọn toàn bộ tình cảm của bác sĩ Hồ Văn Thúc (57 tuổi, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) khi gặp chúng tôi. Vị bác sĩ này dành cả cuộc đời giành giật lại mạng sống của nhiều bệnh nhân từ tay tử thần.
Với tấm lòng trân quý ấy, mới đây BS Thúc được Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh vì có 66 lần hiến máu cứu người; vừa qua ông cũng được UBND tỉnh Đồng Nai trao tặng bằng khen. Ngoài ra, BS Thúc cũng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú vào năm 2014.
Còn ở địa phương, bệnh viện, mọi người tặng ông danh hiệu “anh hùng hiến máu”. Bên chiếc bàn làm việc đơn sơ, BS Thúc chia sẻ: “Đúng là phải làm đúng lời người xưa dạy, phải là người làm mẹ mới biết rằng con của mình quý báu đến nhường nào. Cứ nhìn ánh mắt bệnh nhân cầu cứu, hi vọng sự sống le lói, chẳng ai làm ngơ được. Vậy nên cứu người trước đã, rồi tất cả sẽ ổn”.
Trong câu chuyện của mình, vị BS nhớ lại, trong lần đến cơ sở y tế thực tập, ông được giao nhiệm vụ lấy máu từ những người đến hiến máu. Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp cứu người của người hiến máu, ông quyết định tham gia hiến máu với mục đích san sẻ điều tốt đẹp với người gặp nạn, đồng thời cũng muốn hiểu được cảm giác cho máu đi sẽ như thế nào nhằm làm tốt hơn công tác của mình.
Sau đó, trở lại công việc thường ngày tại khoa xét nghiệm của bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, nhiều lần chứng kiến cảnh bệnh nhân nhập viện vì tai nạn lao động, tai nạn giao thông, sản phụ băng huyết,… cần được truyền lượng máu lớn nhưng lượng máu dự trữ trong bệnh viện không đủ. Nhiều đêm trăn trở, ông nhận ra cần có một lượng máu sống để cần là có, và kịp thời cứu người.
Đề xuất thành lập ngân hàng máu tại bệnh viện
Nghĩ là làm, BS Thúc đề xuất với lãnh đạo bệnh viện và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai thành lập ngân hàng máu sống tại bệnh viện. Những ngày đầu, ngân hàng máu sống có gần 70 thành viên, chủ yếu là những y bác sĩ trong bệnh viện.
Nhưng sau đó, từ năm 1998 cảm động với nghĩa cử cao đẹp của các y bác sĩ nên người dân cũng tình nguyện đến đăng ký tham gia hiến máu và sau hơn 20 năm hoạt động, ngân hàng quy tụ được gần 400 thành viên. Trung bình mỗi năm ngân hàng máu sống Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận được hơn 120 đơn vị máu, cứu sống kịp thời rất nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch.
“Mỗi năm tôi tham gia hiến máu cho bệnh nhân cấp cứu khoảng 4 lần, có nhiều năm lên đến 6 lần. Tôi chẳng biết máu mình hiến sẽ cho ai và người nhận cũng không biết họ nhận máu từ ai nhưng nhờ đó mà 40 - 50 ca cấp cứu mỗi năm đều được kịp thời truyền máu”, ông bộc bạch.
Nhớ lại chuyện cách đây 21 năm, BS Thúc giọng trầm xuống. Đó là trường hợp một cô giáo ở huyện Cẩm Mỹ sinh con tại một phòng khám tư. Quá trình sinh nở không thuận lợi và cô giáo này bị băng huyết nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh trong tình trạng da xanh tái, yếu, tiên lượng rất xấu, cần được truyền 1 lượng máu lớn mới có thể cứu.
Tuy nhiên, người nhà của cô giáo bị viêm gan B nên không thể cho máu. Trước tình trạng này, BS Thúc là người đầu tiên đứng ra hiến máu sau đó kêu gọi các thành viên trong ngân hàng máu sống của bệnh viện tham gia hiến máu.
Nhưng lượng máu lấy được vẫn chưa đủ, BS Thúc lại gọi điện vận động các giáo viên đồng nghiệp của cô giáo này hiến máu cứu người, thấy các bác sĩ tích cực hiến máu cứu bạn của họ nên các giáo viên này không chút ngần ngại hiến máu cứu người.
Ông Phan Văn Huyên, Giám đốc BVĐK khu vực Long Khánh cho biết, bác sĩ Thúc là thế hệ đi trước, người đi đầu trong việc hiến máu tại bệnh viện và có công rất lớn trong việc thành lập ngân hàng máu sống. “Đó là người anh mà chúng tôi rất quý, quý từ cái tâm đến cái tầm. Anh ấy là người luôn luôn sống vì người khác, dù ngày hay đêm chỉ cần có chuyện là anh ấy sẵn sàng ngay và chẳng mấy ai làm được như anh ấy”, ông Huyên cho biết.