Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 11 của Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Theo đó, Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Còn tại Khoản 1 Điều này” “ Người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”
Dự thảo Luật cũng đã quy định cấm các hành vi sau đây: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dưới mọi hình thức; Đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật; Sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao và các hành vi khác không đúng quy định; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công; Chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài sản công; Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật...
Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng: quy mô tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao và các hoạt động sự nghiệp khác đã tăng lên đáng kể; hiệu quả sử dụng được nâng lên và dần trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước dần được khắc phục.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, đo đó Chính phủ đã trình Quốc hội phương án sửa đổi, bổ sung Luật này.
Dự kiến, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (Sửa đổi, bổ sung) sẽ được thông qua sau 2 kỳ họp lấy ý kiến của các ĐBQH./