Có lần tôi đã viết về nữ nhà văn Di Li, một cây bút trẻ với sức làm việc phi thường. Những đứa con tinh thần cứ được “đẻ sồn sồn” nhưng không vì thế là những đứa con ấy quặt quẹo, trái lại đều là những tác phẩm được bạn đọc và cả giới phê bình đánh giá cao. Trong tháng 6, Di Li trình làng hai cuốn sách, đáng chú ý là cuốn “The Black Diamond”, tập 18 truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh…
Trước hết là sự kiện hôm nay 27 tháng 6 năm 2012, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, Di Li trình làng cuốn “Chuyện làng văn”. Cuốn sách gồm 40 bài viết với 400 trang in, mà ở đối tượng khám phá là các tác giả là nhà văn, nhà thơ lớn, trong đó có 10 nhà văn, dịch giả nước ngoài.
Đó là những phác thảo chân dung hay, sinh động về nhà văn Kim Lân, nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà thơ Trần Hòa Bình, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Bùi Anh Tấn ở thể tài ký sự nhân vật.
Cạnh đó là những bài đối thoại, phỏng vấn với các tác giả: Tô Hoài, Trần Đăng Khoa, Lê Anh Hoài, Vi Thùy Linh, Lê Thiếu Nhơn, Trần Thanh Hà, Phạm Trung Tuyến…, và phóng viên chiến trường Pellizzari, các nhà văn nước ngoài Walter Mason, Peter Fogtdal, Bang Huyn Seok, Jan Cornall, Didier Daenickx, Sara Zarr, Masatsugu Ono…
Cạnh cuốn sách Chuyện làng văn, cuốn “The Black Diamond”, tập 18 truyện ngắn của Di Li đã được dịch sang tiếng Anh và mới được xuất bản. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một cuốn sách văn học dịch sang tiếng Anh được phát hành bởi một công ty sách tư nhân và phát hành song song trên ấn bản điện tử do công ty Lạc Việt độc quyền. Cuốn sách do nhà văn Di Li tự dịch một phần và được các nhà văn nước ngoài hiệu đính.
Nhận xét về “The Black Diamond”, nhà văn Walter Mason (Australia) – tác giả của best-seller “Destination Saigon” nói rằng “Những câu chuyện của Di Li đã phản ánh hình ảnh một Việt Nam chưa từng được biết đến trong hình dung của người phương Tây. Thế giới hư cấu của cô cân bằng giữa vẻ tinh tế, gợi cảm, quyến rũ của sự hiện đại và cả những bóng ma, những nỗi ám ảnh luôn gợi lên trong người đọc một đời sống đương đại đầy khắc nghiệt. Tôi đã bị mê hoặc bởi những câu chuyện về tình yêu, cuộc sống và cho rằng bất cứ người nào muốn tìm hiểu về một Việt Nam ở thế kỷ 21 đều nên đọc Di Li.”
Còn Charles Waugh, nhà văn Mỹ và đồng thời là giáo sư văn học của trường ĐH Utah bình luận “Di Li đã bắt mạch được xã hội Việt Nam. Với một nhận thức sắc bén về những truyền thống xưa cũ, các câu chuyện của cô đã phản ánh một cách tỉ mỉ những gì đang diễn ra ở một thế giới hiện tại bằng phong cách viết điềm tĩnh, lạnh lùng, châm biếm và không kém phần hồi hộp.”
Với sức sáng tạo và sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, trong vòng ba năm Di Li đã có 20 cuốn sách trình làng. Ngoài hai cuốn “Chuyện làng văn” và “The Black Diamond” nói trên, Di Li cũng vừa dịch cuốn“Xác chết dưới nước” từ nguyên tác tiếng Anh của nhà văn trinh thám người Mỹ Patricia Cornwell. Tôi vẫn hay cà phê với Di Li, lúc nào người đẹp cũng đủng đỉnh, thậm chí có thể ngồi “buôn chuyện” cả chiểu. Không biết va thậm chí mình cũng không thể hiểu nổi, Di Li viết lúc nào, thai nghén lúc nảo mà “đẻ” nhanh đến thế!
Bảo Minh