Người đàn ông Quảng Ninh ngừng tim sau 1 giờ ăn so biển

Bệnh nhân ngộ độc so biển phục hồi tốt sau khi được các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực điều trị. Ảnh: BBCC
Bệnh nhân ngộ độc so biển phục hồi tốt sau khi được các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực điều trị. Ảnh: BBCC
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa cấp cứu thành công một trường hợp ngộ độc nguy kịch, suy hô hấp biến chứng ngừng tuần hoàn do ngộ độc khi ăn so biển.

Người bệnh là N.V.T (nam, 42 tuổi, ở huyện Vân Đồn, làm nghề chài lưới). Sau ăn so biển tại nhà khoảng 1 giờ, anh T. thấy tê bì môi, lưỡi, đầu ngón chân, tay, nôn mửa kèm khó nói, cảm giác khó thở tăng dần.

Anh T đến cấp cứu tại Trung tâm y tế tuyến dưới trong tình trạng liệt tứ chi, suy hô hấp, bệnh nhân bất ngờ ngừng tim, ngừng thở. Anh được kíp trực cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp tích cực, sau khoảng 3 phút có tái lập tuần hoàn tự nhiên. Người bệnh được đặt ống nội khí quản, bóp bóng có oxy hỗ trợ, duy trì thuốc vận mạch và lập tức chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.

Người bệnh vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, gọi hỏi không đáp ứng, đồng tử hai bên giãn 5mm, phản xạ ánh sáng kém, thở hoàn toàn theo nhịp bóp bóng qua ống nội khí quản, mất vận động tứ chi, cơ lực 0/5, mạch 120 lần/ phút, huyết áp 150/90 mmHg.

Các bác sĩ đã điều trị tích cực theo phác đồ, rửa dạ dày, dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố (than hoạt tính và sorbitol), thở máy hỗ trợ hô hấp, đảm bảo chức năng tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập liên tục.

Sau điều trị, hiện anh T đã tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định, giao tiếp tốt, cơ lực phục hồi, vận động chân tay bình thường, còn choáng nhẹ.

Anh cho biết, trước đó từng bắt và ăn so biển vài lần thấy không sao nên chủ quan.

Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận không ít trường hợp ngộ độc hải sản, trong đó có những ca ngộ độc nặng, nguy kịch do ăn so biển như trường hợp của bệnh nhân T.

Chất độc giết người trong loài so biển là Tetrodotoxin, tác động lên thần kinh trung ương, có khả năng gây liệt cơ, đặc biệt nguy hiểm làm liệt cơ hô hấp, có thể gây tử vong nhanh chóng. Đáng chú ý là độc tính này không bị phá hủy bởi nhiệt, vì vậy dù có nấu chín, đun sôi thì người ăn vẫn có nguy cơ ngộ độc cao.

Theo bác sĩ Hà Mạnh Hùng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: “Độc tố ở loài này tập trung nhiều ở trứng, gan, mật, ruột. Khi ăn so biển, chất độc Tetrodotoxin sẽ hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút đến 1 tiếng, muộn nhất là 6 tiếng, biểu hiện là tê bì môi lưỡi, dị cảm vùng mặt, chóng mặt, nôn thốc, nặng hơn là liệt cơ chân tay, không cử động được, thậm chí có thể gây liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở, làm rối loạn nhịp tim ảnh hưởng chức năng tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này, chúng tôi chủ yếu điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế: giảm hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt, thuốc nhuận tràng, kiểm soát các chức năng hô hấp, tuần hoàn và các cơ quan khác chờ độc tố được đào thải. Tiên lượng hồi phục ở các bệnh nhân này là khả quan nếu được cấp cứu sớm, kịp thời”.

Cách nhận biết so biển và sam biển.

Cách nhận biết so biển và sam biển.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có không ít trường hợp ngộ độc vì ăn các loại động vật có chứa độc tố Tetrodotoxin, như: so biển, cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, một số loài ốc biển, con cóc, kỳ nhông,… thường gặp vào mùa sinh sản từ tháng 2 đến tháng 7. Có nhiều trường hợp ngộ độc đáng tiếc do nhầm lẫn con so và con sam biển. Điều đáng nói là không ít người dù biết so biển có độc, song vẫn chủ quan ăn nên dẫn tới ngộ độc xảy ra.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, choáng váng, toàn thân biểu hiện mệt mỏi,… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.

Đọc thêm

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu
(PLVN) - Ngày 21/12, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, tổ chức lễ ra mắt hệ thống máy MRI 3.0 Tesla - công nghệ AI tầm soát đột quỵ. Đồng thời, hệ thống máy MRI 3.0 Tesla hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán chính xác các bệnh lý phức tạp về thần kinh, mạch máu, ung thư…

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.