1. Nửa đêm một ngày cách đây một năm, bà Vẻ đang ở thị xã Đồng Xoài thì có điện thoại của một người hàng xóm, thông báo con trai lớn của bà là Hoàng Minh Đông (SN 1986) đang ngủ trong chòi rẫy thì bị chém, thương tích rất nặng.
Bà chưa kịp định thần lại người chồng điện thoại “Em về đi. Thằng Đông xong rồi. Vì rượu, anh không biết gì hết”. Chuyện cha con nhiều năm xích mích ai cũng biết, nhưng việc ông Thế ra tay tàn nhẫn với đứa con đứt ruột đẻ ra thì không thể ngờ đến.
“Ông ấy thường nói với tôi, giận vậy thôi, chứ thực ra thương Đông lắm. “Hổ dữ không ăn thịt con”, ai ngờ…”, bà trào nước mắt.
Bà Vẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân người Tày thuộc tỉnh Cao Bằng. Lam lũ từ tấm bé, suốt ngày quần quật trên nương đồi, lớn lên, thôn nữ theo người thân vào Đồng Nai làm thuê kiếm sống, rồi lấy ông Hoàng Văn Thế (SN 1963, ngụ huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).
Dù là nạn nhân, nhưng Đông cũng bị chê trách vì đã không làm tròn đạo con cái |
Đông là con trai đầu lòng. Sống được 12 năm ở Đồng Nai, gia đình chuyển đến xã Bom Bo lập nghiệp, mua được vài sào đất phát rẫy để canh tác. Những đứa con chỉ học đến cấp 2 thì bỏ ngang.
Ngày mới về cả gia đình còn chui rúc trong một túp lều chật hẹp trong nương rẫy. Theo thời gian, những đứa con khôn lớn, đi làm thuê đỡ đần cha mẹ, gom chút tiền mua mảnh đất ven đường cất nhà. Mái nhà kiên cố lấy nơi che mưa nắng vừa xong, tai họa “bỗng dưng ập xuống”.
2. Ông Thế bản tính hiền lành nhưng nghiện rượu. Mỗi khi có chén, ông thường mất kiểm soát, sống không đúng mực. Cha không gương mẫu, sao dạy bảo nổi đàn con? Đông là đứa kịch liệt phản đối nhất mỗi khi cha rượu say, ương bướng sẵn sàng đốp chát lại cha mình. Không khí gia đình luôn căng thẳng.
“Đông khuyên cha nên uống ít rượu bia. Cho rằng đứa con hỗn láo dám dạy đời mình nên ông ấy chửi mắng. Cứ mỗi khi say là cha con xảy ra xung đột”, bà Vẻ cho hay.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn, vào một đêm cách đây 6 năm, sau khi đi nhậu về, cha con tiếp tục cãi lộn. Sau đó chờ ông Thế ngủ say, Đông liền châm lửa đốt nhà. Vụ cháy khiến ông Thế phỏng nặng, phải xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị nhiều tháng ròng.
Gia đình không đề nghị xử lý hình sự vụ việc. Sau lần đó, vì sợ cha nên Đông xin tiền mẹ về Bắc lánh mặt. Mẹ không cho, đứa con hư đốn đánh mẹ gãy xương sườn.
Sau ngày chữa bệnh về, cha con thời gian đầu vẫn đi làm cùng, sống với nhau trong một mái nhà, thi thoảng vẫn xô xát, nhất là khi say. Không thể tiếp tục nữa, Đông bỏ đi làm thuê khắp nơi, lúc thì Đắc Nông, Đắk Lắk, khi thì Sài Gòn, Đồng Nai, lâu lâu mới trở về nhà, nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng cha con lại xảy ra chuyện.
Bị can Thế gây án mạng dã man trong cơn say |
Nhiều năm ròng, người cha vẫn giữ mối hằn học đứa con từng có ý định giết mình. Biết cha như vậy, Đông cũng giữ thói quen đi đi về về, nhưng không ở lại lâu. Một năm sau ngày xảy ra vụ cháy, gia đình chuyển về thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) sinh sống. Vợ chồng vẫn lấy nghề trồng điều, cao su để sinh sống. Đông vẫn đi làm thuê.
Ba tháng trước ngày xảy ra án mạng, Đông về nhà ở hẳn với ý định đòi cha phân chia tài sản. “Chồng tôi nói Đông chưa vợ con nên không thể chia tài sản. Mà nếu có chia không biết nó có chịu làm không. Vì vậy, vợ chồng tôi đợi nó có vợ rồi chia cho 1 ha để làm ăn sinh sống. Nó không chịu, mâu thuẫn càng âm ỉ”, bà Vẻ nói.
Bà Vẻ cho rằng, trong thâm tâm, chồng mình vẫn rất thương con. Khi Đông làm chòi trong rẫy, ông Thế vẫn hay mang cơm và đồ ăn đến. Nhưng cứ mỗi lần nhắc đến chuyện chia đất thì cha con lại xô xát.
Có lần Đông vác dao rượt đuổi cha ra khỏi nương rẫy. Đông còn để sẵn một con dao để đối phó mỗi khi gặp cha mình. “Nhiều lần ông ấy tâm sự với tôi là rất giận Đông. Dù sao cũng là con ruột nên sẽ chẳng đụng đến nó. Thấy chồng nói vậy tôi cũng yên tâm xuống nhà con gái trông cháu ngoại”, người phụ nữ thuật lại.
Ngôi nhà nơi cha con đã có nhiều năm bất hòa |
3. Một năm sau ngày tai họa, gánh nặng đang đổ dồn lên vài người đàn bà đau khổ. Bà làm lụng quanh năm suốt tháng trên nương rẫy của gia đình, hết mùa vụ ai kêu gì làm nấy. Dương như suốt gần một năm qua tấm thân gầy của người phụ nữ này chẳng lúc nào được ngơi nghỉ.
“Người ta gọi gì thì làm đó, hết xịt thuốc cho điều lại đi bốc mủ cao su, nhổ cỏ mì. Có chiếc xe gắn máy dùng để di chuyển, nhưng do ông ấy dùng đi vào rẫy gây án nên vẫn đang bị công an giữ. Nếu đi đâu cũng phải nhờ mượn, hoặc thuê người khác”, bà chia sẻ.
Một năm qua, bà đã khóc hết cả nước mắt cho nỗi đau con chết, chồng ngồi tù. Rồi một mình còng lưng làm thuê để có tiền thăm nuôi chồng, vừa để quên đi nỗi buồn đeo đẳng. Bà cũng đã bồi thường cho người láng giềng bị chồng gây thương tích 10 triệu đồng. “Vì quá nghèo nên người ta cũng thông cảm không làm khó”, bà nói.
Điều làm người phụ nữ đau đớn nhất là sắp tới phải tham dự phiên sơ thẩm tại TAND tỉnh. “Vừa làm đại diện cho bị cáo lẫn bị hại là điều chẳng ai muốn. Cứ mỗi lần nghĩ đến là ruột gan tôi đau nhói. Biết là chồng tôi gây tội lớn, nhưng vẫn mong pháp luật khoan dung cho ông ấy một con đường sống”, bà tâm sự./.