Đây là những định hướng chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung Kết luận, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XIII) cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản và lãnh đạo Liên hiệp các hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (lãnh đạo các cơ quan) và đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 21/4 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 223 điểm cầu trên cả nước, thu hút gần 16 nghìn đại biểu tham dự.
Nhân dân ủng hộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Tại Hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học cơ quan Đảng Trung ương giới thiệu khái quát nội dung trọng tâm của Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/1/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (Kết luận) và Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/1/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về 19 điều đảng viên không được làm (Quy định).
Lý giải việc vì sao Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng khi trước đó cả hai Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và XII đã bàn về công tác này, ông Phùng Hữu Phú cho biết, tuyệt đại đa số đảng viên đều ủng hộ Đảng phải làm công tác xây dựng chỉnh đốn một cách quyết liệt để bảo vệ sự trong sáng của mình.
Theo ông Phùng Hữu Phú, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, công tác này đã có chuyển biến tích cực; nhiều vụ án tham nhũng, nhiều biểu hiện thoái hóa biến chất bị phanh phui. Mặc dù đã có thời điểm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, với cán bộ bị rạn nứt, thậm chí có lúc nghiêm trọng nhưng sự quyết tâm chính trị của Đảng đã lấy lại, củng cố và dần nâng lên niềm tin của nhân dân. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào thành công chung của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, quản trị xã hội, niềm tin của đối tác nước ngoài với Việt Nam được nâng lên.
Ông Phùng Hữu Phú khẳng định, nhìn nhận một cách nghiêm túc, Trung ương vẫn thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng dù làm tích cực, có nhiều chuyển biến nhưng so với yêu cầu thì tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… chưa bị đẩy lùi, thậm chí có bộ phận, có mặt lại diễn biến phức tạp hơn. Bên cạnh đó, một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, thiếu gương mẫu… Những hạn chế trên là do năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phê bình, tự phê bình, kiểm tra giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế, chuyển động chưa đều; có nơi “nóng”, nơi “lạnh”. Đó là lý do vì sao nhiều vụ tham nhũng tiêu cực không phải do tổ chức đảng phát hiện mà do dư luận, báo chí phanh phui.
Ngoài ra, cơ chế kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý vẫn chưa hoàn thiện, hiệu quả, hiệu lực chưa cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: phải “nhốt” quyền lực trong “lồng cơ chế” để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, vi phạm pháp luật. Trong 10 năm qua, nhiều quy định của Đảng đã được ban hành, nhưng vẫn chưa đủ chặt, vẫn còn kẽ hở, trong khi việc vi phạm ngày càng tinh vi hơn… Dẫn ra thực trạng trên, ông Phùng Hữu Phú khẳng định, công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã làm được rất nhiều, rất đáng phấn khởi nhưng chưa đạt yêu cầu. Nếu dừng lại, nguyên lý là không thể giữ nguyên trạng mà sẽ trở lại như cũ, tụt xuống, trở về không, vì thế phải tiếp tục làm.
Lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đề nghị, lãnh đạo các cơ quan và đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức dành thời gian nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn, toàn diện hơn nội dung Kết luận, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XIII) để vận dụng, liên hệ với thực tiễn công tác trong lĩnh vực chuyên môn.
Trong thời gian tới, quá trình triển khai các nhiệm vụ phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Kết luận và Quy định; nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó, có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, trách nhiệm để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận và Quy định trên mỗi cương vị công tác tại từng ngành, lĩnh vực phụ trách; mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Ông Lại Xuân Môn cũng đề nghị, sau Hội nghị, các đại biểu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần chủ động, sáng tạo, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình thực hiện Kết luận, Quy định gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, sát với chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, phải làm rất nghiêm túc, thiết thực, có sự phân công trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, tránh hời hợt, hình thức.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh, nghiên cứu, quán triệt và triển khai đưa nhanh Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) vào cuộc sống là trách nhiệm, cũng là vinh dự đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và của mỗi cán bộ báo chí, xuất bản, trí thức, văn nghệ sỹ nói riêng; đồng thời tin tưởng, đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, trí thức, văn nghệ sỹ sẽ mang hết tâm huyết để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII), sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.