Vẫn với phong cách nhẹ nhàng và tinh tế nhưng đậm tính nhân văn, Kore-Eda lột tả một cách chân thực nhất những vấn đề đời thường nhưng đầy bất cập, đáng lo ngại trong xã hội hiện đại Nhật Bản.
Đạo diễn Nhật Hirokazu Kore-Eda nhận giải cao nhất Cannes năm 2018. |
Kore-Eda là một đạo diễn tài danh không những ở Nhật Bản mà ảnh hưởng đến điện ảnh thế giới. Sự xuất hiện của ông năm nay làm tôi nhớ tới cuốn phim đặc sắc “Kẻ trộm siêu thị” mà ông đã ôm trọn biết bao giải thưởng danh giá.
Xem “Kẻ trộm siêu thị” (Shoplifters) của đạo diễn người Nhật Kore-eda Hirokazu, chúng ta tự hỏi: Đâu là một gia đình bền vững, một điểm tựa của yêu thương? Thỉnh thoảng chúng ta đọc tin những đứa trẻ bỏ nhà ra đi, tự tử hay bị sức ép từ cha mẹ về học tập, bị tra tấn, bị đưa ra làm trang sức cho cha mẹ...
Phim “Kẻ trộm siêu thị” sẽ khiến chúng ta giật mình về kết nối trong gia đình và đôi khi thấy mình có “tội lỗi” trong câu chuyện đó. Một gia đình không có huyết thống, lắp ghép tạm bợ trong một căn trọ chật chội. Đó là Osamu Shibata và vợ là Nobuyo, bà Ngoại và Aki - cháu gái của bà, cậu bé Shota - con nuôi của vợ chồng Osamu và cô gái nhỏ Yuri - đứa bé được nhặt từ ngoài đường về.
Một gia đình sống bằng nhiều nghề. Ông Osamu làm việc ngắn hạn ở công trường xây dựng. Là Nobuyo làm công nhân trong một xưởng giặt là. Là Aki trẻ người non dạ bị hấp dẫn bởi nghề múa khiêu dâm. Là bà ngoại già móm mém ưa chơi game, chuyên gia vòi tiền từ con trai của vợ hai của chồng.
Những đứa trẻ được không được đi học vì theo chúng “chỉ những đứa trẻ không thể tự học thì mới phải đến trường”. Chúng được dẫn dắt đi trộm cắp vặt ở siêu thị vì theo suy nghĩ vô tư “đồ trong siêu thị thì chẳng phải là đồ của ai cả”... Sáu thân phận đó làm đủ thứ nghề để tồn tại nhưng lại rất gắn bó, yêu thương nhau và sống có trên dưới, nền nếp. Họ nhìn về hiện tại, tương lai, cái chết rất bình thường và nhẹ nhàng...
Sự gắn bó trong thân phận ngụ cư đó khiến người xem bị thắc mắc tại sao những người này đều có một gia đình ổn, nhưng lại không muốn về nhà, mà tụ họp lại để sống vui vẻ trong tạm bợ…
“Thường thì không ai được chọn bố mẹ. Nhưng khi được chọn thì sẽ khăng khít hơn, phải không?” Đó là lời nói của nữ chính trong bộ phim cũng là vấn đề thao thức: Tại sao máu thịt không gắn bó mà phải rời xa nhau?
Thế là, gia đình họ là nơi mà tất cả mọi người chẳng ai có huyết thống với ai, nơi mà bữa ăn hàng ngày được coi như một chiến lợi phẩm, nơi mà họ cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt trong khoảng vài mét vuông nhưng lại có vẻ không hề thiếu thốn sự sẻ chia. Cuối cùng khi câu chuyện vỡ ra, đứa bé đi ăn cắp bị bắt, thân phận họ bại lộ... thì tình thương họ dành cho nhau tiếp tục gắn kết. Cao thượng và hy sinh...
“Gia đình lắp ghép” đó tan rã, cậu bé được đi học, cô bé thất lạc trở về với gia đình, bà già qua đời... Ai cũng nghĩ mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn cho những số phận bơ vơ đó, nhưng sự thật ám ảnh là họ không có niềm vui, tình thương ở đó, nơi chính xác là gia đình. Cô bé vẫn bị cha mẹ đẻ bỏ rơi và chơi một mình trong cô độc ở cuối phim khiến người xem day dứt.
“Kẻ trộm siêu thị” là mảnh ghép của gia đình hiện đại bây giờ. Đó chính là sự rạn vỡ, không thấu hiểu giữa các thành viên với nhau. nhiều người sống trong gia đình mà họ cảm thấy tù đày, phải chọn sự tự do tinh thần trong một đời sống bấp bênh... Có một câu trong phim rất hay rằng: “Không phải cứ đẻ con ra là làm mẹ”.
“Kẻ trộm siêu thị” giành hàng chục giải từ Giải Viện Hàn lâm Nhật Bản, cho tới giải César cho “phim nước ngoài hay nhất” và vị trí cao quý nhất tại Liên hoan phim Cannes - giải Cành Cọ Vàng cho hạng mục “Phim hay nhất” năm 2018. Tôi xem phim này nhiều lần và cảm giác buồn nhiều hơn vui. Vì những thứ trong phim ảnh đó nó giống đời thật xã hội chúng ta bây giờ quá. Có những thứ tình máu mủ là đứt gãy, có những thứ va chạm ngoài đường lại gắn bó đến bất ngờ. Cái tình đó khiến chúng ta thao thức: Thế nào là một gia đình thực sự?