Lập biên bản giao hàng khống
Xung quanh những vấn đề nổi cộm tại Công ty cổ phần Formach, ông Nguyễn Văn Khoa, Trưởng Ban kiểm sát của Công ty còn phản ánh những vấn đề nghiêm trọng hơn cả việc làm ăn lỗ, báo cáo lãi. Đó là “nghi án” ký hợp đồng mua bán không 6 cầu trục với Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin.
Ngày 29/4/2003, Công ty cổ phần Formach và Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng ký hợp đồng 204/HĐKT về việc mua bán 6 cầu trục (2 chiếc loại 5 tấn, dài 28m và 4 chiếc trọng tải 20 tấn, dài 28m), với tổng giá trị hợp đồng là 4 tỷ 556 triệu đồng, bao gồm cả thuế GTGT. Theo các chứng từ, tài liệu liên quan thì Công ty cổ phần Formach đã sản xuất và cung ứng đầy đủ hàng hóa cho Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng. Biên bản nghiệm thu kỹ thuật và bàn giao hàng lập ngày 14/12/2004 tại Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng thể hiện, Công ty cổ phần Formach đã hoàn thành việc lắp đặt và bàn giao toàn bộ 6 cầu trục theo hợp đồng và đã được đưa vào sử dụng.
Chứng từ cũng thể hiện, phía Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng đã thực hiện nghĩa vụ của bên mua. Đơn vị này cũng đã chuyển toàn bộ tiền theo hợp đồng cho Công ty cổ phần Formach. Lần chuyển tiền thứ nhất vào ngày 10/7/2003, với số tiền tạm ứng bằng 30% giá trị hợp đồng. Lần chuyển tiền sau cùng là ngày 23/12/2004, số tiền là 4 tỷ 339 triệu đồng. Công ty cổ phần Formach đã xuất hóa đơn GTGT cho toàn bộ hợp đồng là hơn 4 tỷ 556 triệu đồng.
Việc mua bán này sẽ là bình thường nếu không có chuyện chỉ một tuần sau khi nhận đủ tiền thanh toán hợp đồng 204 từ Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, ngày 31/12/2004, Công ty cổ phần Formach lại chuyển trả cho đơn vị này số tiền hơn 4 tỷ 339 triệu đồng, bằng toàn bộ giá trị lô hàng.
Lý giải về điều kỳ lạ này, trong buổi làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, lãnh đạo Công ty cổ phần Formach nói rằng, sở dĩ có việc chuyển lại số tiền 4,339 tỷ đồng cho bên mua là do thời điểm năm 2004 Công ty mới lắp đặt được 2 cẩu trục thì phát sinh việc Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng đang sửa chữa nhà xưởng, không thể lắp đặt các cầu trục còn lại. Vì lý do Phà Rừng đã trả tiền toàn bộ hợp đồng mà chưa được nhận đủ hàng, nên để tạo điều kiện cho đối tác truyền thống, Công ty đã “mua lại” số hàng trên và chuyển lại tiền cho nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng số tiền tương ứng với hàng hóa chưa giao.
Song, lý giải của lãnh đạo Công ty cổ phần Formach lộ ra nhiều điểm không hợp lý. Theo lời lãnh đạo Công ty cổ phần Formach, khi nhà xưởng của Nhà máy đóng tàu Phà Rừng đang sửa chữa, không thể lắp đặt hàng hóa thì Công ty cổ phần Formach không thể bàn giao hàng. Nhưng biên bản bàn giao ngày 14/12/2004 lại thể hiện “đã nghiệm thu và giao xong”. Như vậy, biên bản bàn giao và nghiệm thu kỹ thuật với nội dung “bàn giao hệ thống cầu trục cho nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng đưa vào sử dụng” là biên bản lập với nội dung khống. Thực chất, không có cầu trục nào được bàn giao.
Vì sao không giao hàng nhưng lại lập biên bản nghiệm thu và bàn giao khống? Lý do là biên bản có nội dung “khống” trên lại có giá trị quyết định đối với việc thanh toán. Vì, chỉ khi có biên bản nghiệm thu và bàn giao thì Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng mới có thể thực hiện việc thanh toán, chuyển tiền cho Công ty cổ phần Formach, số tiền 4,339 tỷ đồng.
Cầu trục (ảnh minh họa) |
Rửa tiền?
Vấn đề ở chỗ, tại sao Phà Rừng chưa nhận hàng lại muốn trả tiền. Chứng từ liên quan đến hợp đồng này đã hé lộ nhiền thông tin quan trọng về những vấn đề bị nghi vấn là “rửa tiền” bằng hợp đồng mua bán 204/HĐKT. Theo hợp đồng, tổng giá trị hợp đồng là hơn 4,556 tỷ đồng. Trong đó, tiền hàng (6 cầu trục) là hơn 4,339 tỷ, tiền thuế giá trị gia tăng là hơn 216 triệu đồng.
Ngay sau khi “bàn giao khống” và nhận đủ tiền từ Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng, Công ty cổ phần Formach đã chuyển trả Phà Rừng số tiền đúng bằng giá trị hàng hóa (6 cầu trục), chỉ giữ lại phần tiền thuế giá trị gia tăng. Việc chuyển tiền trả lại Phà Rừng đã cho thấy, Công ty không bàn giao 6 cầu trục cho Phà Rừng.
Việc Phà Rừng lập biên bản bàn giao hàng khống để trả hết tiền cho Công ty cổ phần Formach rồi nhận lại số tiền đã trả theo cách như trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng hợp đồng 204 là bản hợp đồng giả tạo mà Công ty cổ phần Formach đã thực hiện giúp Phà Rừng rút ra hơn 4 tỷ 339 triệu đồng. Có khả năng hai bên đã không thực hiện việc mua bán 6 cầu trục như nội dung của hợp đồng mà chỉ dựng lên việc mua bán để Phà Rừng chuyển tiền cho Công ty cổ phần Formach rồi lại nhận lại số tiền trên qua một kênh khác sau khi để lại một khoản tiền cho Formach nộp thuế GTGT. Thực hư của sự việc như thế nào, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ.
Bình Minh
Xung quanh việc chuyển tiền qua lại này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiêm, VPLS Phạm Hồng Hải và Cộng sự để làm sáng tỏ những vấn đề thiếu minh bạch trong việc thực hiện hợp đồng này.
Thưa Luật sư, việc Công ty cổ phần Formach bán 6 cầu trục cho Phà Rừng rồi lại mua lại số hàng trên có trái pháp luật không?
Về nguyên tắc pháp lý và tập quán thương mại thì việc mua bán hàng hóa trên chứng từ không bị cấm, có thể thực hiện được. Với lô hàng vừa bán đi, bên bán vẫn có thể đàm phán mua lại. Việc hoán đổi vai trò giữa bên mua và bên bán cũng là việc bình thường trong giao dịch dân sự và thương mại.
Ls. Lê Văn Kiên |
Có điều, trong vụ việc cụ thể này, cần phải xem xét xem việc mua bán đó có thật hay không.
Theo ông, việc mua bán đó có thật hay không?
Tôi không dám khẳng định nội dung này. Song, tôi thấy có nhiều vấn đề cần làm rõ bởi những mâu thuẫn thể hiện trong hồ sơ mua bán.
Thứ nhất, Lý do nào khiến hai bên phải lập biên bản nghiệm thu và giao hàng trong khi thực tế không giao hàng. Biên bản bàn giao này là cơ sở để Phà Rừng chuyển tiền cho Formach. Vì thế, có thể đánh giá rằng, việc lập biên bản nghiệm thu trên là để phục vụ việc thanh toán.
Thứ hai, khi chưa giao nhận hàng thì tại sao lại thanh toán tiền. Nhà máy sửa chữa tàu biển Phà Rừng dựa vào kết quả bàn giao “khống” để thanh toán tiền cho Công ty cổ phần Formach. Như vậy là nhận hàng “khống”, trả tiền thật. Sau đó Công ty Formach lại chuyển trả lại tiền đã nhận vì lý do “chưa giao hàng”. Cả hai bên đều biết là hàng chưa giao nhưng vẫn thực hiện việc chuyển tiền đi, chuyển tiền lại. Tại sao lại phải làm việc chuyển tiền đi chuyển tiền lại một cách vô lý như vậy. Việc nghi ngờ rửa tiền không phải là không có cơ sở. Cần làm rõ Phà Rừng nhận lại tiền như thế nào để xem xét liệu cá nhân nào đó chiếm đoạt số tiền này không.
Xin cảm ơn ông!