Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, dân tộc Sán Dìu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vẫn miệt mài sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật dân gian độc đáo của cha ông cho thế hệ trẻ. Với ông, tình yêu và lòng đam mê câu hát Soọng cô là niềm tự hào vô bờ bến và cũng là trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Ông chia sẻ, từ thuở nhỏ, những lời ru của bà, của mẹ bằng làn điệu dân ca của dân tộc đã ngấm sâu vào tâm hồn ông. Năm 10 tuổi, ông theo các anh, chị trong làng đến các thôn, bản hát giao duyên.
Nhiều năm qua, ông và một số hạt nhân văn nghệ đã dày công sưu tầm, truyền dạy những khúc hát dân ca cho người dân. Năm 2004, ông đứng ra thành lập CLB hát Soọng cô của xã và được bầu làm Chủ nhiệm CLB. Mỗi năm CLB phát triển thêm 5 - 10 thành viên. Đến nay, CLB đã có trên 120 hội viên, trong đó, người cao tuổi nhất là 80 tuổi, nhỏ nhất mới 6 tuổi. CLB chia thành 4 nhóm để dễ sinh hoạt tại các thôn.
Ông Bảy lưu giữ được hơn 1.000 bài hát Soọng cô và đang mang "giao dần" vốn liếng dân gian quý báu này cho thế hệ trẻ. Ông còn cùng các thành viên trong CLB tổ chức dạy tiếng Sán Dìu mỗi dịp hè; tổ chức cho các thành viên giao lưu với các CLB hát Soọng cô ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... CLB hát Soọng cô trong xã đã giành được 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc tại các cuộc Liên hoan tiếng hát Soọng cô.
Năm 2019, ông Lục Văn Bảy vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây chính là sự động viên lớn lao để ông tiếp tục có nhiều đóng góp hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của người dân tộc Sán Dìu.
Những cuốn sách cổ trải qua nhiều đời trong dòng Lục được ông Bảy phô tô lại để giới thiệu cho mọi người trong làng, trong xã. Trân trọng giá trị nguồn cội, chính là điều giúp nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy nhận được những gì tinh túy nhất mà tổ tiên ông, dân tộc ông sáng tạo qua hàng trăm năm tồn tại, phát triển...
Dẫn chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu ở xã Ninh Lai, nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy tự hào cho biết: Từ ngày thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu, thôn xóm nơi đây thêm rộn ràng, náo nức hơn. Các buổi sinh hoạt cộng đồng mọi người đến tham gia rất đông, ai cũng mong chờ các tiết mục do các thành viên trong câu lạc bộ trình diễn.
Nguồn cảm hứng cho những làn điệu soọng cô chính là những hoạt động của cuộc sống đời thường của người Sán Dìu. Ngọn lửa từ niềm đam mê bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy đã lan tỏa trong cộng đồng và thắp sáng lên niềm đam mê trong các thành viên trong làng, trong xã.
Đồng hành với việc phát triển kinh tế, hiện nay người Sán Dìu rất chú trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy tốt giá trị văn hóa của dân tộc mình. Và mặc thăng trầm thời gian, những lời ca bình dị ấy luôn được ngân lên với sức sống mãnh liệt...
Các em nhỏ tham gia lớp học giữ gìn Tiếng hát Soọng cô trong dịp hè năm 2019. (Ảnh: Báo tuyên Quang) |
Người em dì của ông Bảy là bà Đỗ Thị Man (cùng xã Ninh Lai) có giọng hát Soọng cô khá hay. Bà không chỉ tích cực tham gia sinh hoạt, biểu diễn cùng câu lạc bộ do nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy thành lập, mà còn trực tiếp đứng ra tập hợp chị em trong khu dân cư để truyền dạy lại nghề thêu dệt trang phục truyền thống.
Lo lắng vì hiện nay không còn nhiều phụ nữ dân tộc Sán Dìu biết thêu dệt, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà lại gọi con cháu trong gia đình và chị em trong khu dân cư đến để hướng dẫn các thao tác trong quy trình thêu họa tiết trang phục truyền thống. Nhờ dó, nhiều chị em ở địa phương biết thêu đúng và sáng tạo hoa văn, giúp những bộ trang phục không chỉ phù hợp mặc hàng ngày mà còn phục vụ công việc biểu diễn, giao lưu văn hóa với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Bằng trách nhiệm và cả sự nhiệt huyết với giá trị nguồn cội của dân tộc mình, những người con của dân tộc Sán Dìu như nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy, bà Đỗ Thị Man và các thành viên trong Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Ninh Lai đã và đang lặng lẽ đóng góp sức mình cho việc bồi đắp và làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.