Dân tự quyết từ “biết, bàn, làm, kiểm tra”
Nghe nhưng chưa tin, dạo một vòng khắp các ấp xem sự thật về lời khen “địa phương cán bộ gần dân như thể tay chân”, đã thấy An Lục Long không còn nhà lá lụp xụp, không còn đường đất, tất cả ngõ ngách dẫn vào các ấp đều đã bê tông hóa 100% bề rộng lên đến 4m. Tất cả cầu khỉ đã thay bằng cầu bê tông xe hơi đi được.
Trong trụ sở UBND xã rêu phong, Bí thư Đảng ủy Hà Minh Tuấn tiếp khách niềm nở. Ông Tuấn trước khi làm Bí thư từng là bộ đội, trải qua nhiều chức vụ khác nhau ở xã nên nắm rõ được tính dân. “Dân An Lục Long là dân gốc cách mạng nên thẳng thắn, cứng rắn. Mình làm không được, không đúng, họ kéo tận trụ sở đòi... xử. Nhưng nếu mình làm được, mang lại lợi ích chung thì họ tự nguyện, cái gì cũng sẵn lòng đóng góp”, ông Tuấn chia sẻ.
Trước năm 2010, dân An Lục Long còn nghèo bởi kinh tế phụ thuộc vào ruộng lúa, không có nghề nào khác. Từ khi cây thanh long đại trà ở một số nơi, xã An Lục Long làm theo và từ đó khấm khá hơn. Dù không “giàu nứt đố đổ vách” nhưng ai cũng nhà tường, sân gạch. Chỉ có điều những công trình phúc lợi như đường, cầu, nước sạch chưa có, môi trường ô nhiễm… Các tuyến đường liên ấp, liên xóm chủ yếu là đất nên mưa là ngập, sình lầy. Dưới kênh rác vứt bừa bãi, bèo đen đặc. Nhận thấy cần phải thay đổi ý thức và đời sống cho dân, ông Tuấn lúc đó là Chủ tịch xã triển khai chương trình “nông thôn mới”.
“Chậm mà chắc, không tận thu, không ép dân đóng góp bằng mọi giá. Tất cả dựa trên sự tự nguyện, và dân là người quyết định cách làm. Cán bộ chỉ là người hỗ trợ, tư vấn, cùng làm. Dân cảm thấy được làm chủ công trình từ thiết kế, thuê nhân công, mua vật tư, xây dựng, đóng góp. Chúng tôi quyết không ép dân phải làm cái này cái kia để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nêu một ví dụ điển hình: “Dự kiến làm một con đường với tỷ lệ nhà nước 50%, dân đóng góp 50%. Nhưng phải vận động được dân đóng góp thì mới xin được kinh phí 50% từ nhà nước. Con đường chạy qua ấp nào, chúng tôi họp dân ấp đó. Chúng tôi nêu ý tưởng, dân tự họp đưa ra số tiền sẽ đóng góp, tự đưa ra hạn mức cho từng hoàn cảnh gia đình. Nhà nào khó khăn được miễn. Việc đóng góp không thu một lần mà do các trưởng ấp tự thu. Dân có bao nhiêu thu bấy nhiêu, đến lúc thu đủ thì thôi”.
Với số tiền dự kiến phải thu này, ông Tuấn cùng cán bộ đi “xin” thêm dân ở các ấp khác. Thậm chí nghe thông tin có một số đơn vị tận Sài Gòn thường giúp dân xây cầu làm đường, ông Tuấn thân chinh đến tận nơi kêu gọi giúp đỡ.
Những công trình trên địa bàn, trừ xây cầu, còn lại từ đường bê tông, kéo điện đường, nạo kênh mương, xây dựng kênh tưới tiêu nội đồng… đều không thuê nhà thầu, không đấu thầu mà chính người dân sẽ tự làm, cán bộ chỉ đốc thúc giám sát. Hộ nào khó khăn không thể đóng tiền thì đóng góp bằng công sức. Ai đã đóng góp thì sẽ được trả lương.
“Dân tự chọn địa điểm mua vật liệu, phân công nhau làm và được trả lương bằng đi làm thuê bên ngoài. Đến đo đường, đổ bê tông có khi cũng tự làm. Vì dân tự làm, chúng tôi giám sát nên không bao giờ lo hao hụt, ăn chặn”, ông Tuấn nói.
Để dân tin tưởng, ông Tuấn yêu cầu thu tiền của dù 10 ngàn đồng cũng phải viết biên lai. Sau khi làm xong một công trình, sẽ họp dân thông báo thu chi, còn dư bao nhiêu gửi vào ngân hàng để có kinh phí tu sửa.
Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới |
“Về đích” trước 3 năm
Chương trình nông thôn mới ở địa phương này không chỉ về đích trước hẹn, mà còn vượt mục tiêu. Như việc như nạo vét kênh, lắp điện đường quanh các ấp, trồng cây hai bên đường, xây bể nước sạch, gắn camera an ninh... không nằm trong 19 tiêu chí bình xét nông thôn mới, nhưng vẫn làm vì thấy cần thiết cho đời sống người dân. Làm theo hình thức xã hội hóa như vậy, xã đã hoàn thành gần 50 km đường bê tông chiều dày 20cm, rộng 3 – 4m. Hai bên đường, để tạo cảnh quan, dân đồng loạt trồng cây hoa chuông vàng.
Thấy dân canh tác thanh long, đi sớm về muộn không an toàn, xã bàn chuyện gắn điện đường 100% các tuyến đường, gắn 44 camera an ninh truyền tín hiệu về hệ thống màn hình tại công an xã. Hệ thống điện đường, dân mua bóng đèn, mua dây, chính tay cán bộ xã cùng kéo dây, mắc từng bóng đèn. Với camera an ninh, cán bộ xã đi vận động các “Mạnh thường quân” bên ngoài đóng góp chứ không thu tiền dân.
Xã cũng có 29 bồn nước sạch được xây dựng. Dân không phải dùng nước giếng, nước kênh mương. Mỗi khối nước thu 2000 đồng. Số tiền này trả vào tiền điện bơm nước, tiền điện đường. Cán bộ xã còn vận động khắp nơi xây nhà tình thương cho những hộ khó khăn. Nay xã không còn nhà tạm.
Ông Lê Văn Trọng, người dân ấp Cầu Kinh, kể lại: “Con đường trước nhà tôi ngày trước sình lầy dữ lắm. Gia đình tôi đóng 2,5 triệu là có đường bê tông rộng 4m, giờ có thêm điện đường. Hay tuyến đường dài 2,5km mới làm xong. Đường đó, huyện nói nếu xã làm là chuyện khó tày trời vì hai bên đường dân ít, làm sao đóng góp đủ. Vậy mà có người không có nhà mặt tiền đường đó cũng tự nguyện đóng 30 triệu. Còn một đoạn dài 1,6 km nữa, mấy lần họp, dân xin được đóng góp để làm nốt, đặng trước Tết có đường đẹp mà đi, nhưng mấy cán bộ ở xã chưa dám quyết vì ngại dân phải cố”. Lão nông hồ hởi: “Dân ủng hộ dữ lắm, sao phải lo chuyện đó”.
Ở địa phương này, ý thức người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu khi xây dựng nông thôn mới, quan trọng không kém là sự chung sức của cán bộ xã, tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi công trình sẽ có một tổ chức đại diện dân đứng ra làm chủ, trông coi, tu sửa. Hội Nông dân quản lý kênh không lục bình, thông thoáng tạo tưới tiêu. Hội Cựu chiến binh chịu trách nhiệm kiểm tra đèn đường… Cán bộ nào cũng có trách nhiệm gắn kèm nên người dân mới tuân thủ làm theo.
Mục tiêu ban đầu đề ra đến năm 2020 mới hoàn thành xã nông thôn mới. Nhưng với cách làm hợp ý dân, dân được lợi nên xã hoàn thành trước 3 năm. Ngày 19/12/2017, An Lục Long được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và kinh nghiệm để đời mà cán bộ xã luôn ghi nhớ mỗi khi thực hiện công việc là đều phải “để dân tự quyết định”, không ép dân, không tận thu, không chạy đua hình thức.