Khai mạc vào 8h30 hôm qua, Ngày thơ 2011 thu hút được lượng người tham dự, tham quan đông đảo, phong phú hơn hẳn những năm trước vì ngoài giới văn chương thành phố còn có giới sinh viên, học sinh, kể cả các em nhỏ và khách nước ngoài cùng chị trong khi tham quan Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Rộn ràng trước “thơ quán” |
Điểm mới là thứ hai là bước chân vào không gian tổ chức Ngày thơ, khách sẽ khá bỡ ngỡ trước một không gian rất lạ, tưng bừng hơn hẳn mọi năm bởi câu thơ được viết thật to ở cổng chào “Từ thành phố này Người đã ra đi” làm nao nao gợi một niềm tưởng nhớ thành kính, và còn bởi rộn ràng của màu sắc, của cờ hoa và hàng chục Thơ quán - các gian hàng thơ của Câu lạc bộ (CLB) thơ ca đến từ các quận huyện. Mỗi gian hàng là một cái tên rất... thơ: CLB thơ Quê hương quận 12, CLB Tiếng thơ Gia Định, CLB Thơ Nhà Rồng quận 4...
Có đến tham quan các gian hàng thơ với hoa, đèn, câu đối, thi pháp, với nhà thơ và các tuyển tập thơ mới “mục sở thị” cái mạnh của phòng trào thơ ca quận huyện thành phố. Các nhà thơ quận ăn mặc trang trọng với trang phục truyền thống, giao lưu và đàm đạo sôi nổi cũng như niềm nở đón tiếp khách tham quan gian hàng. Họ đã thực sự coi ngày hôm nay là “ngày của mình”, một ngày hội lớn trong năm mà họ được vinh danh, có thể gặp gỡ, giao lưu, nói về thơ và sống với thơ.
Đặt những người làm thơ trẻ bên cạnh các bậc “thi sĩ già”, “thi sĩ vườn”, điều này nằm trong mục đích “làm mới” Ngày thơ của Ban tổ chức, sau tám lần diễn ra, Ngày thơ bị chê nhiều hơn khen với những đánh giá như tẻ nhạt, rời rạc, ít người quan tâm, gói gọn ở mức độ Câu lạc bộ...
Trước đây, địa điểm diễn ra Ngày thơ lần lượt là Cung Văn hóa Lao Động sang Bảo tàng Lịch sử, Công viên Bách Tùng Diệp, Nhà hát Lớn, không gian không đủ lớn, quy mô nhỏ, tách rời việc tổ chức giữa thơ ca tầm Trung ương với thơ ca quận huyện. Thậm chí, phần tổ chức dành cho các nhà thơ tên tuổi cũng chỉ gói gọn ở... diễn xướng thơ và giao lưu các nhà thơ.
Năm nay, ngoài đông đảo các nhà thơ, nhà văn tên tuổi như nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương và các nhà thơ trẻ có tiếng trên thi đàn trong nước như Lê Thiếu Nhơn, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Ngô Thị Hạnh, BTC đã giới thiệu bốn gương mặt thơ còn rất mới, vừa được kết nạp vào Hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh là Nguyễn Thùy Vân, Trương Gia Hòa, Trần Hoàng Nhân và Song Phạm. Trong đó, có những nhà thơ còn rất trẻ và ngòi bút còn rất dồi dào năng lượng như Nguyễn Thuỳ Vân mới hai mươi hai tuổi, làm thơ từ năm 17 tuổi, đến nay đã cho ra đời ba tập thơ được đánh giá cao...
Các nhà thơ trẻ đã được “ra mắt” giới thơ thành phố trong một ngày hội trang trọng mà gần gũi, họ nói với các nhà thơ đi trước và công chúng yêu thơ về những tâm tư, trăn trở của mình, để người yêu thơ thấy rằng thành phố ngày một lớn tuổi, nhưng thơ thì luôn trẻ, sục sôi nhiều huyết. Một điểm chung có thể nhận thấy ở thơ trẻ TP là các nhà thơ ngày càng quan tâm đến “cái tôi” nhiều hơn với những khát vọng, trăn trở, cuồng nhiệt và thách thức của những tâm hồn trẻ.
Học sinh tham quan gian hàng thơ. |
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó chủ tịch Hội nhà văn TP, đại diện BTC Ngày thơ Việt Nam 2011 tại TP HCM chia sẻ: “Chúng tôi, những người làm thơ, tám lần trước đã tham dự với tư cách khách mời, nhưng đến Ngày thơ 2011, với Ban chấp hành mới, chúng tôi quyết tâm tổ chức một Ngày thơ khác lạ hơn, thu hút và sinh động hơn. Ngày thơ năm nay được tổ chức tại Bến Nhà Rồng, vừa là một không gian đẹp, thoáng đãng, lại vừa nhằm một ý nghĩa lớn: Hướng đến kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 70 năm ngày Bác trở lại Pắc Pó. Ngày thơ tại Bến Nhà Rồng, là một không gian bao quát, người tham dự có thể đến, nhìn xung quanh và thấy những nhà xưởng, bến tàu, công trường đang hoạt động nhộn nhịp. Để thấy rằng trước ngồn ngộn xây dựng vẫn có những cái đã được định hình và những cái đang phát triển, trước những giá trị đang được hình thành vẫn có những giá trị tinh thần đã trở thành bất diệt. Và thơ cũng như thành phố, không cũ, mòn, mất đi sức sống mà ngày càng mạnh mẽ, trẻ trung, năng động hơn”.
Ông Phạm Sỹ Sáu cũng cho biết, việc tổ chức các gian hàng thơ quận bên cạnh giao lưu của các nhà thơ trẻ là nhằm khẳng định sự phong phú của thơ Sài Gòn, và cũng nhằm thu hút sự quan tâm của nhiều giới: Người già, bình dân đến với thơ quận, người trẻ, giới sinh viên học sinh thì quan tâm đến phần giao lưu với các nhà thơ trẻ. Ông Phạm Sỹ Sáu khẳng định, thực ra không như nhiều người tưởng, thơ không phải đang mất dần sự thu hút với giới trẻ. Bằng chứng là ngay tại ngày thơ, số người trẻ đến tham quan nhiều không kém số người đứng tuổi.
Trần Hoàng Lê Văn - sinh viên ĐH Luật TPHCM, đi cùng một nhóm bạn đến tham dự Ngày thơ 2011, sau khi nghe các nhà thơ trẻ đọc thơ mình, đã cho biết: “Trước giờ em và các bạn ít đọc thơ, hôm nay thấy Ngày hội thơ đông và đẹp nên đến xem. Em thấy thơ trẻ Sài Gòn mình hoá ra rất hay, lạ, bắt nhịp với tâm tư của tụi em. Nếu có cách nào để đem những vần thơ thế này đến gần với các bạn sinh viên hơn, cho các bạn ấy có cơ hội đọc và cảm, em tin rằng sẽ ngày càng nhiều người yêu thơ hơn nữa”.
Ngọc Mai