Thế mới biết tư duy đối phó gần như ăn sâu vào máu của dân Việt nhà mình. Nghị định 34 có hiệu lực, tất nhiên tình hình có đôi chút sáng sủa hơn, nhưng chỉ là với nhiều người đi ô tô sợ phạt nặng, còn xe máy thì vẫn lộn xộn như hề chẳng có chuyện gì. Trong lúc tắc đường, tai nạn phần lớn từ loại phương tiện tham gia giao thông này. Thể chế, xã hội, luật pháp lo cho tính mạng người dân, còn người dân lại xem đó như thể…chả phải việc của mình.
Văn hóa giao thông của nhiều người dân vẫn còn rất kém |
Chừng nào sợ phạt mới đi cho đúng, chừng nào còn tâm lý đối phó thì chừng đấy giao thông còn hỗn loạn. Cảnh sát và các lực lượng chức năng không thể 24/24 đừng ngoài đường mà…canh ý thức người dân. Và hẳn nhiên, điều đó có nghĩa là giao thông chỉ đi vào trật tự từ ý thức và văn hóa người đi đường, khi họ luôn ý thức rằng, đi đúng luật là an toàn cho mình và an toàn cho người khác.
Hôm qua ra đường, tôi dừng lại phỏng vấn một đồng chí Trung tá ở đội CSGT số 6, anh bày tỏ nhiều nỗi niềm, nhất là những áp lực cho lực lượng này khi Nghị định 34 ra đời. Nghị định quy định nhiều hành vi bị xử lý hành chính, từ người đi bộ, đến xe máy, ô tô. Nhưng xe máy lắm thế, hồn nhiên đè vạch, sai làn. Xử làm sao cho xuể? Chưa kể đến việc chưa xử đã bị dân cãi tơi bời vi xót tiền bởi tiền phạt cao gấp nhiều lần. Kiểu như : “Bằng chứng đâu mà bảo tôi sai làn? Người ta sai cả thế, sao chỉ bắt mình tôi…”. Đồng chí Trung tá còn chia sẻ: “Một đội như chúng tôi, vừa điều tiết giao thông, vừa xử lý vi phạm trong lúc có ngần này người, sao xuể”?
Chính thế nên có luật mà sẽ vẫn khó để luật đi vào cuộc sống. Mà vậy thì dân sẽ nhờn, mà nhờn lại tiếp tục vi phạm. Cái triệt để ở đâu? Luật chỉ một phần, còn lại thì mỗi người tham gia giao thông, như đã nói, thiếu văn hóa, không có văn hóa và ý thức chấp hành luật thì dẫu có thay đổi bao lần luật, giao thông vẫn loạn…
Trần Ngọc Hà