Theo Báo cáo Khoa học mới nhất của UNESCO, mặc dù có một số tiến bộ, nhưng vẫn chỉ có 33% các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới là phụ nữ [1]. Sự phát triển này vẫn còn quá chậm, các rào cản quan trọng vẫn tồn tại như một thực tế vô hình trong nghiên cứu. Phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn để được công nhận và tiếp quản các vị trí quản lý cấp cao: Năm 2019, phụ nữ vẫn chỉ chiếm 19% trong số các nhà phát minh [2]; hay trong trí tuệ nhân tạo, một trong những lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến nhất, phụ nữ chỉ chiếm 22% số chuyên gia [3], và không ai trong số những người đoạt Giải Nobel khoa học năm 2021 là nữ. Kể từ khi Giải thưởng này được thành lập vào năm 1901, chỉ có ít hơn 4% người đạt giải Nobel là nữ giới.
Với niềm tin rằng thế giới cần có khoa học và khoa học cần có phụ nữ, Quỹ L'Oréal và UNESCO trong hơn 20 năm qua đã cam kết hỗ trợ sự nghiệp và gỡ bỏ rào cản cho nhà khoa học nữ, vinh danh tài năng của họ và truyền cảm hứng về tình yêu khoa học cho thế hệ kế tiếp.
Mỗi năm, Quỹ L'Oréal và UNESCO tôn vinh 5 nhà nghiên cứu nữ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đến từ 5 khu vực lớn trên thế giới, đồng thời hỗ trợ hơn 250 nhà khoa học nữ trẻ trên toàn thế giới.
Kể từ khi thành lập chương trình “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” vào năm 1998, đã có 122 Nhà khoa học xuất sắc và hơn 3,800 nhà khoa học trẻ tài năng, nghiên cứu sinh và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, đã được vinh danh tại hơn 110 quốc gia và khu vực.
Được bắt đầu từ năm 2009 tại Việt Nam, L’Oreal đã vinh danh 32 nhà khoa học nữ có thành tích khoa học xuất sắc, trong đó có 2 nhà khoa học nữ Việt Nam được ghi tên vào danh sách Nhà khoa học nữ trẻ thế giới trong các năm 2015 và 2017.
Các đề tài nghiên cứu của các Tiến sĩ nữ đa dạng từ nghiên cứu để đi sâu vào những khám phá mới và hướng đi mới trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho đến các nghiên cứu tổng hợp vật liệu mới, thông minh và bảo vệ môi trường, ứng dụng trong đa ngành như y học, vận tải, năng lượng…
Bằng sự đam mê nghiên cứu khoa học, họ đã đẩy lùi biên giới của tri thức để góp phần giải quyết một số thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay, góp phần làm thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về phụ nữ.
Năm 2015, Tiến sĩ Trần Hà Liên Phương, trường Đại học Quốc tế, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trở thành nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được vinh danh nhà khoa học nữ tài năng thế giới L’Oreal - UNESCO International Rising Talent. Năm 2017, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp, trường Đại học Quốc tế, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, một lần nữa ghi tên Việt Nam trong danh sách quốc gia có nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới của giải thưởng danh giá này.
Ở góc độ khu vực, sau khi được vinh danh Nhà khoa học xuất sắc Việt Nam năm 2019 từ giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học, vào năm 2020, ba nhà khoa học nữ của giải thưởng khoa học danh giá này đã được vinh danh ở thứ hạng cao trong top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á bao gồm cả nam giới, đó là PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân - trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hồ Chí Minh, TS. Trần Thị Hồng Hạnh - Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và TS. Phạm Thị Thu Hà – ĐH Tôn Đức Thắng, thành phố Hồ Chí Minh.
Về Quỹ L’Oreal
Fondation L’Oréal hỗ trợ và trao quyền cho phụ nữ và tạo ra sự khác biệt trong xã hội, tập trung vào ba lĩnh vực chính: nghiên cứu khoa học, vẻ đẹp toàn diện và hành động vì khí hậu.
Kể từ năm 1998, chương trình L’Oréal-UNESCO Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học đã giúp trao quyền cho nhiều nhà khoa học nữ vượt qua các rào cản, tham gia giải quyết những thách thức lớn của thời đại, vì lợi ích của cộng đồng. Trong 23 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ hơn 3,800 nhà nghiên cứu nữ đến từ hơn 110 quốc gia và khu vực, vinh danh sự xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ theo đuổi sự nghiệp khoa học.
Với niềm tin vẻ đẹp góp phần vào quá trình xây dựng lại cuộc sống, Quỹ L’Oréal giúp những phụ nữ dễ bị tổn thương nâng cao lòng tự trọng của mình thông qua các liệu pháp chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp miễn phí, đồng thời tạo điều kiện cho những phụ nữ kém may mắn tiếp cận cơ hội việc làm thông qua đào tạo nghề làm đẹp. Trung bình mỗi năm có khoảng 16,000 người được nhận các liệu pháp miễn phí và hơn 18,000 người đã tham gia các khóa đào tạo làm đẹp chuyên nghiệp, kể từ khi bắt đầu chương trình.
[1] Báo cáo Khoa học của UNESCO: “Cuộc chạy đua với thời gian để phát triển nhanh hơn”, UNESCO (2021).
[2] Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, tháng 5 năm 2020, được trích dẫn trong Hình 3.6 của Báo cáo Khoa học UNESCO, năm 2021
[3] Ủy ban châu Âu 2018, báo cáo She.