Ngày của Cha trên thế giới

Ngày của Cha không phổ biến và bị Quốc hội Mỹ bác bỏ những năm đầu thế kỷ XX
Ngày của Cha không phổ biến và bị Quốc hội Mỹ bác bỏ những năm đầu thế kỷ XX
(PLVN) - Không ồn ào và cũng lắm vụng về, tình yêu của cha dành cho con luôn được thể hiện theo cách rất riêng, rất sâu sắc. Chính bởi vậy, thế giới dành một ngày đặc biệt là Ngày của Cha vào mỗi chủ nhật thứ 3 của tháng 6 là ngày để mọi người cùng tôn vinh, gửi lời yêu thương chân thành đến với những người cha đáng kính của mình. 

Nguồn gốc Ngày của Cha

Không nổi bật như Ngày của Mẹ, Ngày của Cha mới chỉ trở nên phổ biến hơn vào đầu thế kỷ XX tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Ngày lễ này cũng không có thời gian cố định, tại mỗi đất nước, mỗi vùng lại có thời gian kỷ niệm khac nhau.

Ở Mỹ hay các quốc gia như Anh, Hungary, Canada,… người dân thường kỷ niệm Ngày của Cha vào chủ nhật thứ 3 của tháng 6, trong khi đó các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Ngày của Cha được tổ chức vào ngày lễ của Thánh Joseph – cha của Chúa Jesus.

Ngày của Cha là ngày mọi người dành thời gian để bày tỏ tình cảm, sự yêu thương và tôn kính đối với người cha của mình, tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của người đàn ông trong gia đình. Thế nhưng, nguồn gốc Ngày của Cha lại bắt nguồn từ thảm kịch ở nước Mỹ vào năm 1907.

Vào cuối năm 1907, người dân miền Tây vùng Virgina đau lòng chứng kiến một thảm họa thương tâm xảy ra đối với các công nhân hầm mỏ Monongah.Vụ nổ hầm đã khiến 362 người tử vong, trong số đó phần lớn là người nhập cư gốc Ý, bao gồm cả trẻ em. Trên thực tế, người ta phát hiện số người tử vong lên tới khoảng 500 người.

Đau lòng hơn, trong số các nạn nhân tử vong, có hơn 200 người đàn ông đã làm cha và phút chốc đẩy hàng trăm đứa trẻ trên nước Mỹ rơi vào cảnh mồ côi cha. Đây được xem là một trong những thảm họa sập hầm mỏ tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nửa năm sau đó, bà Grace Golden Clayton - con gái của một công nhân thiệt mạng trong thảm họa Monogah, vẫn không thể nguôi ngoai nỗi mất mát người thân. Bà đã dành ngày 5/7/1908 để là lễ tưởng niệm với người cha thân yêu và những người cha khác đã mất trong vụ sập hầm. Bà đã lựa chọn ngày chủ nhật gần nhất với ngày sinh của người cha của mình để tổ chức lễ tưởng niệm, bày tỏ nỗi tiếc thương và tôn kính đối với những người cha đã ra đi.

Đây được cho là sự kiện bắt nguồn cho Ngày của Cha trên thế giới. Tuy nhiên thời điểm đó, ngày lễ này không thực sự phổ biến, hoàn toàn bị lu mờ bởi những ngày kỷ niệm khác và không được người dân miền tây Virgina công nhận. Sau đó, ngày lễ này không được tổ chức lại.

Ngày của Cha bắt đầu có sự lan tỏa trong xã hội khi mà bà Sonora Dodd người Spokane, đã tổ chức Ngày của Cha một cách độc lập vào 2 năm sau đó. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, bà Sonora sau khi nghe giảng về Ngày của Mẹ tại nhà thờ đã nghĩ đến việc nên có một ngày lễ kỷ niệm dành riêng cho những người cha.

Sorona Dodd, người được cho là đưa Ngày của Cha trở nên phổ biến hơn tại Mỹ
 Sorona Dodd, người được cho là đưa Ngày của Cha trở nên phổ biến hơn tại Mỹ

Bà dành tình cảm đặc biệt cho người cha của mình, ông William Jackson Smart đã đơn thân chịu cảnh “gà trống nuôi con”, nuôi nấng 6 chị em của bà khi mẹ của bà đã qua đời lúc sinh. Ông là biểu tượng của tấm lòng vị tha, sự hy sinh và tình yêu thương mãnh liệt của một người cha dành cho con của mình. Bởi vậy, vào ngày 19/6/1910, với sự giúp đỡ của các mục sư và Hiệp hội Thanh niên Thiên chúa giáo, Sonora đã tổ chức Ngày của Cha tại trụ sở Hiệp hội Thanh niên Cơ đốc. 

Sau đó, dù liên tục bị Quốc hội Mỹ bác bỏ nhưng Ngày của Cha vẫn được người dân Mỹ tổ chức trong suốt 50 năm. Tới năm 1966, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson quyết định chính thức chọn ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 6 hằng năm là Ngày của Cha trên toàn nước Mỹ. Năm 1972, Tổng thống Richard Nixon ký luật công nhận Ngày của Cha là một ngày lễ chính thống vĩnh viễn.

Ngày của Cha chính thức được công nhận tại Mỹ, nhiều nước khác trên thế giới cũng đồng thuận dành riêng một ngày đặc biệt để kỷ niệm hình ảnh những người cha. Dù không ồn ào nhưng Ngày của Cha được mọi người tổ chức theo những cách riêng, bày tỏ một cách đặc biệt đối với những người cha của mình. Cũng như tình cảm, sự hy sinh của người cha, ngày lễ kỷ niệm này không phô trương nhưng tràn đầy sự chân thành và cảm xúc đặc biệt với những người làm cha trên thế giới.

Ngày của Cha tại các quốc gia trên thế giới

Ở mỗi quốc gia trên thế giới, Ngày của Cha được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau. Là nơi khởi nguồn ngày kỷ niệm này nên Mỹ là quốc gia có Ngày của Cha nổi bật và ấn tượng nhất. Trong ngày này, trẻ con sẽ xuống đường diễu hành, thổi kèn, trống tưng bừng khắp nơi trong niềm vui và hạnh phúc của những người lớn.

Bên cạnh đó họ còn tổ chức cho các em những trò chơi vận động thú vị, tổ chức dã ngoại hay các hoạt động cộng đồng quy mô lớn tại các bang. Với người dân nước Mỹ, Ngày của Cha đã thực sự trở thành ngày lễ lớn, là ngày để họ bày tỏ tình cảm, sự yêu thương, kính trọng đối với người cha của mình. 

Tại Đức, Ngày của Cha là một ngày lễ liên bang (toàn quốc được nghỉ lễ) được tổ chức vào Lễ Thăng thiên (ngày thứ 40 sau lễ Phục sinh, vào tháng 5 hoặc tháng 6), và còn được gọi là Ngày của đàn ông. Theo truyền thống, vào Ngày của Cha, các nhóm nam giới thường thực hiện một chuyến đi bộ đường dài với một toa xe nhỏ gọi là Bollerwagen và kéo bằng sức người. Trong toa xe là rượu hoặc bia kèm theo thực phẩm truyền thống của vùng đó.

Người cha có ý nghĩa quan trọng và đặc biệt với mỗi người
 Người cha có ý nghĩa quan trọng và đặc biệt với mỗi người

Tại Trung Quốc, vào ngày này, những người con thường tặng cho người cha các món quà mang ý nghĩa tinh thần như: một cuộc điện thoại, bùa hộ mệnh,... hay là những món quà thiết thực như: quần áo, thuốc lá, dao cạo, đồng hồ... hoặc đi du lịch và các hoạt động khác.

Tại một số quốc gia khác như Canada hay Nhật Bản, người dân thường tổ chức kỷ niệm Ngày của Cha đơn giản và đầm ấm bằng cách tặng cho cha những món quà như hoa, cà vạt, chocolate và cả gia đình sẽ cùng nhau ra ngoài ăn tối hoặc cùng thưởng thức các buổi biểu diễn, giải trí. 

Ở Việt Nam, Ngày của Cha mới chỉ phổ biến hơn trong những năm gần đây và được nhiều bạn trẻ biết đến rộng rãi. Cũng như một số quốc gia khác, nhiều người thưởng kỷ niệm ngày này bằng cách tự tay nấu những món ăn ngon theo sở thích của người cha và dành những món quà đặc biệt như bức trướng có ghi chữ Thọ, Cha Mẹ,…gửi những lời chúc bình an đến cha mẹ của mình, đặc biệt là đối với người cha.

Trên mạng xã hội, nhiều người cũng chia sẻ những câu chuyện cảm động hoặc kỷ niệm đáng nhớ với người cha của mình, từ đó bày tỏ sự biết ơn, kính trọng sâu sắc đối với người cha của mình.

Theo ông Trần Thắng, đại diện thương hiệu Golden Gift chia sẻ: “Tại Việt Nam, mặc dù Ngày của Cha chưa chính thức trở thành lễ kỷ niệm trên toàn quốc nhưng nhiều bạn trẻ đã hưởng ứng chào mừng. Nhiều người nghỉ phép về quê thăm gia đình, hoặc một món ăn tự tay nấu. Đối với những người ở xa thì có thể là một lời chúc, lời cám ơn từ tận đáy lòng hoặc có thể lựa chọn những món quà ý nghĩa, thiết thực tặng cha”.

Dù mỗi nước có một cách thể hiện khác nhau nhưng Ngày của Cha cũng đều mang ý nghĩa tôn vinh cuộc đời và sự hy sinh mà người cha dành cho con và gia đình của mình. Đối với nhiều người, Ngày của Cha lại trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết bởi tình cảm của cha dù sâu nặng, đong đầy nhưng rất khó để bày tỏ.

Bởi vậy, đây là cơ hội để họ có thể nói ra tình cảm, sự yêu thương và biết ơn của mình đối với người cha, nhắn gửi lời chúc chân thành dành cho cha của mình.Với những người không còn cha, đây cũng là một dịp để họ tưởng nhớ công ơn người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình. Từ đây, họ giáo dục con cái và các thế hệ sau sự kính trọng, biết ơn các thế hệ đi trước.

Triết gia Cicero từng nói: “Trên Trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình”. Ngày của Cha không chỉ là ngày để mọi người bày tỏ tình cảm đối với người cha mà còn là dịp để mỗi người yêu hơn cha của mình, quý trọng hơn những gì cha đã dành cho con và hiểu hơn rằng, phía sau sự nghiêm khắc, lạnh lùng của cha chính là bầu trời yêu thương vô bờ bến, để người ta trân trọng hơn mỗi khoảnh khắc bên cha của mình.  

Tin cùng chuyên mục

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.