Việc các cơ quan quản lý nhà nước “chuyền bóng trách nhiệm” đã tạo ra “môi trường” tốt để tiếp tục đẩy giá gas “leo thang”.
Trả lời báo giới, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết tính đến sáng ngày 1/3, Cục vẫn chưa nhận được văn bản đăng ký giá mới của các doanh nghiệp phân phối gas. Vậy nhưng, trên thị trường giá gas vẫn tăng vùn vụt
Để biện minh cho cuộc đua tăng giá, các DN phân phối gas vẫn “ca bài cũ”: giá gas thế giới tăng. Theo các DN, giá gas thế giới giao vào thời điểm tháng 3/2012 là 1.205 USD/tấn, tăng 180 USD/tấn so với tháng 2/2012. Các DN này còn “đe”: sắp tới giá gas còn tăng nữa.
Thực tế, mức tăng giá gas bán lẻ vừa qua đã lên đến 62.000 đồng/bình. Hiện tại, giá bán lẻ phổ biến của các hãng gas Saigon Petro, Gia Đình gas, Vinagas... giao động từ 477.000 - 480.000 đồng/bình 12kg. Giá Shell gas lên mức 516.000 đồng/bình 12kg; Petrolimex gas là 480.000 đồng/bình 12kg, tăng 45.000 đồng; Total gas là 485.000 đồng/bình 12 kg.
Trước “làn sóng bức xúc” lên cao của người tiêu dùng, đó, trả lời báo giới, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục quản lý giá cho rằng: "Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính về việc quản lý giá gas. Nhưng tại Nghị định 107/2007 về kinh doanh gas quy định rất rõ ràng phải có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và các cơ quan khác. Trong đó, tại Điều 55 đã nêu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công thương để kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá gas".
Về phía Bộ Công thương, tại cuộc họp báo mới đây, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Quản lý thị trường trong nước cho biết: “Gas là một trong những mặt hàng bình ổn giá, phải thực hiện chế độ đăng ký giá qua Sở Tài chính địa phương, hoặc Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), tùy quy mô doanh nghiệp.
Cục Quản lý giá và Sở Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra việc niêm yết giá theo quy định của Nghị định 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá (có hiệu lực từ ngày 15/11/2011)”.
“Quả bóng” trách nhiệm chuyền qua chuyện lại – người tiêu dùng “quá nản” nhưng dưới góc độ DN, có thể coi chính là “môi trường” tốt để tiếp tục đẩy giá “leo thang”.
Giá gas tăng phi mã: “Việc này Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Công Thương” |
Giá tăng vô lối mà vẫn phải cắn răng chịu thì đã đành một nhẽ, nhưng đến chất lượng gas người tiêu dùng cũng bị “bỏ rơi”. Đã có Nghị định 107/2009/NĐ-CP, lại có Nghị định 105/2011/NĐ-CP quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính… thế nhưng trong lúc “nước sôi lửa bỏng” vẫn chưa thấy Bộ Công thương hay Sở Công thương đưa ra được một động thái nào đáng kể.
Về phía Bộ Tài chính cũng không khá hơn. Giá gas tăng từng ngày mà Bộ này vẫn đủng đỉnh giai đoạn khởi động về “nghiên cứu và xây dựng phương án” chỉ đạo Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra giá tại các DN.
Đề xuất hạ thuế nhập khẩu gas xuống 2% thay vì mức 5% như hiện nay cũng “đang được cân nhắc”. Có lẽ bộ này cho rằng, nếu hạ thuế cũng không tác động nhiều đến giá trong nước, giảm chỉ khoảng 7.000 đồng/bình 12kg, vì vậy nên bộ mới “tính chuyện lâu dài”, rằng để bình ổn giá gas, nên có nguồn gas dự trữ để sử dụng mỗi khi thị trường có biến động.
“Việc này Bộ Tài chính sẽ bàn với Bộ Công thương”, lãnh đạo Bộ Tài chính thông tin.
Có lẽ nhìn vào cung cách nói trên của các cơ quan nhà nước nên các DN cũng mạnh dạnh học cách “chuyền bóng”. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas VN phát biểu: để “hạ nhiệt” giá gas trong giai đoạn hiện nay chỉ có thể trông cậy vào sự điều phối của nhà nước!
Mai Hoa