Cạnh tranh không cân sức
Sáng ngày 4/1, Tổng công ty (TCT) Đường sắt Việt Nam (VNR) đã tổ chức Hội nghị Triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2020.
Câu chuyện được nói nhiều nhất là áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với các phương thức vận tải khác, đặc biệt hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc về vận tải hành khách, với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hoá...
“Sự ra đời của các hàng hàng không giá rẻ với nhiều đường bay mới cự lý ngắn và trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn và làm giảm thị phần đường sắt...”- Báo cáo của VNR chỉ rõ.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch CMSC |
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch CMSC đã chia sẻ với những khó khăn của ngành. Bà Hà cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành đường sắt là công tác quản trị, cạnh tranh không cân sức giữa các ngành, điều kiện cơ sở để phát triển còn hạn chế… Đặc biệt, đại diện CMSC cũng lưu ý, đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có dịch vụ bán vé…“Điều này đã tạo nên khó khăn rất lớn cho sự phát triển của ngành đường sắt...”- Đại diện CMSC chia sẻ.
Một loạt khó khăn “riêng có” của ngành đường sắt cũng được chỉ ra là một số văn bản dưới Luật, Nghị định (Luật Đường sắt 2017, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách) chưa hoàn thiện cùng với việc xử lý chuyển tiếp những công việc đang làm còn nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của toàn TCT.
Những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và quản lý, sử dụng đất chưa được giải quyết cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả SXKD của Công ty Mẹ cũng như của toàn TCT…
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) VNR, ông Vũ Anh Minh cũng nêu lên một thực tế là vốn đầu tư cho hạ tầng đường sắt còn hạn hẹp nên chưa có sự đột phá về chất lượng, năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt,… Những khó khăn này mặc dù không mới, nhưng đó là sự cạnh tranh không cân sức.
Dẫn giải 1 ví dụ về những khó khăn trong bối cảnh hiện nay liên quan đến sự vướng mắc trong cơ chế đầu tư là thực trạng ga Sông Lũy khi ga này cần 30 tỷ đồng để đầu tư với mục tiêu tăng doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, nhưng lại không thể triển khai được vì Nhà nước không có vốn, nhưng doanh nghiệp có vốn thì lại không thể bỏ tiền ra đầu tư.
“Năm 2019 vừa qua là 1 trong 3 giai đoạn khó khăn nhất của ngành Đường sắt, gồm năm 1979, 1984 và 2019. Trong năm qua, TCT chưa đạt được kết quả như kỳ vọng…”- Chủ tịch HĐTV VNR thẳng thắn.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR |
Theo Báo cáo VNR, trong năm 2019 vừa qua, sản lượng toàn TCT đạt trên 8,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 100,5% so với cùng kỳ, bằng 98,1% so với kế hoạch. Doanh thu đạt gần 8,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 100% so với cùng kỳ, bằng 97,2% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động đạt 9,12 triệu đồng/người/tháng.
Cần vốn, cơ chế để thay đổi cơ bản về hạ tầng
Chủ tịch HĐTV VNR ông Vũ Anh Minh, cho biết, đường sắt có đặc thù lớn so với các loại hình giao thông. Vấn đề khó nhất của ngành đường sắt là thay đổi tư duy, nhìn nhận của xã hội về vai trò của ngành. Đầu tư cho ngành đường sắt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên chưa tương xứng.
'Ngành đường sắt tin tưởng sẽ thay đổi được nhìn nhận của xã hội về một phương thức vận tải chủ đạo nhưng không phải một sớm một chiều mà cần thời gian, tinh thần đoàn kết, kiên trì với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành…”- ông Minh bày tỏ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2020 được đề cập đến tại Hội nghị là ngành sẽ tăng cường quan hệ, mở rộng hợp tác kêu gọi nguồn vốn vay ưu đãi từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế để mua sắm trang thiệt bị, vật tư hiện đại hóa, cơ gioái hóa công tác quản lý, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng đường sắt, điều hành giao thông vận tải, chế tạo, sửa chữa, bảo dường đầu máy toa xe cũng như kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cùng hợp tác phát triển các cơ sở công nghiệp đường sắt của TCT.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch CMSC cũng cho biết, CMSC đã làm việc với VNR đề ra chỉ tiêu SXKD cho TCT. Bà Hà cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ban, ngành, hỗ trợ VNR, sớm trình Chính phủ đề án về kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, có thêm các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển ngành trong những năm tới.
“Điều cấp thiết hiện nay là những thay đổi cơ bản về mặt hạ tầng, tạo đà cho những chiến lược phát triển trong tương lai. Khó khăn được nhận diện, được dự báo trước nghĩa là chúng ta đã nhìn nhận với một tâm thế chủ động và tích cực để có những giải pháp phù hợp…”- Chủ tịch HĐTV VNR, ông Vũ Anh Minh bày tỏ.