Ngân hàng - Fintech “bắt tay” chuyển đổi số

Ứng dụng akaBot của FPT Software giúp cho TPBank tiết kiệm nhân sự.
Ứng dụng akaBot của FPT Software giúp cho TPBank tiết kiệm nhân sự.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với nhiều hội thảo chuyên đề như: Tương lai Fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới; Xu thế và giải pháp công nghệ mới về dữ liệu và nền tảng số trong tiến trình chuyển đối số ngân hàng… Diễn đàn cấp cao về Chuyển đổi số Ngân hàng – Smart Banking 2022 vừa diễn ra là “sân chơi” cho các ngân hàng và fintech tìm đến với nhau.

Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số

Là Diễn đàn thường niên của ngành Ngân hàng, song theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua mỗi kỳ Diễn đàn cho thấy sự bứt phá của các ngân hàng đem đến nhiều tiện ích cho người dùng. “Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ, từ công tác kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn và được đánh giá là một trong những lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia” - Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

Theo Phó Thống đốc, các kết quả đạt được thể hiện qua một số số liệu thực tế như: Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số (như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...); Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; Các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý; Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân.

Nhiều xu hướng công nghệ mới

Với 4 hội thảo chuyên đề: Tương lai Fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới; Xu thế và giải pháp công nghệ mới về dữ liệu và nền tảng số trong tiến trình chuyển đối số ngân hàng; Phát triển dịch vụ ngân hàng số: Xu thế và giải pháp công nghệ mới; Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng hoạt động ngân hàng trong kỷ nguyên số…, Diễn đàn là “sân chơi” cho các ngân hàng và fintech tìm đến với nhau.

Theo Vụ Thanh toán - NHNN, số lượng các DN Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam hiện đã tăng gần 4 lần, từ 40 DN tại thời điểm cuối năm 2016. Bên cạnh đó, tính đến ngày 16/11/2021, có 46 tổ chức phi ngân hàng đã được NHNN cấp phép để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán, hỗ trợ chuyển tiền kiều hối, hỗ trợ thu hộ/chi hộ, ví điện tử…

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech trong thời gian qua chắc chắn là một thách thức đối với các ngân hàng truyền thống. “Cập nhật xu hướng phát triển của thế giới, ngành Ngân hàng Việt Nam đã và đang tích cực chuyển đổi mô hình sang ngân hàng số. Và để triển khai được mô hình ngân hàng số, đòi hỏi phải có sự phối hợp cùng các công ty Fintech trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng” - Tổng Thư ký VNBA nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank nhấn mạnh bài học chuyển đổi số toàn diện của TPBank đến từ bốn chiến lược số hóa trọng tâm: Sản phẩm và Dịch vụ, Mô hình kinh doanh, Tổ chức Vận hành, Quản trị rủi ro. Đơn cử việc đổi mới số Tổ chức Vận hành và quy trình, TPBank chia sẻ câu chuyện thành công của việc ứng dụng giải pháp tự động hóa bằng robot akaBot. TP Bank hiện là khách hàng lớn nhất của akaBot với gần 500 robot chạy ngầm tự động hoá các quy trình vận hành nội bộ lặp đi lặp lại trong hệ thống, hoạt động 24/7. 20% trong số đó là robot tự động hóa tích hợp công nghệ AI, OCR (nhận diện ký tự và hình ảnh), IPD (xử lý văn bản thông minh)... giúp ngân hàng tiết kiệm nhân sự, tăng cường trải nghiệm, nâng cao năng suất lao động của nhóm nhân viên tín dụng và giao dịch với thời gian giải ngân vay, thời gian giao dịch tại quầy.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank chia sẻ VPBank đã hợp tác với BE Group để tạo ra hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ các dịch vụ tài chính như chuyển tiền, vay tiền, tiết kiệm, đầu tư, thẻ tín dụng… tới nhu cầu khác như vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn, đặt vé máy bay và các giá trị gia tăng khác. Đến nay, chỉ trong vòng 20 tháng, ngân hàng số này đã có 2,3 triệu khách hàng - con số ấn tượng trong một thời gian ngắn kỷ lục nếu so với ngân hàng truyền thống.

“Chính các công ty Fintech là động lực khiến các ngân hàng thương mại chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe hơn của khách hàng, từ đó thu hút các khách hàng mới và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng” - TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA nhận định.

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…