Phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Ngăn chặn “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động đấu thầu

Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
(PLVN) -  Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng, trục lợi. Do vậy, các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cần hướng hoạt động vào mảng đấu thầu để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, cần quy định đảm bảo công khai để tránh những khoảng trống, kẽ hở có thể “lách luật”.

Nhiều sai phạm trong hoạt động đấu thầu

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 trình bày tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022, đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%; 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Báo cáo nhấn mạnh về sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

Báo cáo của Chính phủ dẫn chứng các vụ việc như vụ Công ty Việt Á; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố 5 đối tượng chia nhỏ gói thầu, lập chứng từ mua bán thiết bị giáo dục gây thiệt hại 15 tỷ đồng; Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lương Sơn; Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ Công ty Việt Á, cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 diễn ra chiều 1/12, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin, đến thời điểm đó, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã khởi tố, bắt, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 29 bị can. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, ngăn chặn tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản và tạm giữ số tiền mà một số bị can tự nguyện nộp lại cho cơ quan điều tra là 1.700 tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều “đại án” liên quan đến những vi phạm trong hoạt động đấu thầu cũng đã được mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng của các bị can, bị cáo để xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình như vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Rửa tiền; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội)…

Nguy cơ tham nhũng, trục lợi từ những chiêu trò “lách luật”

Tham gia thảo luận về công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại kỳ họp, qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, phản ánh 5 chiêu trò “lách luật” phổ biến trong hoạt động này.

Thứ nhất là tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu. “Lợi dụng các quy định về chia tách hoặc gộp gói thầu, có những trường hợp chia nhỏ các gói thầu theo kiểu chia phần để mỗi nhà thầu thân hữu trúng một phần. Hoặc có trường hợp gom nhiều gói thầu nhỏ khác nhau lại để tạo thành một gói thầu hết sức phức tạp mà chỉ có một doanh nghiệp cụ thể mới có thể đáp ứng được, để từ đó tránh được những thủ tục đấu thầu thực sự cạnh tranh”, đại biểu cho hay.

Thứ hai là cài cắm các điều khoản hướng thầu để “cài thầu quen, chèn thầu lạ”. Theo Đại biểu, quy định về hồ sơ mời thầu là để nhằm chọn được những nhà thầu tốt nhất, đáp ứng yêu cầu đặt ra nhưng nếu có ý đồ, đây lại chính là những chốt chặn để loại bỏ những nhà thầu không mong muốn. “Trả lời phỏng vấn của báo chí liên quan đến một số vụ án vi phạm các quy định trong hoạt động đấu thầu vừa qua, đại diện các cơ quan tố tụng cho biết là ngay từ đầu các đối tượng đã có sự bắt tay ngầm, “đi đêm” để chuyển cho nhau những thiết bị cần bán, thông đồng với nhau về các tiêu chí kỹ thuật và thậm chí còn cùng nhau xây dựng hồ sơ mời thầu”, Đại biểu nhấn mạnh.

Thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, vây thầu là chiêu trò thứ 3 được Đại biểu chỉ rõ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, có tình trạng một số nhà thầu chuyên đi dự thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho một nhà thầu đã định sẵn trúng thầu. Bên cạnh đó, còn có tình trạng, bên mời thầu là chủ đầu tư đã tiếp tay, biến cuộc đấu thầu thành một vở kịch với sự tham gia của những “quân xanh, quân đỏ”. Theo Đại biểu, hệ lụy của tình trạng này khiến cho dư luận nghi ngại, khiến cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính không được cạnh tranh một cách sòng phẳng và mất đi cơ hội đầu tư, kinh doanh, đặc biệt đó là mất đi tiền của Nhà nước và để lại những công trình, dự án kém chất lượng.

Chiêu trò thứ tư là tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu. “Từ các vụ án vừa qua cho thấy, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình, chỉ khi đi sâu vào phá án thì mới phát hiện được sự móc ngoặc một cách tinh vi giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu đã “thổi giá” tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực thông qua các chứng thư thẩm định”, Đại biểu phân tích. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu cũng là vấn đề được Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề cập. “Pháp luật hiện hành trong từng công đoạn đấu thầu đã có một số quy định về công khai nhưng chưa chặt chẽ, thậm chí còn những khoảng trống, kẽ hở dẫn đến việc có thể “lách luật” như trong thời gian vừa qua”, Đại biểu nhận định và nhấn mạnh, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật, tình trạng “lách” các quy định pháp luật như nêu trên đều có thể tiềm ẩn hoặc hướng tới nguy cơ tham nhũng, trục lợi.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận của QH về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, thực tiễn vừa qua cho thấy, hành vi thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm các tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, can thiệp bất hợp pháp vào quá trình đấu thầu, chia nhỏ các gói thầu để chỉ định… đang diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Theo Bộ trưởng, bên cạnh một số nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện, trong các quy định pháp luật cũng còn chưa đầy đủ và chặt chẽ về vấn đề này.

Tăng cường thanh tra, đảm bảo công khai trong hoạt động đấu thầu

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định, hoạt động đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. “Liên tiếp các vụ việc sai phạm trong đấu thầu vừa qua bị khởi tố đã phản ánh một phần thực tế này”, Đại biểu nêu rõ. Từ đó, Đại biểu kiến nghị các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát các quy định để bảo đảm thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện được dự thầu; danh sách và năng lực của những nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả trúng thầu; kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu. “Công khai sẽ được xem là giải pháp của mọi giải pháp, sẽ rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng “đi đêm” trong đấu thầu vừa qua”, Đại biểu nói.

Góp ý về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, hạn chế lớn nhất trong đấu thầu thời gian vừa qua là số lượng người tham gia dự thầu rất ít, mà nguyên nhân chính có thể là do thông tin đã được cài cắm trong hồ sơ mời thầu. Do vậy, Đại biểu đề quy định rất rõ ràng, cụ thể để tránh tình trạng này. Còn Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị chỉ nên quy định áp dụng ưu đãi trong việc chọn thầu đối với một số hàng hóa đặc thù, hàng hóa khuyến khích sản xuất trong nước. “Cần phải rõ ràng về những nội dung ưu đãi để chọn nhà thầu đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, tránh lợi dụng, thông đồng có thể dẫn đến tiêu cực”, Đại biểu nêu quan điểm.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu.

Về hành vi cấm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ luật Hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu; quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, vì trên thực tế việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...