Những qui định đảm bảo sự an toàn cho hoạt động tín dụng là mối quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều ngày 22/5 về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
An toàn tín dụng: Bao nhiêu và như thế nào? |
Dự thảo luật đưa ra các quy định về hạn chế tỷ lệ góp vốn theo hướng một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (TCTD); một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD; cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD.
Vì vậy, có ĐB đề nghị cần quy định rõ trong Luật điều kiện, tỷ lệ nắm giữ cổ phần các TCTD Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù Báo cáo thẩm tra cho rằng vấn đề này sẽ giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm sự linh hoạt trong điều hành cũng như tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của nhà đầu tư.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền nhấn mạnh đến an toàn hệ thống trong hoạt động của các TCTD.
Đặc biệt trong dự Luật cần có những quy định ngăn chặn được các cơ hội cũng như hành vi lũng đoạn của nhóm cá nhân, tổ chức thao túng hoạt động của TCTD, gây rủi ro cho an toàn của hệ thống ngân hàng. Nhiều đại biểu tán thành chủ trương hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một TCTD.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đánh giá, việc đưa ra những quy định mới này sẽ hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng.
Về việc cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác (khoản 6 Điều 103), có đại biểu không tán thành vì cho rằng việc sở hữu vốn đan chéo lẫn nhau trong khu vực ngân hàng làm tăng nguy cơ rủi ro hệ thống.
Trong khi có ý kiến cho rằng, quy định này là cần thiết, làm tiền đề cho việc sáp nhập nhằm nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng nhưng phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ do Ngân hàng nhà nước quy định.
Còn ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, tỷ lệ quy định ngân hàng thương mại được góp vốn mua cổ phần cần được luật hóa. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu nói: “Việc góp vốn cổ phần của ngân hàng thương mại vào tổ chức tín dụng khác, trước đây chúng tôi đề nghị không cho phép. Sau nhiều lần thảo luận, chúng tôi đồng ý cho phép, nhưng cần có văn bản quy định rất cụ thể”.
Theo dự thảo Luật, các quy định liên quan đến hoạt động của TCTD cũng đã được chỉnh lý để mở rộng phạm vi hoạt động của ngân hàng thương mại. Theo đó, đối với các ngân hàng thương mại, ngay khi được cấp phép thành lập và hoạt động có thể được thực hiện ngay 20 nhóm hoạt động kinh doanh.
Chỉ có 6 nhóm hoạt động kinh doanh có nhiều rủi ro phải xin phép để được hoạt động. ĐB Cao Sỹ Kiêm đánh giá, những quy định của dự luật đã tạo điều kiện cho TCTD tự chủ năng động hơn và sự giám sát cũng chặt hơn.
Trước đề nghị của nhiều đại biểu QH cho rằng, cần phải có hướng dẫn dưới luật của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước do dự thảo luật lần này chưa đủ chi tiết để thực hiện, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên kết luận, những quy định mang tính khung là những vấn đề đã thể hiện rõ trong cuộc sống thì chúng ta đưa vào luật, những vấn đề chưa khẳng định được thì đưa vào quyền hạn điều chỉnh của Chính phủ để điều chỉnh dễ dàng hơn. QH sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh dự thảo luật./.
Huy Anh