Tại hội nghị, 4.000 đại biểu và 800 tổ chức tham dự đã thảo luận về cách thức cấp vốn để khuyến khích các quốc gia hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm, cũng như cách thức hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu như siêu bão, nước biển dâng...
Thêm nhiều cam kết, dự án, sáng kiến
Hội nghị đã nêu bật 3 mục tiêu gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, huy động tài chính công và tư. Đây là các nội dung then chốt được nhấn mạnh trong các bài phát biểu của 3 đồng chủ tịch, gồm Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Tổng thống nước chủ nhà Macron cảnh báo: "Chúng ta đang thua trong cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu. Theo ông Macron, chúng ta "tiến chưa đủ nhanh" và đó là "một thảm họa". Ông nhấn mạnh: "Tất cả đều phải nỗ lực vì tất cả chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm". Tổng thống Pháp nhận định 2 năm sau khi đặt ra mục tiêu về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, những gì đã làm được vẫn còn quá ít.
Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh cần phải làm tất cả để các nước giàu tôn trọng cam kết của họ là tài trợ 100 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020 cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến toàn cầu này.
Trong khi đó, Chủ tịch WB Kim tuyên bố sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án thăm dò, khai thác dầu khí kể từ năm 2019, nhằm khuyến khích nỗ lực toàn cầu chuyển sang "nền kinh tế sạch" và kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất.
Kết thúc hội nghị, 12 dự án tài trợ đã được công bố, tập trung vào những ưu tiên tiến tới chuyển đổi và phát triển carbon thấp; tăng cường thích ứng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đoàn kết và nâng cao năng lực của các quốc gia, nhất là các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, một nhóm gồm 225 nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm tập đoàn ngân hàng HSBC và tập đoàn bảo hiểm Pháp AXA cũng đã khởi động sáng kiến "Hành động vì Khí hậu 100+". Sáng kiến này sẽ kéo dài 5 năm, nhằm giám sát hành động của 100 tập đoàn thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất. Trong số các doanh nghiệp mà sáng kiến trên nhằm vào có các tập đoàn năng lượng lớn như BP, Chevron và Coal India, các tập đoàn trong lĩnh vực vận tải nhơ Aibus, Ford, Volkwagen và các tập đoàn khai mỏ, thép như ArcelorMittal, BHP, Bilition và Glencore.
Bên cạnh cam kết của các tập đoàn kinh tế, nhiều quốc gia và tổ chức cũng nâng mức đóng góp tài chính. Tỷ phú Mỹ Bill Gates công bố sẽ thành lập một Quỹ với số tiền 600 triệu USD nhằm giúp các quốc gia châu Á và châu Phi thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Quỹ này sẽ có sự tham gia của Liên minh châu Âu và Pháp để nâng lên mức 1 tỷ USD.
Còn nhiều thách thức
Với hy vọng đạt được một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu mang tính lịch sử, đã nhiều lần các nhà đàm phán quốc tế gặp nhau tại các hội nghị về Biến đổi khí hậu (COP) hàng năm của LHQ, nhưng đã phải ra về trong thất vọng. Trong đó, thất bại của hội nghị COP15, tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch vào năm 2009, đã để lại vị đắng khó quên với các nhà đàm phán và phần nào làm giảm ý chí của những người luôn nỗ lực phấn đấu vì một môi trường sống bền vững. Tại hội nghị COP17 ở Durban, Nam Phi năm 2011, các nhà lãnh đạo thế giới thêm một lần nữa lại bỏ lỡ cơ hội, không thể đạt được một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào cuối tháng 12-2012, trong khi những tác động của biến đổi khí hậu đã chạm ngưỡng đáng báo động.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, ngày 12-12-2015, 195 nước tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đạt nhất trí về Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, theo đó cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đặt mục tiêu toàn cầm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp. Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn. Thỏa thuận này cũng ghi nhận cam kết của các nước phát triển đóng góp 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, ngày 1-6-2017, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu vì cho rằng hiệp định này không có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ và làm cho nhiều người lao động Mỹ bị mất việc làm. Với việc tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris, Tổng thống Trump đã bỏ ngang cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm lượng khí thải xuống thấp hơn so với năm 2005 là 26% - 28% do chính quyền tiền nhiệm đưa ra. Ngoài ra, khoản viện trợ 2,5 tỷ USD mà Mỹ cam kết dành cho các quốc gia nghèo hơn để thích nghi với biến đổi khí hậu và đối phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng không còn.
Thực tế cho thấy, WB là tổ chức tài chính có sứ mệnh lớn trong việc cung cấp vốn và các khoản tài chính khác nhằm viện trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia đang phát triển. Đối với các dự án khí hậu, theo thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2016, WB đã đầu tư hơn 60 tỷ USD vào hơn 1.000 dự án để giúp các nước thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Đầu năm 2017, thông qua Tập đoàn Tài chính quốc tế (FC), WB đã lên kế hoạch phối hợp với Tập đoàn Amundi, nhà quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, đầu tư tới 325 triệu USD vào "Quỹ Trái phiếu nền tảng xanh". Đây là quỹ trái phiếu xanh có quy mô lớn nhất từ trước tới nay dành cho các thị trường mới nổi để mở rộng và tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu. Trong năm 2017, thể chế tài chính này cũng hỗ trợ 13 tỷ USD cho hơn 200 sáng kiến liên quan đến khí hậu đồng thời cam kết tăng ngân sách cho các dự án khí hậu lên 28% vào năm 2020.
Thế nhưng, giới quan sát nhận định sẽ cần phải đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào công nghệ năng lượng sạch mới có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris, duy trì mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng ước tính từ nay đến năm 2050 sẽ cần khoản đầu tư lên tới 3.500 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng sạch để đạt được mục tiêu trên, gấp đôi so với con số chi tiêu hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt tài chính lâu nay luôn là một vấn đề gây trở ngại đối với nỗ lực của toàn thế giới nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tình trạng này trở nên đáng ngại hơn khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris cũng như ngừng góp vốn cho các dự án chống biến đổi khí hậu. Sau khi Mỹ, một trong những nước thải khí nhiều nhất, rút khỏi Hiệp định Paris, Tổng thống Pháp Macron cam kết tiếp tục cuộc chiến chống tình trạng xuống cấp khí hậu, gây hạn hán, làm nước biển tăng, mưa lớn, lũ lụt... Với thông điệp "Làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại", khởi động từ tháng 6 vừa qua, nhà lãnh đạo Pháp đã mời các nhà khoa học, giáo sư, chủ doanh nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu cùng chung tay chống lại sự nóng lên của toàn cầu.
Với việc công bố 12 dự án được tài trợ, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mang tên "Một Hành tinh" là cơ hội để các nước đạt được những bước tiến cụ thể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thậm chí cả khi không có sự hỗ trợ của Mỹ./.