Tỉnh Đồng Nai quyết định rút giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án “siêu khủng” 2 tỷ USD - Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch - gần như cùng thời điểm với việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành giấy mời hội thảo tổng kết kinh nghiệm 25 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Câu chuyện tại Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch một lần nữa gợi nhớ đến một thời kỳ cả nước háo hức với những con số tỷ đô, những dự án đầu tư nước ngoài (FDI) hàng “khủng” vào bất động sản. Để rồi, chẳng mấy chốc sau những lễ khởi công rình rang trống khua cờ mở, những “thành phố trong mơ” rốt cuộc cũng chỉ là trong mơ.
Như PLVN đã đưa, dự án xây dựng khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch, được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Berjaya Leisure (Cayman) Ltd, công ty con của tập đoàn Bejaya Malaysia. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án được triển khai trên khu đất rộng 600 ha thuộc các xã Long Tân, Vĩnh Thanh, Phước An huyện Nhơn Trạch.
Đây là dự án đầu tư thứ hai của Berjaya trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được cấp phép và cũng là dự án đầu tư có vốn nước ngoài lớn nhất ở Đồng Nai tính từ trước đến nay. Tuy nhiên, cho đến nay đã quá thời hạn 12 tháng theo luật định mà chủ đầu tư vẫn không triển khai, đồng thời cũng không làm thủ tục xin gia hạn.
Khó khăn tài chính vì khủng hoảng kinh tế thế giới là nguyên nhân dễ nhất thường được viện dẫn mỗi khi dự án chậm triển khai và bị thu hồi, nhưng có một nguyên nhân khác, thường bị lảng tránh, đó là việc cấp thẩm quyền đã không thẩm định kỹ năng lực chủ đầu tư trước khi cấp giấy phép. Không chỉ Đồng Nai phải giải quyết hậu quả bởi “những tỷ phú bùng”. Phú Yên cũng từng bị cho “leo cây”...
Chính thức vào tháng 2/2011, Tỉnh ủy Phú Yên đã phải làm văn bản trình Bộ Chính trị đề nghị cho dừng dự án của Tập đoàn Sama Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất – UAE), một dự án được ví như “tiểu Dubai” tại Việt Nam. Nguyên nhân cũng vì Tập đoàn Sama Dubai “chịu thiệt hại do suy thoái kinh tế” nên đã qua nhiều năm mà không triển khai. Trước đó, dự án này đã khiến dư luận cả nước “choáng váng” khi công bố tổng vốn đầu tư lên tới 250 tỷ USD.
Mỗi tỉnh, thành là một “vương quốc”
Nhìn lại 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài, cho dù giờ đây, đã có những sự chuyển biến tích cực về chất lượng dự án nhưng có thể thấy đóng góp của khu vực FDI vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay chuyển giao công nghệ rõ ràng là chưa được như kỳ vọng.
Nói riêng như công nghiệp điện tử, dù khá phát triển trong những năm qua, song phân tích ra thì lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện điện tử chỉ chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư của ngành, không đủ mạnh để cung ứng linh kiện cho lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng chiếm 67% và điện tử chuyên dụng 11,5% tổng vốn đầu tư. Việt Nam cũng chưa sản xuất được những linh kiện đòi hỏi trình độ công nghệ cao như các linh kiện bán dẫn, linh kiện cơ khí điện tử, quang điện tử…
Hay như ngành dệt may - niềm tự hào xuất khẩu của Việt Nam, cho đến nay hầu hết các dây chuyền và thiết bị sản xuất đều phải nhập của Hàn Quốc và Đài Loan. Các loại vải, sợi chúng ta vẫn nhập khẩu phần lớn. Toàn bộ số thuốc nhuộm hiện sử dụng đều phải nhập khẩu.
Theo giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tình trạng phổ biến của cả nước là, trên 300 khu công nghiệp có cơ cấu sản xuất na ná như nhau, 15 khu kinh tế không có sự khác biệt nhiều lắm.
Nếu nhìn rộng ra cơ cấu kinh tế từng địa phương thì mỗi tỉnh, thành phố của nước ta là một “vương quốc” có đủ cảng biển, nhiều nơi đã có hoặc sắp có cảng hàng không, sản xuất từ sắt thép đến quần áo, dày dép, xi măng, nhưng lại chưa hình thành được kinh tế vùng lãnh thổ - yếu tố cấu thành nền kinh tế quốc dân có năng lực cạnh tranh cao…
Mai Hoa