Tham dự Diễn đàn có ông Bùi Hoàng Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương; bà Khương Thị Thanh Huyền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp; ông Trịnh Xuân Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối, Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Thị Phương Liên, Trưởng phòng Công tác pháp chế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành, đoàn viên, thanh niên làm công tác pháp chế tại các ban, bộ, ngành trực thuộc Khối và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Bùi Hoàng Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quốc hội khóa XIII thông qua ngày 22/6/2015 đã quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm thống nhất quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Bùi Hoàng Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Sau gần 05 năm thi hành Luật, ngày 18/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thông pháp luật trong tình hình mới. Tại thời điểm đó, các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên các bộ, ngành đã tập trung triển khai công tác phổ biến và cụ thể hóa các nội dung của Luật một cách đồng bộ, giúp cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, thanh niên làm công tác pháp chế hiểu đúng, cơ bản và đầy đủ về Luật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện, các đoàn viên, thanh niên vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.
Ông Bùi Hoàng Tùng nhấn mạnh, Diễn đàn là cơ hội để nắm bắt thực trạng về công tác xây dựng, góp ý và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của đoàn viên, thanh niên các đơn vị, nhận diện lợi thế, cơ hội của đoàn viên, thanh niên đóng góp trong việc cải thiện khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế nói chung và công tác góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.
Ông Bùi Hoàng Tùng và đại diện Cụm thi đua số 1 Đoàn khối các cơ quan Trung ương tặng hoa nhân Ngày Pháp luật Việt Nam. |
Thay mặt Ban Thường vụ Đoàn Khối, ông Tùng biểu dương Cụm thi đua số 01 và Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp đối với các hoạt động của đoàn thanh niên. Đồng thời mong muốn, trong thời gian tới, các đơn vị trong Cụm thi đua số 01 sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động để triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ Khối trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn gắn với chương trình, hoạt động của đoàn, tạo cơ hội cho đoàn viên, thanh niên tham gia sâu hơn vào công tác xây dựng pháp luật.
Tại Diễn đàn, thông qua tham luận của đại diện các chi đoàn thuộc Khối pháp chế các bộ, ngành, đoàn viên, thanh niên đã nhận diện được một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, góp ý và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.
Như: Các dự án luật được giao cho đoàn viên, thanh niên chủ trì soạn thảo không nhiều, chủ yếu tham gia vào việc góp ý, vì vậy, không có điều kiện để va chạm, thực hiện các công tác về xây dựng pháp luật; đoàn viên, thanh niên là công chức trẻ nên quá trình xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật chưa có độ “chín” trong chuyên môn; khối lượng công việc ngày càng nhiều, tính chất công việc ngày càng phức tạp với yêu cầu tiến độ hết sức khẩn trương, các nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện công tác chưa thực sự tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi, tính chất công việc…
Bà Cao Lê Thanh Hương, Ủy viên BCH Đoàn Bộ phát biểu tại Diễn đàn. |
Từ đó, đại diện các chi đoàn thuộc Khối pháp chế các bộ, ngành đã đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật với sự tham gia của đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp.
Cụ thể là: Tiếp tục đề cao vai trò của đoàn viên, thanh niên trong công tác xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật để trau dồi kiến thức chuyên môn và nâng cao kỹ năng xử lý công việc; tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên tiếp cận những vấn đề mới, vấn đề cần những cách làm, giải pháp sáng tạo, đột phá để phát huy hết khả năng của đoàn viên; mạnh dạn đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường khuyến khích đoàn viên, thanh niên năng động, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tạo ra nhiều diễn đàn để đoàn viên, thanh niên được nói lên tiếng nói của mình; đẩy mạnh ứng dụng, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin trong công tác pháp chế, tuyên truyền, phổ biến pháp luật…
Ngoài ra, các đoàn viên, thanh niên tham dự đã trao đổi một số kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế nói chung và công tác góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.