Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn nêu rõ thi hành án là khâu cuối cùng để hiện thực hóa các quyết định, bản án của tòa án, góp phần đảm bảo cho pháp luật được thực thi một cách công bằng trong xã hội. Bên cạnh các thuận lợi nhờ công tác xây dựng thể chế về THADS đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thì thực tiễn thi hành án còn bộc lộ rất nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh tinh giản biên chế như hiện nay.
Đại diện Báo Pháp luật Việt Nam đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Báo Pháp luật Việt Nam, đánh giá quá trình cộng tác với các địa phương và kỹ năng thu thập nội dung, viết bài cho Báo. Báo Pháp luật Việt Nam mong muốn, thời gian tới các địa phương sẽ tiếp tục cộng tác, tăng cường các tin, bài về công tác vận động, thuyết phục, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác thi hành án, các gương sáng, điển hình, cách làm hay...
Bên cạnh sự giám sát của các cơ quan chức năng thì công tác THADS ngày càng nhận được sự quan tâm và chịu sự giám sát chặt chẽ của người dân và xã hội nên đòi hỏi người làm công tác này phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng cùng các kỹ năng cần thiết để đảm bảo hiệu quả công việc và kịp thời xử lý các vấn đề khi phát sinh. Một khó khăn khác phải kể đến đó là đặc thù của công tác THADS liên quan tới lợi ích của nhiều bên, các lợi ích đối nghịch nhau nên dễ xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo, gây ra nhiều thông tin không đúng, một chiều, ảnh hưởng đến mặt công tác trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Ông Sơn khẳng định, thời gian qua, hoạt động báo chí, truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc phản ánh kịp thời kết quả các mặt công tác THADS, từ đó góp phần định hướng thông tin dư luận, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo cho công tác thi hành án phát triển bền vững. Việc áp dụng Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin của Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương đã dần đi vào nền nếp và từng bước được chuyên nghiệp hóa, giúp kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ công chức, cán bộ toàn hệ thống. Từ đó, tạo tính chủ động trong cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, đảm bảo thông tin đầy đủ, khách quan, góp phần xây dựng hình ảnh hệ thống THADS “kỷ cương, trách nhiệm, tin cậy và thân thiện”.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác phối hợp với cơ quan báo chí vẫn chưa thực sự tốt, việc cung cấp thông tin báo chí còn hạn chế, do thiếu kỹ năng và sự tự tin nên người phát ngôn ở một số địa phương còn có tâm lý e dè, né tránh. Công tác theo dõi, xử lý thông tin báo chí có chuyển biến nhưng vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, lúng túng, phản hồi chậm, công tác cải chính thông tin báo chí chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Song, nhìn nhận một cách khách quan thì một số địa phương vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của các cơ quan báo chí, vẫn còn các bài viết phản ánh thiếu chiều sâu, đôi khi phiến diện, một chiều, thiên lệch về phản ánh các vấn đề tiêu cực, còn thiếu nhiều bài viết về tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay… Do đó, Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương hy vọng thời gian tới sẽ nhận được sự đồng hành, hợp tác mang tính gợi mở hơn từ các cơ quan báo chí và truyền thông để đưa công tác THADS ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội.
Sau khi lắng nghe các báo cáo viên trình bày, các địa phương đã đặt ra nhiều câu hỏi và sôi nổi trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan tới người phát ngôn, cách thức cung cấp thông tin báo chí, tổ chức họp báo, cách thức xử lý khủng hoảng truyền thông…