Để nâng cao hiệu quả trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, các cấp, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; Kế hoạch số 26 ngày 12/02/2014 của Bộ Công an về thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13. Kế hoạch số 26 đã xác định được mục đích, nhiệm vụ trọng tâm và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 63/2013 của Quốc hội; Chỉ thị số 08/2005/CT-BCA ngày 10/10/2005 về việc khắc phục tình trạng làm oan người vô tội trong các vụ án hình sự và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ Công an có liên quan.
Chỉ thị số 06/2008/CT - BCA ngày 09/7/2008 về khắc phục sơ hở, thiếu sót, chấn chỉnh sai phạm trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng Công an nhân dân và Chỉ thị số 12/CT - BCA ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân. Đồng thời hàng năm có xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm của các lực lượng có liên quan. Qua công tác kiểm tra đều đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo các giải pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, thiếu sót.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra các cấp với Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Liên đoàn Luật sư và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc chuyển giao, thu thập chứng cứ, xử lý vụ án hình sự đang ngày càng được củng cố chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, đặc biệt phòng chống tình trạng bức cung, dùng nhục hình. Mọi hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra đều được đặt trong sự kiểm sát chặt chẽ của Viện kiểm sát.
Bên cạnh đó, liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng và một số bộ, ngành liên quan đã phối hợp ban hành các thông tư liên tịch nhằm kịp thời hướng dẫn giải quyết khó khăn vướng mắc cho các đơn vị trong việc chấp hành quy định của pháp luật. Điển hình là Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT – VKSNDTC – BCA – BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Đặc biệt, liên ngành tư pháp ở nhiều địa phương đã xây dựng và ký kết được các Quy chế phối hợp giúp cho việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp ở địa phương được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là kiên quyết trừng trị nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, đặc biệt là các hành vi bức cung, dùng nhục hình nói riêng, qua đó, tăng cường bảo đảm các quyền của người bị giam giữ cũng như ngăn ngừa oan, sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các hành vi phạm tội.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 74/2014/QH13 ngày 24/6/2014 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Qua đó đã thành lập nhiều Đoàn giám sát kiểm tra công tác điều tra, truy tố, xét xử tại các cơ quan tư pháp ở một số địa phương.
Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản trao đổi về việc thành lập Tổ chuyên viên liên ngành do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì để xem xét, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có đơn kêu oan nhằm tham mưu cho lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương trả lời người có đơn.
Có thể nói, kết quả đạt được trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trên đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, phục vụ tốt yêu cầu chính trị và công tác đối ngoại, nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.